Bà Võ Thị Mô sinh năm 1947, trong một gia đình cách mạng, có hai anh trai là liệt sĩ. Cha mẹ đều là người có công nuôi giấu cán bộ nên bà được giác ngộ từ rất sớm. 13 tuổi, Võ Thị Mô làm giao liên cho cơ quan an ninh xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), đưa thư từ, đưa đón cán bộ ra vào nội thành. Hai năm sau, bà đã làm ấp đội phó phụ trách dân công hỏa tuyến, tải đạn, tải thương, sát cánh với Tiểu đoàn Quyết Thắng của Quân khu 7. Với những chiến công và hành động quả cảm trên chiến trường, năm 18 tuổi (1965), Võ Thị Mô được bổ nhiệm làm Xã đội phó Nhuận Đức, phụ trách địa bàn cầu Rạch Sơn giáp địa đạo Củ Chi.

Cách đánh Mỹ của bà Võ Thị Mô cũng khá độc đáo. Ban ngày, bà cùng 2-3 đồng đội bắn tỉa địch. Ban đêm, chọn thời điểm lính Mỹ tụm lại thì bà và đồng đội dùng lựu đạn tập kích, làm cho chúng hoang mang cực độ. Cuối năm 1966, Võ Thị Mô được giao làm Trung đội trưởng Trung đội nữ du kích Củ Chi mới thành lập. Thời điểm đó, Mỹ đang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh và chư hầu vào miền Nam. Củ Chi được quân Mỹ và ngụy Sài Gòn xác định là một trong những trọng điểm tiến hành các cuộc hành quân càn quét, đánh phá ác liệt, hòng biến nơi đây thành “vùng trắng”.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Võ Thị Mô. Ảnh: KHẮC TUỆ

Thực hiện phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh”, Trung đội nữ du kích tổ chức nhiều trận đánh rất sáng tạo và luôn có kỷ luật nghiêm minh. Vừa chỉ huy trung đội chiến đấu, Trung đội trưởng Võ Thị Mô vừa chiến đấu dũng cảm, trực tiếp tiêu diệt 35 tên Mỹ, 2 xe tăng và được tặng các danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe tăng. Năm 22 tuổi (1969), Võ Thị Mô được bổ nhiệm Huyện đội phó Huyện đội Củ Chi, phụ trách Bắc Củ Chi. Năm 1970, Võ Thị Mô được cử đi đào tạo tại Trường Quân chính sơ cấp Miền (tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 2 ngày nay). Với thành tích học tập xuất sắc, Võ Thị Mô được giữ lại trường làm giảng viên. Đến năm 1976, do bệnh tật, sức khỏe giảm sút nên bà Mô xin ra quân rồi được mời về làm thuyết minh viên ở Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.

Thật tình cờ, hôm đến thăm bà Mô, tôi được gặp đoàn làm phim của một Việt kiều Mỹ tới ghi hình và phỏng vấn bà cùng các cựu nữ du kích. Hai phóng viên ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng về thăm bà Mô, chiếu cho bà xem thước phim rất quý giá, cảm động về bà cùng đội nữ du kích năm xưa. Tìm hiểu, tôi được biết, có cựu binh Mỹ cầm tấm ảnh cũ được in trên báo sang Việt Nam tìm bà Võ Thị Mô ở Tây Ninh. Người cựu binh đã nhắc đến chuyện bà Mô từng không bắn những người lính Mỹ đang trong tầm ngắm của mình bởi khi ấy họ còn rất trẻ, đang ngồi trên tấm khăn trải trên nền đất, chụm đầu đọc thư gia đình, xem ảnh vợ con, người yêu. Thay vì đi tìm cộng sản dưới chiến hào theo lệnh của cấp trên, họ trốn vào một góc, nhớ người thân đến bật khóc. Trong phút giây ấy, bà đã khóa chốt an toàn, đồng thời gạt nòng súng của Năm Nhỏ, đồng đội cùng đi sang một bên. Giải thích lý do trong cuộc họp chi bộ, bà mạnh mẽ nói: “Tôi không thể bắn những người lính Mỹ khi họ trở về với chất con người nhất”... Và một trong 4 người lính đó sau này trở thành nhà báo, tên là John Penycate. Ông đã cùng Tom Mangold viết tác phẩm “Hầm Củ Chi”. Năm 1985, cuốn sách ra mắt độc giả và đã gây tiếng vang lớn. Khoảnh khắc gạt nòng súng không tiêu diệt đối phương của nữ du kích Võ Thị Mô đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Từng có đoàn làm phim của Mỹ đến Củ Chi làm phim về bà Võ Thị Mô. Biết bà bệnh nặng, đã 8 lần lên bàn mổ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ đưa ra lời đề nghị giúp đỡ nhưng bà đã từ chối: “Tôi không cần gì, chỉ mong sao đồng bào tôi được sống trong hòa bình, đất nước tôi không bị ai xâm lược”.

Hiện tại, bà Mô sống trong ngôi nhà tình nghĩa và thờ cúng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hợp, người có con trai duy nhất là liệt sĩ Vũ Văn Dũng, đồng đội-người thầy trực tiếp dạy võ cho bà.

PHẠM THỊ DẦN