Ông Tô Bửu Giám nhớ lại: Khi biết tin Chính phủ Nhật tuyên bố toàn cõi Đông Dương dưới quyền bảo hộ của Đại Nhật, bọn thực dân Pháp ở Sóc Trăng hoang mang, lo sợ, chúng ra lệnh cho quân lính chở toàn bộ xăng dầu, rượu, sắt thép ở Sóc Trăng đem cất giấu; đồng thời tăng cường vơ vét của cải để tháo chạy xuống Bạc Liêu. Trong khi đó, lợi dụng tình hình hỗn loạn, nhiều phe nhóm, đảng phái nổi lên hoạt động, chia rẽ mối đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Đồng chí Dương Kỳ Hiệp, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã chỉ đạo các lực lượng phối hợp ổn định tình hình, bảo vệ nhân dân. Theo đó, các tổ chức, đoàn thể quần chúng hoạt động sôi nổi, đặc biệt là lực lượng Thanh niên Tiền phong tỉnh, do đồng chí Dương Văn Đen làm thủ lĩnh. Thời gian đó, tôi được anh Đen giao nhiệm vụ vận động, tập hợp quần chúng tham gia tuần tra canh gác, sẵn sàng khởi nghĩa khi có lệnh. Chúng tôi chia thành các tổ, len lỏi đến các xóm nghèo ven sông, bí mật vận động cả lực lượng tá điền làm thuê cho địa chủ tham gia cách mạng. Phong trào quần chúng ngày càng mạnh mẽ đã lay chuyển đến cả chính quyền cấp tỉnh của địch. Tỉnh ủy Sóc Trăng bàn bạc, thống nhất và đi đến quyết định gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, gây áp lực với Tỉnh trưởng Võ Văn Đảnh để hắn đồng ý bàn giao chính quyền mà không gây đổ máu. Đúng theo kế hoạch, đêm 24-8-1945, đồng chí Dương Văn Đen cùng Nguyễn Văn Nghĩa-Thanh tra Giáo dục tỉnh, Vương Hồng Sển-Thư ký Tòa bố, là những người có cảm tình với cách mạng, đang giữ trọng trách và có uy tín với chính quyền địch, đến gặp Tỉnh trưởng Võ Văn Đảnh. Lúc đầu, Đảnh cũng ra oai, thậm chí còn lớn tiếng đe dọa. Nhưng sau một hồi thuyết phục, Đảnh hứa chấp nhận giao chính quyền cho cách mạng.
Nhà lão thành cách mạng Tô Bửu Giám kể lại thời khắc lịch sử trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Theo hồi ký của nhà lão thành cách mạng Dương Kỳ Hiệp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (giai đoạn 1944-1945), mặc dù tên Đảnh đã chấp thuận nhưng đồng chí Dương Văn Đen vẫn rất cảnh giác đề phòng hắn lật lọng nên đã xin ý kiến Tỉnh ủy chuẩn bị phương án 2 và cử một nhóm Thanh niên Tiền phong bí mật theo dõi hoạt động của Đảnh; đồng thời tăng cường bố trí lực lượng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi chiều hướng bất ổn trong ngày bàn giao, dự kiến vào ngày 25-8. Tỉnh ủy đồng ý phương án và chỉ đạo đồng chí Đen tổ chức đội vũ trang bảo vệ vòng ngoài, theo dõi mọi động thái trong buổi bàn giao để kịp thời phản ứng. Ngoài ra, còn có lực lượng quần chúng nhân dân đông đảo được giác ngộ, sẵn sàng tập hợp bất cứ lúc nào khi có tín hiệu. Bởi vậy, phong trào cách mạng ở Sóc Trăng diễn ra khá thuận lợi, gần như cầm chắc phần thắng, áp đảo đối phương, chỉ chờ hiệu lệnh nổi dậy khi thời cơ chín muồi.
Để chuẩn bị cho khởi nghĩa thành công, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã lựa chọn vị trí an toàn đặt “sở chỉ huy”. Nhiều phương án đưa ra, có người đề nghị đặt trong khu dân cư, có người đề nghị đặt sở chỉ huy lưu động… Cuối cùng, Tỉnh ủy quyết định đặt tại “Quán cơm Thanh niên” nằm trên đường Đại Ngãi (nay là đường Hai Bà Trưng, TP Sóc Trăng), do Bí thư Tỉnh ủy Dương Kỳ Hiệp thành lập từ năm 1944. “Quán cơm Thanh niên” từng là điểm gặp gỡ, hội họp, phổ biến tin tức, đường lối cứu quốc cho những cơ sở cách mạng. Vị trí này vừa thuận tiện, vừa dễ che mắt địch, lại được nhân dân bảo vệ nên rất an toàn. Tại đây, mọi mệnh lệnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy được truyền đi nhanh chóng tới tất cả các bộ phận chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Cũng theo lời kể của ông Tô Bửu Giám, đêm 24-8-1945, các đội tự vệ của Thanh niên Tiền phong được trang bị gậy gộc đi tuần tra các khu phố. Đội vũ trang của ông chia thành hai nhóm, một nhóm canh gác, bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy và Ủy ban Giải phóng tỉnh đặt tại “Quán cơm Thanh niên”, một nhóm áp sát trại lính tập, lính mã tà, trại hiến binh. Rạng sáng 25-8, đúng theo hiệp đồng của lực lượng cách mạng, quần chúng ở ngoại thành giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ rầm rập tiến vào trung tâm tỉnh lỵ, nhập với đoàn nhân dân nội ô Sóc Trăng, tạo nên đội ngũ trùng trùng, điệp điệp vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Đả đảo thực dân Pháp và bè lũ tay sai!”… Trước khí thế hừng hực đấu tranh của lực lượng quần chúng, chính quyền và quân đội địch hoàn toàn bất lực. Tỉnh trưởng Võ Văn Đảnh bước ra khán đài, tuyên bố giao chính quyền cho Việt Minh và xin được khoan hồng. Thời khắc thiêng liêng ấy, ông Tô Bửu Giám vui mừng tột độ, vứt cây gậy xuống rồi ôm chầm lấy đồng đội xúc động rơi nước mắt. Cảm xúc bất chợt vỡ òa, ông hô vang khẩu hiệu: “Chính quyền về tay nhân dân!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Lập tức, cả nghìn người đồng thanh hưởng ứng. Trên nóc khán đài quảng trường trung tâm thành phố, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, đánh dấu một trang sử mới của phong trào cách mạng ở Sóc Trăng.
Bài và ảnh: YẾN LONG - SĨ TIẾN