Đại tá Trần Xuân Thống (1940-2024), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3), quê ở xã Tân Dân, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ông nhập ngũ tháng 3-1959 và tham gia chiến đấu trên khắp chiến trường của 3 nước Đông Dương. Ông được tặng thưởng 12 huân chương các loại, trong đó có Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì được thưởng “nóng” tại trận địa. Tấm huân chương này ghi nhận sự mưu trí, dũng cảm của đồng chí Trần Xuân Thống vì đã có thành tích chỉ huy đơn vị phối hợp tiêu diệt toàn bộ quân địch chốt chặn ở đèo M’Drắk (Đắk Lắk), phá tan phòng tuyến của Lữ đoàn dù số 3 ngụy trong Chiến dịch Tây Nguyên (1975), để lực lượng của ta tiến xuống đồng bằng ven biển miền Trung và Nha Trang (Khánh Hòa).
Sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung đoàn 28 trong đội hình Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Tây Nam Tổ quốc. Tháng 12-1977, ta mở Chiến dịch Đ7 đánh đuổi quân Pol Pot xâm lược biên giới nước ta. Trung đoàn 28 tham gia Chiến dịch Đ7 được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm Phsâm, mở màn Chiến dịch Đ7 và làm bàn đạp đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 4 (Quân khu 203) của Pol Pot. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, vì quân Pol Pot rất liều lĩnh và xảo quyệt, tất cả con đường, những vị trí có giá trị về chiến thuật, chúng đều cài mìn, tổ chức lực lượng mật phục để ngăn cản bước tiến của quân ta.
“Trước thực tế đó, tôi xác định phải kế thừa tư tưởng tiến công “thần tốc, táo bạo” trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 để tiêu diệt địch. Ngay sau khi nhận mệnh lệnh của cấp trên, tôi cùng Ban chỉ huy Trung đoàn 28 hội ý, tổ chức hội nghị quân chính, giao nhiệm vụ cho đơn vị, phân công cán bộ phụ trách từng hướng, mũi và tổ chức hành quân”, Đại tá Trần Xuân Thống kể.
Rạng sáng 22-12-1977, Trung đoàn 28 nổ súng đánh mở cửa, chiếm bàn đạp Phsâm. Trận đánh diễn ra quyết liệt và kết thúc sau 2 giờ đồng hồ tiến công liên tục. Bàn đạp vừa được mở, quân ta lập tức thọc sâu vào lòng địch. Trung đoàn 28 để lại Tiểu đoàn 3 chốt giữ bàn đạp, lực lượng còn lại cùng với xe tăng, xe thiết giáp tiến theo Đường 7 đánh chiếm Âm Púc và ngã ba Krếch; phối hợp với các đơn vị đánh Krếch 1, Krếch 2 và truy kích địch đến tận sông Mê Công.
Nét nổi bật trong chiến dịch này là ta đánh trong hành tiến, Trung đoàn 28 và các đơn vị đã hành quân, liên tục tiến công, truy kích địch, đẩy chúng vào thế bị động đối phó, phải rút vào rừng rậm, tạo thế tiến công như vũ bão của quân ta để giành thắng lợi trên chiến trường. Sau chiến dịch, ngày 27-12-1977, Thượng tướng Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã đến thăm, động viên, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28.
NGUYỄN ANH SƠN