Ông Dương Tuấn Tựa nguyên là chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 (nay thuộc Quân đoàn 34). Đầu tháng 3-1975, Tiểu đoàn 1 của ông được giao nhiệm vụ tập kích cụm cứ điểm của địch ở quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức. Theo kế hoạch tác chiến, Đại đội 1, Đại đội 2 nhận nhiệm vụ tiến công trực diện, trong khi Đại đội 3 bố trí phía sau để đón lõng và truy kích địch. Đúng 5 giờ ngày 9-3-1975, Đại đội 1 và Đại đội 2 phối hợp cùng pháo binh tập kích vào cụm cứ điểm. Sau hơn một giờ đồng hồ chiến đấu quyết liệt, lực lượng ta đã phá vỡ tuyến phòng thủ của địch, nhanh chóng làm chủ hoàn toàn chiến trường. Trước sức tấn công mạnh mẽ của ta, địch tháo chạy từ đỉnh núi xuống Quốc lộ 14.
“Theo hiệp đồng, mũi của tôi và đồng chí Nguyễn Văn Trọng (quê ở Hà Nội) truy kích địch theo hướng Tây Nam căn cứ địch. Khi vừa lên đến lưng chừng núi, bất chợt nghe có tiếng sột soạt, chúng tôi bèn đi chậm lại, tay siết chặt khẩu AK, tiến dần về phía phát ra âm thanh. Đi thêm vài bước chân, trước mặt chúng tôi, cách chừng 30m, xuất hiện hai tên lính ngụy. Không chần chừ, tôi nổ súng uy hiếp khiến một tên lập tức buông vũ khí, giơ tay đầu hàng. Tên còn lại hoảng sợ, vội lao vào nấp sau thân cây gần đó. Chúng tôi nhanh chóng tiếp cận mục tiêu và phát hiện đó là một trung úy sĩ quan ngụy cùng một nữ báo vụ. Tôi trói tên trung úy và thu giữ 1 khẩu súng côn, 1 khẩu AR-15; đồng chí Trọng khống chế nữ báo vụ và thu máy vô tuyến PRC-25. Sau đó, chúng tôi áp giải hai tù binh về Trung đoàn. Với thành tích trong chiến đấu và bắt được tù binh, tôi được thủ trưởng đơn vị tuyên dương và sau đó được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba”, cựu chiến binh Dương Tuấn Tựa nhớ lại.
    |
 |
Cựu chiến binh Dương Tuấn Tựa (bên phải) ôn lại kỷ niệm cùng đồng đội. Ảnh: PHƯƠNG NINH |
Không lâu sau trận đánh ấy, ngày 19-3-1975, Đại đội 3 của ông Tựa nhận nhiệm vụ luồn sâu, chốt chặn lực lượng địch rút từ căn cứ Chư Cúc, không cho chúng chạy xuống căn cứ Khánh Dương (đều nằm trên địa bàn Tây Nguyên). Tuy nhiên, trong quá trình làm nhiệm vụ, Đại đội 3 bị địch phát hiện và bị một tiểu đoàn lính dù ngụy vây ráp. Đại đội 3 rơi vào thế bị động, không kịp rút lui vì đã nằm sâu trong vòng vây của địch.
Ông Tựa kể: “Lúc đó, tôi và đồng chí Lù Dùng Thào (quê ở Hà Giang) đang trong hầm chờ lệnh tiến công thì nhận tin đơn vị đã bị lộ. Trong giây phút sinh tử, đồng chí Thào bảo tôi rút lui trước, còn đồng chí sẽ ở lại cầm chân địch. Tôi vẫn nhớ như in dáng người vạm vỡ, ánh mắt kiên định khi đồng chí Thào quay sang nói với tôi: “Tôi đã có vợ con ở quê nhà, đã hoàn thành nghĩa vụ với gia đình. Khi nào tôi bảo chạy thì cứ hướng núi mà chạy, tôi sẽ bắn yểm trợ. Sau này, nếu còn sống, chỉ cần nhớ tên tôi là được”. Nói xong, đồng chí cương quyết đẩy tôi ra khỏi hầm. Khoảnh khắc đó diễn ra nhanh chóng, nếu chần chừ đều bất lợi cho cả hai nên tôi đành chạy về phía một cái hang ở chân núi, cách đó gần 1km, đến nơi đã thấy một số đồng đội tập trung ở cửa hang. Lúc này tôi mới phát hiện mình bị một số mảnh đạn găm vào chân, tay và trán. Tôi liền lấy băng cá nhân sơ cứu vết thương, rồi hỗ trợ các đồng đội bị thương khác”.
Hôm sau trở về đơn vị, nhận tin 13 đồng chí đã hy sinh trong trận đánh, trong đó có Lù Dùng Thào, ông Tựa chết lặng. Đồng chí Thào đã cương quyết giành phần ở lại chiến đấu với địch để bảo vệ cho đồng đội rút lui. Hành động quên mình của liệt sĩ Lù Dùng Thào đã trở thành động lực thôi thúc thương binh hạng 4/4 Dương Tuấn Tựa tiếp tục sống, chiến đấu thay phần đồng đội...
Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày non sông liền một dải, ông Tựa và đồng đội thường trở lại chiến trường xưa thắp hương tri ân, tưởng nhớ các liệt sĩ. Sau nhiều lần tìm hỏi, trong chuyến thăm lại chiến trường Đắk Lắk hồi tháng 3 vừa qua, ông Tựa đã có thông tin và liên hệ được với gia đình liệt sĩ Lù Dùng Thào. Ông bảo rằng, trong thời gian gần nhất, ông sẽ đến nhà liệt sĩ Lù Dùng Thào để thắp hương cho người đồng đội đã anh dũng hy sinh, nhường phần sống cho mình từ cách đây nửa thế kỷ.
NINH NHI