Tô Hiến Thành, hiệu là Phi Diên, người làng Hạ Mỗ thuộc Đan Phượng, Hà Tây (nay là Hà Nội). Sinh ra và lớn lên vào thời kỳ đầu nhà Lý trị vì. Bấy giờ, tuy nước Đại Việt đã được xác lập và trên đà củng cố, song tình hình trong nước vẫn còn nhiều bất ổn do các lực lượng nổi dậy chống lại triều đình và sự tranh giành quyền lực của một số phe nhóm trong triều đình. Vốn là người có tư chất thông minh, năng khiếu cả văn lẫn võ bộc lộ từ rất sớm, năm 1138, sau khi đỗ Thái học, Tô Hiến Thành được mời ra làm quan cho triều Lý Anh Tông. Ông đã tỏ rõ là một danh thần trung nghĩa, trung thực và khảng khái; một vị tướng văn võ kiêm toàn, được nhà vua hết sức tin tưởng, trọng dụng. Năm 1141, trên vùng núi phía Bắc có cuộc khởi loạn của đám thổ binh do Thân Lợi chỉ huy nổi lên cướp phá, gây bất ổn và làm cho triều đình phải lo đối phó rất vất vả. Tô Hiến Thành được nhà vua tin tưởng giao cho cầm quân đi đánh. Ông chỉ huy quân sĩ nhanh chóng dẹp tan cuộc nổi loạn này, bắt sống được Thân Lợi đưa về triều đình xét xử.

Vùng biên ải phía Bắc vừa tạm yên thì ở vùng biên viễn phía Tây, giặc Ngưu Hống và Ai Lao lại đem quân quấy phá. Năm 1159, Tô Hiến Thành lại được triều đình giao đem quân đi dẹp loạn. Trong cuộc viễn chinh lần này, dưới sự chỉ huy tài ba của Tô Hiến Thành, quân triều đình đã giành được thắng lợi to lớn, bắt được nhiều tù binh, thu nhiều voi, ngựa và chiến lợi phẩm.

Là một võ tướng thao lược, Tô Hiến Thành có rất nhiều đóng góp cho việc xây dựng, củng cố quân đội nhà Lý. Kể từ sau khi Tể tướng Đỗ Anh Vũ chết, Tô Hiến Thành được nhà vua tin tưởng giao toàn quyền việc cầm quân. Để củng cố sức mạnh quân đội, Tô Hiến Thành cho rằng, việc cần làm đầu tiên là đề cao tinh thần kỷ luật của binh sĩ, thực hiện thưởng phạt rất nghiêm minh. Ông chủ trương tổ chức lại quân đội; chọn các tướng hiệu, cất nhắc đưa những người giỏi binh pháp, thạo võ nghệ vào những vị trí chỉ huy; thường xuyên tổ chức khảo khóa các quan văn võ. Để tăng cường lực lượng cho quân đội, Tô Hiến Thành cho người đi về các địa phương tuyển những tráng đinh khỏe mạnh, tổ chức huấn luyện võ nghệ rồi sung vào quân đội. “Từ điển Danh nhân quân sự Việt Nam” (Tập 1, NXB Quân đội nhân dân, H.2004) ghi: “Tô Hiến Thành làm Thái úy. Từ khi Đỗ Anh Vũ chết, nắm binh quyền. Từ đấy lo mới tuyển quân, chọn tướng, cho các quan võ luyện tập đánh giặc, phá trận. Vua cũng tự cưỡi ngựa, bắn cung. Ông lĩnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, người trong nước đều quy phục; việc quân cơ, việc phòng biên giới một phen chấn chỉnh”. Dưới quyền thống lĩnh của Tô Hiến Thành, quân đội nhà Lý thời kỳ này là một đội quân có kỷ luật và được tổ chức rất tốt; có khả năng chiến đấu cao... làm cho những đạo quân hùng mạnh như quân Tống cũng phải dè chừng.

leftcenterrightdel
 Một góc phố Tô Hiến Thành ở Hà Nội. Ảnh: THÁI OANH

Cuối năm Tân Tỵ 1161, Tô Hiến Thành được nhà vua cử làm Đô tướng đem theo 2 vạn quân đi tuần tiễu tại vùng ven biển Tây Nam Đại Việt (vùng ven biển Ninh Bình, Thanh Hóa ngày nay). Ngày ông và đại quân lên đường, nhà vua thân chinh xuống tận cửa biển Thần Đầu để đưa tiễn. Không phụ lòng tin và ân đức của vua, Tô Hiến Thành cùng nghĩa binh đã cống hiến hết mình, mang lại cuộc sống yên bình cho một dải đất vùng ven biển Đại Việt; để lại dấu ấn khó quên và tạc lòng người dân nơi đây sự ngưỡng mộ.

Tháng 7 năm Đinh Hợi 1167, quân Chiêm Thành kéo ra xâm chiếm vùng Ô Lý (Quảng Bình). Chúng ra sức cướp phá, gây bao nỗi oán thán cho nhân dân. Tô Hiến Thành lại được nhà vua tin tưởng giao đem quân đi đánh dẹp. Chỉ sau 3 tháng, quân Chiêm Thành đã bại trận. Phải đến khi vua Chiêm sai sứ sang giảng hòa với Đại Việt và hứa giữ lễ phiên thần, không đem quân đi cướp phá như trước nữa, Tô Hiến Thành mới chịu rút quân về.

Không chỉ là một nhà cầm quân tài giỏi, đánh đâu thắng đó, Tô Hiến Thành còn là vị quan thanh liêm, khảng khái, tận tụy và trung nghĩa; luôn dành hết tâm huyết cho việc duy trì sự ổn định của vương triều Lý. Sử cũ chép rằng, tháng 7 năm Ất Mùi 1175, trước khi băng hà, Vua Lý Anh Tông để di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp đỡ Thái tử, mọi công việc triều chính nhất thiết phải tuân theo phép cũ. Sau khi nhà vua mất, Chiêu Linh Hoàng hậu (sau là Thái hậu) lại mưu tính phế con nọ lập con kia, nhưng sợ Tô Hiến Thành không nghe theo nên sai người đem vàng bạc châu báu đút lót cho vợ của Tô Hiến Thành. Biết chuyện, ông đã nghiêm khắc nói: “Ta là đại thần nhận di mệnh của tiên đế, phò giúp ấu chúa, nếu nay nhận của lót mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào mà trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng nữa?”.

Dùng vật chất mua chuộc không được, Chiêu Linh Thái hậu tiếp tục cho vời Tô Hiến Thành vào cung nhiều lần để thuyết phục, vận động nhưng trước sau ông vẫn khảng khái: “Làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, có lẽ nào hạng trung thần nghĩa sĩ lại vui lòng mà làm được, huống chi lời tiên đế vẫn còn văng vẳng bên tai. Thần đây không dám vâng lời”.

Biết một con người sẵn sàng chết vì nghĩa như Tô Hiến Thành thì khó mà lay chuyển được, cuối cùng Chiêu Linh Thái hậu cũng phải nghe theo và chịu để Thái tử Long Trát lên ngôi khi mới 3 tuổi. Mọi việc triều chính đều do Tô Hiến Thành đứng ra gánh vác, lo liệu. Thế nước Đại Việt lúc bấy giờ trông cậy vào bậc đại thần này. Trong nước mọi người đều quy phục, trong triều không ai dám trái ý.

Tháng 6 năm Kỷ Hợi 1179, Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng. Trước khi ông lâm chung, Thái hậu tới thăm và hỏi: “Nếu chẳng may ông mất thì ai sẽ là người có thể thay ông làm Tướng quốc?”. Không do dự, Tô Hiến Thành đáp ngay: “Trần Trung Tá có thể làm được”. Thái hậu ngạc nhiên hỏi tiếp: “Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày nào cũng ở bên cạnh lo hầu hạ, thuốc thang cho ông; sao ông lại không nói đến là cớ làm sao?”. Tô Hiến Thành thưa: “Thái hậu hỏi người có thể thay tôi nên tôi mới đề cử Trần Trung Tá; còn nếu hỏi người săn sóc, nuôi dưỡng tôi thì không phải Tán Đường thì còn ai nữa!”. Bình về việc này, sử thần Ngô Sỹ Liên cho rằng: “...Tô Hiến Thành khéo xử lý mọi biến cố, như cột đá giữa dòng, tuy bị sóng gió lay động, vỗ đập mà vẫn đứng vững không chuyển, khiến trên dưới yên thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng”.

Tô Hiến Thành là vị đại thần văn võ kiêm toàn, một nhân cách lớn, xứng đáng là một biểu tượng của những con người trung nghĩa thời quân chủ. Người đời sau đã lập đền thờ ông ở nhiều nơi như ở Thanh Hóa có 57 xã, thôn phụng thờ Tô Hiến Thành làm thành hoàng làng. Tên ông cũng được đặt cho đường phố, trường học và công trình văn hóa-lịch sử ở Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.

TRẦN VĨNH THÀNH