Năm 1972, Nguyễn Văn Vấn là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Trung đội 3, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Ngày 7-8-1972, Đại đội 9 được cấp trên giao nhiệm vụ cùng Đại đội 11 tiêu diệt cứ điểm quân địch đang chốt giữ tại làng Như Lệ.

Làng Như Lệ nằm phía Nam sông Thạch Hãn (Tây Nam Thành cổ Quảng Trị). Trong làng có một đại đội lính dù ngụy chốt giữ. Địch dùng nơi đây làm bàn đạp tiến công thị xã Quảng Trị từ hướng Tây Nam, vì rất thuận lợi cho việc tiếp tế hậu cần, đồng thời là điểm giữa chia cắt thị xã với Chùa Nga và Động Tiên. Trong trận tiến công cứ điểm Như Lệ, quân ta sử dụng hai đại đội thuộc Tiểu đoàn 6. Hai đại đội bí mật bố trí lực lượng luồn sâu, tập kết ém quân vào sát trận địa công sự từ đêm hôm trước chờ lệnh nổ súng.

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Nguyễn Văn Vấn. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7-8-1972, cấp trên lệnh tấn công tiêu diệt địch tại làng Như Lệ. Quá trình tiến công địch, quân ta sử dụng 2 xe tăng T34 tăng cường, phối thuộc với Đại đội 11. Địch tập trung hỏa lực, ra sức chống cự nhưng không thể nào lật lại được tình thế trước sức tấn công như vũ bão của toàn đại đội lại có xe tăng yểm trợ. Cùng thời điểm đó, Đại đội 9 có nhiệm vụ đánh hướng chủ yếu nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn, do địch bố trí đại đội tăng cường khoảng 150 tên với nhiều hỏa lực mạnh. Địch sử dụng súng máy 12,7mm đặt trên gò cao bắn quét dữ dội xuống đội hình Đại đội 9. Lợi dụng lúc hỏa lực địch ngừng bắn, Đại đội trưởng Đại đội 9 Lê Văn Dương dẫn đầu chỉ huy đơn vị xung phong.

“Trước diễn biến ác liệt của trận đánh, Tiểu đoàn trưởng Phùng Tặng quyết định báo cáo cấp trên chi viện pháo binh cho bắn thẳng vào chiến tuyến của địch. Pháo của ta bắn cấp tập chính xác vào đội hình địch làm cho chúng rối loạn rồi chuyển làn. Đại đội trưởng Lê Văn Dương trong khi chỉ huy một mũi đánh vào dãy chiến hào ở phía ngoài làng Như Lệ đã hy sinh. Đồng chí Phóng là Chính trị viên phó Đại đội 9 tiếp tục chỉ huy chiến đấu và cũng bị thương do pháo của địch ở ngoài biển bắn trùm lên trận địa. Trung đội trưởng Học thay đồng chí Phóng chỉ huy cũng bị thương ở chân, phải nằm lại dùng tiểu liên AK bắn kiềm chế cho Trung đội phó Nghị tiếp tục chỉ huy bộ đội thọc sâu. Cùng thời điểm đó, tổ mũi nhọn của chúng tôi gồm: Bùi Văn Ừa, Hoàng Đăng Miện, Nguyễn Văn Quyến và tôi nhanh chóng đánh thẳng vào đội hình địch đang co cụm lại”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Vấn nhớ lại. 

Hướng tiến công của Đại đội 11 lúc này đã đánh chiếm đến đỉnh đồi, hai mũi của ta hợp lại như hai gọng kìm tiến lên nhanh chóng chiếm làng Như Lệ. Sau hơn hai giờ hiệp đồng chiến đấu, trận đánh kết thúc, quân ta tiêu diệt và bắt sống Đại đội 2 lính dù ngụy đóng quân ở đây.

Đầu năm 2023, cựu chiến binh Nguyễn Văn Vấn cùng đồng đội thăm lại làng Như Lệ. Hơn nửa thế kỷ đã qua, cảnh vật và không gian làng thay đổi nhiều, chỉ thoáng nhận được bến sông, nơi năm xưa quân ta đã vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ đánh giặc. Các ông bùi ngùi xúc động nhớ thương những đồng đội đã anh dũng hy sinh trong trận đánh và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm giữ Thành cổ vào năm 1972...

ĐÀO TRANG ANH