Từ chuyện kể của dòng sông...

“Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện” là chủ đề của Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất, năm 2023 vừa được UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức trên hệ thống sông Sài Gòn. Được Ban tổ chức lễ hội mời tham dự sự kiện với tư cách đại biểu, chúng tôi thực sự ấn tượng trước quy mô, tầm ảnh hưởng và ý nghĩa của lễ hội. Các hoạt động đã tạo ấn tượng đặc biệt với du khách và bạn bè quốc tế. Là công dân của Thành phố mang tên Bác đã hơn một phần tư thế kỷ, lần đầu tiên chúng tôi được trải nghiệm đời sống sông nước trong lòng đô thị hiện đại với chuỗi chương trình lễ hội mang tính trải nghiệm, khám phá, sống cùng phong tục ông cha.

Với ngành văn hóa-du lịch TP Hồ Chí Minh, việc đánh thức, lan tỏa các giá trị lịch sử-văn hóa thông qua môi trường lễ hội chính là hình thức, giải pháp thúc đẩy du lịch về chiều sâu, tạo sản phẩm đặc trưng thu hút du khách. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: Hệ thống sông nước (bao gồm các dòng sông, kênh, rạch, bến cảng...) ở TP Hồ Chí Minh như là những nhân chứng lịch sử, lưu giữ những giá trị đặc sắc về hành trình khai khẩn, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, hội nhập và phát triển của vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh suốt hơn 325 năm qua. Ngày nay, trước sự phát triển nhanh chóng của đô thị theo mục tiêu văn minh, hiện đại, nghĩa tình, việc bảo tồn, đánh thức các giá trị lịch sử-văn hóa, phong tục từ sông nước sẽ tạo nên tính hấp dẫn, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, làm giàu sắc thái văn hóa văn minh đặc trưng, đặc sắc của TP Hồ Chí Minh.

Dọc các tuyến sông, dòng kênh ở nội ô TP Hồ Chí Minh hiện nay (tiêu biểu như: Sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Tàu Hủ...) có nhiều công trình, di tích lịch sử-văn hóa quan trọng, gắn liền với từng thời kỳ hình thành, phát triển đô thị. Những địa danh, công trình di tích nổi tiếng như: Cột cờ Thủ Ngữ, Bến Nhà Rồng, cảng Ba Son, bến Bạch Đằng, công trường Lam Sơn, tượng đài Trần Hưng Đạo... và hệ thống các di tích, công trình văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo nên chiều sâu không gian kiến trúc văn hóa. Sắc màu cổ kính, cổ điển ấy như là những nốt nhạc trầm trong bản giao hưởng đô thị khang trang, hiện đại với những tòa nhà chọc trời, những cây cầu có lối kiến trúc sang trọng, đẹp mắt. Đó là những chất liệu quan trọng để khai thác lợi thế du lịch, phát triển kinh tế sông nước. Đây cũng chính là điểm khác biệt so với hệ thống sông nước Nam Bộ nói chung. Nếu như ở các địa phương khác, sông nước, kênh, rạch mang vẻ đẹp nguyên thủy, hoang sơ, phù hợp với loại hình du lịch sinh thái thì ở TP Hồ Chí Minh, hình ảnh lung linh đầy mê hoặc của vẻ đẹp hiện đại dọc các tuyến sông, dòng kênh lại là thứ “đặc sản” vô cùng hấp dẫn dành cho những “tín đồ” du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, giải trí; là thế mạnh đặc trưng để phát triển mô hình “kinh tế đêm”.

Thế mạnh đặc trưng ấy đã được nhận diện từ lâu, tuy nhiên, phải đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh mới triển khai chiến lược phát triển kinh tế, du lịch sông nước một cách tổng thể, có chiều sâu. Nói theo cách của đồng chí Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh là đã đến lúc chúng ta “định vị” đặc trưng du lịch TP Hồ Chí Minh trên bản đồ du lịch khu vực, châu lục và thế giới. Lý giải vấn đề này, giới chuyên gia và các nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành cho rằng, trước đây, cảnh quan hai bên bờ sông còn thiếu đồng bộ, thiếu những thiết chế văn hóa tạo điểm nhấn khang trang, hiện đại nên chưa hội tụ các điều kiện cần và đủ để tạo đột phá.

Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh triển khai công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, trong đó đặt không gian sông nước vào mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Một trong những dự án trọng điểm là chỉnh trang, cải tạo khu vực công viên bến Bạch Đằng nối với công trường Lam Sơn. Cùng với đó là sự ra đời của những cây cầu, công trình giao thông trọng điểm nối đôi bờ sông Sài Gòn. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, không gian bờ sông Sài Gòn mang vẻ đẹp khang trang, hiện đại, thoáng đãng, là điểm đến hấp dẫn du khách. Hằng đêm, tour du lịch sông Sài Gòn đón hàng vạn lượt du khách đến trải nghiệm. Hiện nay, du lịch đang là ngành kinh tế có doanh thu, lợi nhuận cao hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh. Sản phẩm du lịch sông nước phát triển rất mạnh về đêm, là mũi nhọn đột phá của mô hình “kinh tế đêm”.

leftcenterrightdel
Đua thuyền truyền thống trên sông Sài Gòn. 

Chuyện kể của dòng sông là những câu chuyện đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá, để mỗi du khách là một phần của không gian ấy, câu chuyện ấy. Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Minh Quốc (Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) đặt kỳ vọng rất cao vào chiến lược bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nhằm phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư, hiện thực hóa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Ông cho rằng: Nói đến văn hóa sông nước là nói đến sắc thái khẩn hoang. Hệ thống sông nước vừa là môi trường, vừa là chất liệu để chúng ta khôi phục, lan tỏa sắc thái khẩn hoang trong đời sống hiện đại, tạo sản phẩm đặc trưng cho du lịch. Cùng với đẩy mạnh các hoạt động lễ hội, cần đi sâu đầu tư những mô hình bảo tàng, văn hóa ẩm thực...

... đến đại lộ mang tên Đại tướng

Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và Ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức công bố tên đường Võ Nguyên Giáp. Theo đó, Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức, dài gần 8km) chính thức được đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp. Đây là đại lộ huyết mạch nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và khu vực phía Bắc; là một trong những đại lộ rộng nhất, khang trang nhất hiện nay ở TP Hồ Chí Minh. Việc lấy tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho con đường huyết mạch có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng này đã được giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu đề xuất từ lâu, song phải đến khi hệ thống hạ tầng giao thông khu vực này được hoàn thiện, HĐND TP Hồ Chí Minh mới ban hành nghị quyết, UBND TP Hồ Chí Minh chính thức triển khai thực hiện.

leftcenterrightdel
Vẻ đẹp khang trang, hiện đại trên đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: KIÊN HẢI

Trong công cuộc kiến thiết, xây dựng thành phố sau ngày đất nước thống nhất, Xa lộ Hà Nội không ngừng được nâng cấp, mở rộng. Đến nay, với quy mô 16 làn xe, rộng 142m, có thêm tuyến đường sắt trên cao (tuyến Metro số 1), con đường này không chỉ là tuyến giao thông trọng điểm mà còn là một danh thắng khang trang, hiện đại. Dọc hai bên đường Võ Nguyên Giáp là những khu đô thị kiểu mới sầm uất, có tốc độ phát triển nhanh, mạnh về kinh tế-xã hội. Sau khi đổi tên đường, trục giao thông huyết mạch này là sự kết nối những giá trị lịch sử-văn hóa đặc trưng: Xa lộ Hà Nội-đường Võ Nguyên Giáp-cầu Sài Gòn-đường Điện Biên Phủ... dẫn vào khu vực trung tâm thành phố, tạo cảm xúc đặc biệt cho người dân và du khách trong hành trình về nguồn, tiếp lửa truyền thống...

Cũng như chuyện kể từ dòng sông, những con đường cũng mang trên mình những câu chuyện về lịch sử-văn hóa đặc sắc. Bên cạnh vẻ đẹp văn minh, hiện đại, dọc hai bên tuyến đường này có rất nhiều công trình lịch sử-văn hóa gắn với từng giai đoạn khai khẩn, lập ấp, lập phố của tiền nhân và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những công trình nổi bật như: Đền thờ các Vua Hùng trong Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, Đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh-người có công khai khẩn vùng đất Sài Gòn-Gia Định xưa, cùng hệ thống các công trình, di tích về tôn giáo, tín ngưỡng có tuổi đời hàng trăm năm đã tạo nên chiều sâu cho không gian văn hóa, giáo dục.

Chiến lược phát triển TP Hồ Chí Minh với tầm nhìn đến năm 2045 theo các nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã nêu rõ mục tiêu, giải pháp xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, dựa trên nền tảng vững chắc của lịch sử và bản sắc văn hóa truyền thống. Câu chuyện về dòng sông và những con đường tiếp tục được mở ra với các chương trình, dự án mang tính chiến lược. Trong quy hoạch tổng thể phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giới chuyên môn đã hình thành ý tưởng chiến lược về những con đường ven bờ sông Sài Gòn nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố trong vùng, tạo hành lang và liên kết vùng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh...

NGUYỄN SONG MINH