Bước vào năm 1965, để đối phó với phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân đang ngày càng mạnh mẽ ở vùng ven sông Mỹ Thanh, huyện Long Phú, Mỹ-ngụy đã mở nhiều cuộc càn quét, gây ra bao đau thương tang tóc cho người dân vô tội. Nhớ lại những ngày đó, ông Dương Lonh (67 tuổi), Bí thư chi bộ ấp Giồng Chát, người dân tộc Khmer kể: “Năm đó, tôi mới 9 tuổi. Sáng 8-5-1965, tôi đang đi chơi ở trong xóm với người chú và đứa em họ thì nghe tiếng máy bay rồi tiếng súng nổ. Ba chú cháu tôi liền chạy về nhà để tìm chỗ tránh. Nhưng chưa về đến nhà, người em bị trúng đạn chết, người chú bị thương nhẹ, còn tôi cũng bị trúng đạn phía sau lưng, gần xương sống. Vết thương hiện vẫn còn để lại sẹo có lỗ sâu vào bên trong.

Địch từ trên máy bay bắn xuống, rồi cho ném bom bi, bom dầu khiến nhiều ngôi nhà bị cháy, nhiều người thương vong. Gia đình ông Lâm Xê ở cạnh nhà tôi đang ăn cơm thì bom đạn làm 4 người chết tại chỗ, 2 người còn lại bị thương khi chưa kịp ngồi vào mâm. Lúc máy bay ném bom, bà con hoảng loạn bỏ chạy, những người chạy về phía xã Lịch Hội Thượng (nay là thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề) thì may mắn sống sót; còn những người chạy về phía ấp Tổng Cáng thì bị máy bay bắn chết và bị thương rất nhiều. Tổng cộng có khoảng 100 người chết, hơn 200 người bị thương...”.

leftcenterrightdel

Bia chứng tích vụ thảm sát của Mỹ-ngụy ở ấp Giồng Chát ngày 8-5-1965.

Theo những người cao tuổi ở đây kể lại, địch nghi ngờ khu vực ấp Điền A, Điền B (nay là ấp Nam Chánh, thị trấn Lịch Hội Thượng) là nơi lực lượng cách mạng thường qua lại và lập căn cứ bám trụ để hoạt động ở vùng ven sông Mỹ Thanh. Sáng 8-5-1965, địch dùng máy bay ném bom cháy xuống địa bàn dân cư kéo dài từ ấp Điền A, Điền B đến tận Giồng Chát, nhân dân hoảng loạn chạy ra cánh đồng hướng về ấp Tổng Cáng thì chúng cho trực thăng xả súng máy 12,7mm vào đám đông, làm chết nhiều người dân vô tội, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Cả ấp Giồng Chát mịt mù khói lửa, nhà cửa cháy rụi, đám cháy âm ỉ kéo dài đến cả mấy ngày trời. Chùa Khmer Giồng Chát cũng bị trúng đạn pháo, sụp mái, nhiều nhà sư chết và bị thương. Nhiều gia đình không còn người nào sống sót. Sau trận thảm sát dã man đó, kẻ thù còn cho rải chất độc hóa học tàn phá vườn, cây cối xung quanh vùng, khiến cho đời sống của bà con nhân dân càng thêm khốn khổ, điêu đứng.

leftcenterrightdel
Ông Dương Lonh. 

Để minh chứng sự kiện trên, tôi được người dân dẫn tới thăm Bia chứng tích tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát ở ấp Giồng Chát. Bia được xây dựng từ năm 2007 trên nền đất có diện tích hơn 50m2, nằm trong khuôn viên chùa Prek Chat, mặt bia quay về hướng Tây. Ở góc trên có một mảng gạch men màu đỏ được cách điệu như đám lửa, trên đó có khắc chữ chìm màu đỏ với nội dung “Bia chứng tích chiến tranh.

Nơi đây, ngày 8-5-1965, chính quyền Mỹ-ngụy đã dùng máy bay ném bom thảm sát giết và làm bị thương trên 300 thường dân vô tội (đa số là người già, phụ nữ và trẻ em) ở các xã Lịch Hội Thượng, Liêu Tú thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong những tội ác dã man do bọn Mỹ-ngụy gây ra sau những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam Việt Nam”. Ngày 8-5 hằng năm đã trở thành ngày giỗ chung của rất nhiều gia đình ở ấp Điền A, Điền B, Giồng Chát và cũng chính là ngày khắc sâu tâm khảm nhân dân thị trấn Lịch Hội Thượng, xã Liêu Tú về lòng căm thù đối với tội ác tày trời mà Mỹ-ngụy đã gây ra. 

Bài và ảnh: CAO XUÂN LƯƠNG