Bắt đầu từ ngày 8-5-1954, kết thúc ngày 21-7-1954, Hội nghị Geneva trải qua 75 ngày thương lượng với 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cấp trưởng đoàn. Ngoài việc trao đổi chương trình nghị sự, các bên trình bày lập trường của mình về giải pháp cho vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Trong đó, vấn đề chia cắt Việt Nam, bao gồm cả việc “mặc cả về vĩ tuyến” là một trong những “mục tiêu quan trọng” của đoàn Pháp. 

Bốn phiên họp đầu, nghị trình họp cách ngày và công khai, mỗi bên lên đọc quan điểm của mình, có báo chí tham dự. Từ kỳ họp ngày 17-5, các phiên họp diễn ra không công khai và được thu hẹp lại, mỗi bên chỉ có 3 đại biểu. Tại phiên họp ngày 26-5, Pháp và Việt Nam thỏa thuận về ngừng bắn và rút quân về các khu vực ấn định. Việt Nam đề nghị Pháp rút về phía Nam, ta rút về phía Bắc. Hội nghị cũng lập ra một tiểu ban quân sự để bàn cụ thể về vấn đề này.

Phía Việt Nam, tham gia tiểu ban quân sự có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Đại tá Hà Văn Lâu, chuyên viên quân sự và đồng chí Hoàng Nguyên, thông dịch viên (sau này là Tổng biên tập Báo Tin Việt Nam-Bộ Ngoại giao). Trong hồi ký, đồng chí Hoàng Nguyên kể: “Ngày 9-7-1954, tại cuộc họp tiểu ban quân sự, ta đề nghị Vĩ tuyến 14 nhưng Pháp vẫn chủ trương Vĩ tuyến 18. Chủ tịch Hồ Chí Minh điện cho đoàn ta, căn dặn phải kiên trì đấu tranh giữ vững những nguyên tắc cơ bản là độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và dân chủ. Mặt khác, với thái độ thực tế, ta phối hợp chặt chẽ với các đoàn Liên Xô và Trung Quốc, có sách lược mềm dẻo nhằm phân hóa nội bộ đối phương, thúc đẩy hội nghị tiến triển”.

leftcenterrightdel

Toàn cảnh phiên họp bế mạc Hội nghị Geneva, tháng 7-1954. Ảnh tư liệu 

Bên cạnh đó, ngoài thiện chí cho phép Pháp được đến Điện Biên Phủ nhận thương binh, ta còn có sáng kiến để Việt Nam-Pháp cùng mở một hội nghị ở trong nước nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho Hội nghị Geneva cũng như việc thi hành hiệp định sau đó. Chính vì vậy, Hội nghị quân sự Trung Giã (Hội nghị Trung Giã)-cuộc gặp tại chỗ giữa Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy Liên hiệp Pháp-đã được tổ chức song song với Hội nghị Geneva.

Trước khi Hội nghị Trung Giã chính thức khai mạc, hai bên thống nhất cử đại diện gặp nhau để bàn cụ thể việc trao trả và tiếp nhận thương binh, bệnh binh. Đoàn đại biểu Quân đội ta do Thiếu tá Nguyễn Văn Lê (tên thật là Lưu Văn Lợi (1913-2016), sau này là Đại tá, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ) làm trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy Liên hiệp Pháp do Thiếu tá James làm trưởng đoàn.

“Tại cuộc gặp này, thỏa thuận trao trả thương binh được thông qua. Sau khi hoàn thành việc bàn giao và tiếp nhận thương binh trong ngày 16 và 17-6-1954, tôi trao cho Thiếu tá James thông điệp của Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam gửi Bộ Tổng chỉ huy Liên hiệp Pháp đề nghị hai Bộ Tổng tư lệnh cử đại diện gặp tại chỗ để thảo luận tất cả vấn đề do Hội nghị Geneva đề ra. Ngay ngày hôm sau, Bộ Tổng chỉ huy Liên hiệp Pháp trả lời hoàn toàn chấp nhận đề nghị của phía QĐND Việt Nam. Tiếp đó là cuộc gặp giữa sĩ quan liên lạc hai bên bàn về địa điểm gặp và các vấn đề liên quan. Hai Bộ Tổng tư lệnh đều chấp nhận những đề nghị của các sĩ quan liên lạc và trao đổi danh sách thành viên đoàn. Hội nghị chính thức khai mạc ngày 4-7-1954 tại xã Trung Giã, một địa điểm nằm trên con đường nối Hà Nội-Thái Nguyên”, Đại tá Lưu Văn Lợi cho biết.

Đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam tham dự Hội nghị Trung Giã do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng là trưởng đoàn; Ðại tá Song Hào, Chính ủy Ðại đoàn 308, là phó trưởng đoàn và các thành viên: Ðại tá Lê Quang Ðạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn; Trung tá Nguyễn Văn Long, cán bộ Cục Tác chiến; Trung tá Lê Minh (tức Lê Minh Nghĩa), phụ trách Cục Quân huấn; Thiếu tá Nguyễn Văn Lê, phiên dịch của trưởng đoàn. Nhớ lại những ngày ấy, đồng chí Nguyễn Văn Long kể: “Một chiều cuối tháng 5-1954, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh gọi tôi lên giao nhiệm vụ thay mặt Cục Tác chiến tham gia đoàn cán bộ Hội nghị Trung Giã. Anh nhắc đi nhắc lại rằng ngoại giao quân sự cũng như đánh trận, phải nắm vững nguyên tắc, tác chiến phải linh hoạt”.

leftcenterrightdel
Thiếu tá Lưu Văn Lợi (người ngồi, đeo kính) trong đoàn Việt Nam tại Hội nghị quân sự Trung Giã (tháng 7-1954). Ảnh tư liệu 

Chúng tôi từng được gặp, trò chuyện với đồng chí Nguyễn Văn Long tại nhà riêng của Đại tá Lưu Văn Lợi ở phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) khi các ông đang chuẩn bị cho cuộc gặp nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Hiệp định Geneva được ký kết (2004). Cả hai đều tự hào cho biết, cuối tháng 6-1954, trước khi đi dự hội nghị, đoàn vinh dự được Bác Hồ gặp. Người căn dặn, đại ý: Ta đã thắng to về quân sự và sẽ thắng to hơn về ngoại giao. Thế giới sẽ biết Việt Nam, sẽ phải công nhận Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ tính pháp lý quốc tế về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ để giành thắng lợi hoàn toàn. Phải đàm phán trên tư thế của Quân đội chiến thắng!

Sáng hôm khai mạc hội nghị, Trung tá Nguyễn Văn Long là người lái chiếc xe Jeep từng chở tướng De Castries, chiến lợi phẩm ta thu được ở Ðiện Biên Phủ, đưa trưởng đoàn Văn Tiến Dũng vào địa điểm họp. Tại Trung Giã, tất cả vấn đề quân sự do Hội nghị Geneva đặt ra đều được đề cập tới.

Ngày 20-7-1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Geneva thì ngày 27-7-1954 diễn ra phiên toàn thể cuối cùng kết thúc công việc của Hội nghị Trung Giã sau khi đạt được thống nhất các thỏa thuận về hai vấn đề cấp bách là ngừng bắn và chính sách tù binh. Tham gia các hoạt động thuộc phạm vi hội nghị từ những ngày đầu, Đại tá Lưu Văn Lợi khẳng định: “Cuộc tiếp xúc chính thức giữa hai Bộ Tổng tư lệnh chỉ diễn ra trong 23 ngày nhưng có ý nghĩa và tác dụng riêng của nó. Kết quả đạt được cho thấy sự mong muốn kết thúc chiến tranh của cả hai bên. Đặc biệt là hội nghị bế mạc đúng ngày ngừng bắn ở Bắc Bộ. Theo tôi, Hội nghị Trung Giã đã chuẩn bị tốt các điều kiện để ngừng bắn kịp thời và giải quyết tốt những vấn đề khác của Hiệp định Geneva”.

Theo Hiệp định Geneva, Việt Nam và Pháp thành lập đoàn đại biểu của mình trong Ủy ban Liên hợp Trung ương. Đồng chí Lưu Văn Lợi được cử làm Chánh văn phòng đoàn đại biểu Việt Nam trong Ủy ban, là đầu mối liên lạc với đoàn đại biểu Pháp, đồng chí Lê Minh Nghĩa là Phó chánh văn phòng. Còn đồng chí Nguyễn Văn Long tham gia phái đoàn liên lạc của QĐND Việt Nam bên cạnh Ủy ban quốc tế về Giám sát và Kiểm soát tại Sài Gòn. Những ngày tháng sau đó, chúng ta đã phải trải qua cuộc đấu tranh cam go trước những thủ đoạn và sự lật lọng của đối phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Long kể: “Ba năm hoạt động công khai giữa Sài Gòn, đấu tranh trực diện hằng ngày với kẻ thù mới thấy hết tầm quan trọng của cơ sở pháp lý quốc tế mà Hội nghị Geneva xác định. Mặc dù Mỹ đã tuyên bố sẽ tự kiềm chế trong việc “dọa dẫm dùng vũ lực để gây rối những quyết định có liên quan”, nhưng thực tế, Mỹ là kẻ đầu tiên phá hoại Hiệp định Geneva. Mỹ đã lập ra Khối quân sự Ðông Nam Á (SEATO), thay đổi bộ máy cai trị ở miền Nam, thay Bảo Ðại bằng Ngô Ðình Diệm, trắng trợn hất cẳng Pháp. Trong cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Geneva, Mỹ ngày càng lộ rõ bộ mặt hiếu chiến. Mọi đề xuất về lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền đều không có hồi âm từ phía Mỹ-Diệm. Thất bại ngoại giao và trước sức đấu tranh mạnh mẽ của đồng bào miền Nam, Mỹ đã trắng trợn can thiệp, tự phá bỏ lời cam kết của mình và đưa quân vào miền Nam”.

Ngày 17-5-1958, phái đoàn liên lạc QĐND Việt Nam tại Sài Gòn trở về miền Bắc theo chỉ thị của Trung ương. Tháng 9-1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng quyết định chính thức phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam. Từ đây mở ra một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: Đấu tranh liên tục chống dính líu của Mỹ vào miền Nam, chống cuộc chiến tranh leo thang bằng không quân, hải quân Mỹ và cuộc đấu tranh quanh tấm thảm xanh tại Paris...

BÍCH TRANG-VĂN TÁM