Đầu năm 2025, chúng tôi được các đồng chí trong Ban chỉ huy Trung đoàn 95 giới thiệu về Trung tá, cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Văn Phi, trú tại khu Kim 2, phường Phượng Sơn, thị xã Chũ, tỉnh Bắc Giang. Gặp ông, chúng tôi được nghe ông kể về những năm tháng quân ngũ, thời gian chiến đấu ở Quảng Trị, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia và xây dựng Trung đoàn 95 vững mạnh toàn diện. Trong đó có chuyện 3 lần ông cùng đồng đội đẩy lui quân địch tiến công lên chốt ở đầu cầu Sắt thuộc Thành cổ Quảng Trị ngày 10-9-1972 trong thế quân ta ít hơn địch nhiều lần nhưng vẫn giữ vững chốt, góp phần để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trung tá Nguyễn Văn Phi kể: Hôm ấy, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 chiến đấu chốt giữ khu vực cầu Sắt. Tôi khi đó là Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 7. Tiểu đoàn  nhận nhiệm vụ vào giữ thành cổ từ đầu tháng 7-1972, phối thuộc với Trung đoàn 95 của Sư đoàn chiến đấu tại khu vực cầu Sắt. Trong quá trình chiến đấu, các đồng chí Xưng, Tiểu đoàn trưởng và Ngô Xuân Hoàng, Chính trị viên Tiểu đoàn 7 hy sinh; đồng chí Vũ Xuân Nghĩa, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 7 bị thương nặng phải đưa về tuyến sau. Do cán bộ hy sinh, bị thương không thể chỉ huy và chiến đấu nên Ban chỉ huy Tiểu đoàn và các đại đội thay đổi liên tục. Đến ngày 10-9-1972, Đại đội 4 chỉ còn 8 người, song chúng tôi quyết tâm chiến đấu, giữ bằng được mục tiêu được giao.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Nguyễn Văn Phi. Ảnh: THÁI CHÂU

Khoảng 8 giờ, địch dàn quân, có xe tăng yểm trợ, tiến công lên chốt cầu Sắt. Lúc này, đại đội trưởng lên làm nhiệm vụ ở Ban chỉ huy Tiểu đoàn nên tôi chỉ huy Đại đội chiến đấu. Ngay loạt đạn đầu tiên, tôi dùng súng B40 bắn cháy xe tăng địch, rồi cùng đồng đội đánh bộ binh địch, buộc chúng phải lùi lại, gọi pháo bắn dữ dội vào chốt. Sau một giờ đồng hồ, địch lại ào ạt tấn công lên chốt. Đại đội phòng ngự chặt, hỗ trợ hiệp đồng chiến đấu, tiêu diệt nhiều tên địch và bắn cháy 1 thiết xa M113, khiến chúng phải lui quân. Đến 12 giờ trưa, địch tiến công chốt đầu cầu Sắt của chúng tôi lần thứ ba. Toàn Đại đội chủ động phòng ngự, hiệp đồng chiến đấu, bắn cháy thêm 1 xe tăng của địch, buộc chúng phải rút quân. Vì có thành tích trong quá trình chiến đấu và chỉ huy Đại đội một ngày đẩy lui 3 đợt tiến công của địch, tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy hiệu Chiến sĩ Quyết thắng.

- Vậy anh bị thương trong trường hợp nào? - tôi hỏi cựu chiến binh Nguyễn Văn Phi.

- Tôi bị thương tại Quảng Trị, trong trận chiến đấu ở làng Đơn Quế vào ngày 27-5-1972. Trận này, tôi là Chính trị viên Đại đội 4, cùng với Đại đội trưởng Ngô Xuân Định chỉ huy Đại đội đánh địch càn vào làng Đơn Quế. Tôi trực tiếp sử dụng súng máy phòng không 12,7mm bắn rơi một máy bay trực thăng của địch, được Trung đoàn 18 cấp giấy chứng nhận. Trong trận này, Đại đội trưởng Định hy sinh; tôi bị thương bởi mảnh đạn pháo của địch găm vào tay trái. Băng bó xong, tôi vẫn tiếp tục chỉ huy Đại đội chiến đấu. Còn lần bị thương nặng là do sức ép của bom B-52 Mỹ rải thảm ở Thành cổ Quảng Trị, giám định thương tật mức 41%, xếp hạng 3/4...

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Phi tiếp tục câu chuyện: “Những kỷ niệm trong quân ngũ và thời gian chiến đấu ở Quảng Trị, tôi còn nhớ lắm. Tôi sinh năm 1947, quê ở xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tôi nhập ngũ tháng 1-1966, vào huấn luyện và trở thành bộ đội ra đa thuộc Trung đoàn Ra-đa 291. Sau nhiều lần điều chuyển, năm 1971, tôi về làm Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325). Năm 1972, tôi cùng Trung đoàn 18 tham gia chiến đấu tại Quảng Trị. Trận chiến đấu trực tiếp đầu tiên của tôi là ngày 25-5-1972, cùng đơn vị đánh chặn lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ từ hướng biển ở Triệu Phong (Quảng Trị)...”.

 Cuối năm 1972, đồng chí Nguyễn Văn Phi được điều về làm Chính trị viên Đại đội Trinh sát 20, Sư đoàn 325 và vinh dự tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975. Sau khi đất nước thống nhất, ông được giao nhiều cương vị ở Sư đoàn 325, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Tháng 9-1979, Trung tá Nguyễn Văn Phi được bổ nhiệm Phó trung đoàn trưởng về Chính trị Trung đoàn 95 và nghỉ hưu năm 1988.

HƯƠNG HỒNG THU