Quá trình dài, không ít khó khăn
Đối với Việt Nam, trở thành thành viên LHQ là quá trình dài, không ít khó khăn. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945 thì đến ngày 14-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Ngoại trưởng của các nước thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) và ông Paul-Henri Spaak, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ tại khóa đầu tiên đang họp ở London (Anh) vào tháng 1-1946, đề nghị được gia nhập LHQ. Trong thư, Người khẳng định: “Quốc dân chúng tôi đã giành được quyền độc lập và giữ vững nền độc lập, thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng LHQ” (1). Khi đó, Việt Nam chưa được nước nào trên thế giới công nhận nên việc gia nhập LHQ chưa thể thực hiện được.
Ngày 23-9-1945, Pháp gây hấn ở Sài Gòn, quyết tái xâm lược Việt Nam. Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngày 22-11-1948, ông Trần Ngọc Danh, Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Paris (Pháp) gửi đơn xin gia nhập LHQ, kèm theo tuyên bố chấp nhận các nghĩa vụ của Hiến chương LHQ. Đơn này được ghi nhận tại Văn bản số S/2780 của HĐBA ngày 17-9-1952.
Tại cuộc họp thứ 603 ngày 19-9-1952, đại diện Liên Xô đặt câu hỏi cho Ban thư ký lý do tại sao đơn này không được công bố và phổ biến như một văn bản chính thức của HĐBA khi được nhận vào năm 1948. Đại diện Ban thư ký giải thích rằng, đơn xin gia nhập của Việt Nam đã được chuyển ngay cho tất cả thành viên HĐBA vào tháng 11-1948 theo chỉ thị của Chủ tịch HĐBA lúc đó, không rõ lý do vì sao HĐBA không xem xét đơn này.
|
|
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (thứ hai, từ phải sang) dự Lễ thượng cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc. Ảnh tư liệu
|
Ngày 29-12-1951, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám gửi thư cho Tổng thư ký LHQ xin gia nhập LHQ thông qua Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Trung Quốc. Trong thư, ngoài nhắc lại đề nghị gia nhập LHQ ngày 22-11-1948 và cam kết chấp nhận các nghĩa vụ theo Hiến chương, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám còn phản đối kịch liệt các bước đi của Chính phủ Pháp nhằm kết nạp vào LHQ “Chính phủ” của Bảo Đại, là công cụ của thực dân Pháp và không thể đại diện cho nhân dân Việt Nam. Điện tín này được ghi nhận tại Văn bản số S/2466 ngày 3-1-1952 của HĐBA, song không được HĐBA xem xét.
Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp kết thúc với Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva năm 1954, chấm dứt chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương. Việt Nam tạm bị chia cắt làm hai miền. Trong giai đoạn này, không có việc Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng như Việt Nam Cộng hòa gửi đơn xin gia nhập LHQ.
Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi. Lúc này, chủ trương của chúng ta là việc thống nhất hai miền cần thời gian và tiến hành từng bước nên quyết định cả hai miền cùng đặt vấn đề xin gia nhập LHQ. Thực hiện chủ trương trên, ngày 15-7-1975, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát gửi điện tín cho Tổng thư ký LHQ xin gia nhập vào LHQ (Văn bản số S/11756).
Ngày 16-7-1975, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cũng gửi cho Tổng thư ký LHQ đơn xin gia nhập LHQ của Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Văn bản số S/11761). Đồng thời, Việt Nam Dân chủ cộng hòa cử Đại sứ Nguyễn Văn Lưu, còn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cử Đại sứ Đinh Bá Thi cùng sang New York (Mỹ) để vận động. Đơn xin của hai miền Việt Nam được Ủy ban Phối hợp của Phong trào không liên kết ủng hộ. Ngày 11-8-1975, Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu đồng ý, trừ Mỹ. Ngay sau đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Daniel Patrick Moynihan phủ quyết việc gia nhập LHQ của hai miền Việt Nam với lý do là Liên Xô và Trung Quốc đã phủ quyết, không chấp nhận Hàn Quốc gia nhập LHQ.
Tuy nhiên, Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp ngày 29-9-1975 đã điều chỉnh chủ trương và quyết định: “Thống nhất đất nước tạo ra sức mạnh mới, những thuận lợi mới để phát triển kinh tế, văn hóa và củng cố quốc phòng. Thống nhất đất nước càng tăng cường ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, thống nhất càng sớm thì càng phát huy nhanh sức mạnh toàn diện của Tổ quốc”(2).
Trong Văn bản số S/12183 ngày 10-8-1976 gửi tới LHQ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu đề nghị của Việt Nam được gia nhập LHQ, song vẫn bị Mỹ phủ quyết. Một năm sau, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu đã tham dự Phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng LHQ. Ngày 20-9-1977, sau những cuộc đàm phán kéo dài, những cuộc biểu quyết tranh luận gắt gao từ các quốc gia thành viên, cuối cùng, Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên thứ 149 của LHQ.
Trong phiên họp này, Đại sứ Mỹ Andrew Young, sau khi đọc bài phát biểu hoan nghênh Việt Nam vào LHQ, đã đi thẳng tới đoàn Việt Nam bắt tay chúc mừng trước sự chứng kiến của toàn thể Đại hội đồng. Trong buổi chiêu đãi sau đó, Đại sứ Andrew Young đã mời đoàn Việt Nam tham dự.
Về sự kiện này, ngày 21-9-1977, Thời báo The New York Times đăng tin “Việt Nam gia nhập LHQ khi Đại hội đồng lần thứ 32 khai mạc” trong mục đầu tiên trên trang số 2. Bản tin này viết: “Những tràng pháo tay vang dội khắp khán phòng, những bài phát biểu liên hồi vang lên. Tất cả điều này đã phản ánh tình cảm của đa số thành viên dành cho Việt Nam”. Cũng trong ngày 21-9-1977, Lễ thượng cờ Việt Nam được tiến hành tại sảnh chính trụ sở LHQ.
Khẳng định vị thế trên trường quốc tế
Tại sao tại Phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng LHQ, Mỹ không còn phủ quyết Việt Nam gia nhập LHQ? Tháng 1-1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhậm chức, đã điều chỉnh chính sách đối với Việt Nam, nới lỏng cấm vận, cử đoàn do Leonard Woodcock, Đặc phái viên của Tổng thống dẫn đầu thăm Việt Nam bàn về việc nối lại quan hệ (tháng 3-1977). Ngày 4-5-1977, chính quyền Carter quyết định không phủ quyết Việt Nam gia nhập LHQ. Hai bên thỏa thuận mở đàm phán về việc bình thường hóa quan hệ.
Ngoài nhân tố trực tiếp là Mỹ không phủ quyết Việt Nam gia nhập LHQ còn nguyên nhân sâu xa chính là cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do, được đông đảo bạn bè ủng hộ.
Đây là một dấu mốc đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Bởi khi ấy, Việt Nam mới giải phóng đất nước được hai năm. Không chỉ đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, kỹ thuật... Việt Nam còn đang phải chịu lệnh cấm vận của Mỹ và một số nước.
Việc gia nhập LHQ không chỉ giúp Việt Nam nhận được nhiều sự hỗ trợ trong việc tái thiết đất nước mà còn là sự công nhận với một quốc gia thống nhất và độc lập.
Từ khi gia nhập LHQ, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương; thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc; phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế. Song song với đó, Việt Nam tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ, đặc biệt, được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia. Từ tháng 6-2014 đến nay, Việt Nam đã cử hơn 700 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ theo hai hình thức cá nhân và đơn vị tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và trụ sở LHQ.
Với những đóng góp của mình, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi nhiều dấu ấn Việt Nam tại các cơ quan, như: HĐBA, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC)... LHQ, cộng đồng quốc tế đã đánh giá Việt Nam là một điển hình trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Với phương châm chủ động, tích cực, chân thành, tin cậy và có trách nhiệm, Việt Nam tiếp tục nỗ lực hết sức mình đóng góp vào củng cố vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu, cùng phấn đấu vì hòa bình bền vững, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.
Đại sứ, GS, TS VŨ DƯƠNG HUÂN, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.180
(2) Đảng Lao động Việt Nam: Nghị quyết số 247-NQ/TW ngày 29-9-1975, Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.