Trận địa cách mạng trong lòng địch

Buổi gặp mặt truyền thống Ban liên lạc Trại Davis diễn ra gần đây tại Hà Nội quy tụ khoảng 80 cán bộ, hội viên-những người trực tiếp tham gia hoạt động ở Trại Davis cách đây nửa thế kỷ. Một trong những cán bộ lão thành có mặt trong buổi gặp mặt hôm đó là Đại tá Nguyễn Văn Khả, 95 tuổi, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ở tuổi đại thọ, Đại tá Nguyễn Văn Khả vẫn nhớ như in những ngày giữ vai trò là Trưởng ban Bảo vệ, kiêm Phó trưởng ban Trao trả tù binh Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bằng giọng nói chậm rãi nhưng lưu loát, ông kể: Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết ngày 27-1-1973 đã mở ra thời cơ mới cho cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam theo phương châm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

leftcenterrightdel

Các hội viên Ban liên lạc Trại Davis nhận Kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về thành tích đóng góp vào việc thi hành Hiệp định Paris. Ảnh: THÁI KIÊN 

Theo các điều khoản của Hiệp định Paris, 4 bên gồm: Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban LHQS 4 bên. Hai bên miền Nam Việt Nam cũng cử đại diện để thành lập Ban LHQS 2 bên. Ban LHQS có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên nhằm thực hiện những điều khoản về quân sự mà hiệp định đã quy định.

Phía Việt Nam Cộng hòa bố trí trụ sở Ban LHQS tại Trại Davis để dễ bề khống chế hai phái đoàn của ta. Nơi đây là trụ sở của Ban LHQS 4 bên trong giai đoạn 60 ngày và sau đó là trụ sở Ban LHQS 2 bên, đồng thời là trận địa cách mạng của ta trong lòng địch trong suốt 823 ngày, tính từ ngày 28-1-1973 đến 30-4-1975. “Trong suốt 823 ngày đêm, dưới sự lãnh đạo của cấp trên, hai phái đoàn của ta đã hiên ngang, kiên định đấu tranh trực diện, công khai với Mỹ-ngụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...”, Đại tá Nguyễn Văn Khả khẳng định.

Trại Davis - Hàn thử biểu chính trị và quân sự trong lòng địch

Từng là sĩ quan phiên dịch Đoàn đại biểu quân sự Ban LHQS 4 bên, ông Phan Đức Thắng, hiện là Phó ban liên lạc Trại Davis, nắm khá rõ về tình hình trong Trại Davis, trong đó yêu cầu nắm chắc tình hình địch có vai trò hết sức quan trọng, được tất cả các cấp lãnh đạo và chỉ huy quan tâm. “Các nguồn tin tình báo (đặc biệt là tình báo chiến lược) có giá trị rất lớn. Ta càng thắng lớn, đối phương càng thua to và bị động, nên họ luôn tìm cách thăm dò ta tấn công ở đâu, tấn công với quy mô nào, tấn công đến đâu... Cả những nhân vật quan trọng như Đại sứ Mỹ Graham Martin và “trùm tình báo” Thomas Polgar cũng cố gắng tìm kiếm các nguồn tin tình báo, đặc biệt là thông qua phái đoàn Hungaria và phái đoàn Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế”, ông Thắng kể.

Đúng như lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Trại Davis là “một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị và quân sự lúc này, đặt ngay trong lòng địch”. Tại đây, hai đoàn đại biểu quân sự của ta được giao nhiệm vụ quan sát tại chỗ, tình báo kỹ thuật và tình báo chiến lược, giúp cấp trên đánh giá chính xác âm mưu và kế hoạch của địch.

Ông Phan Đức Thắng nhớ lại: Tổ tình báo kỹ thuật trong Trại Davis đã làm việc ngày đêm để tìm kiếm những dấu hiệu về hoạt động của các sư đoàn chủ lực và không quân ngụy Sài Gòn, về khả năng quân Mỹ có thể quay trở lại miền Nam... Chúng ta nhận được nhiều tin rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược từ Đại sứ Martin và trùm tình báo Polgar.

Theo tiết lộ của Polgar, Đại sứ Martin được giao nhiệm vụ tiếp xúc với hai đoàn đại biểu quân sự ta để tìm kiếm giải pháp chính trị. Tối 25-4-1975, theo chỉ thị của Kissinger, Martin đến dự chiêu đãi theo lời mời của Đại sứ Ba Lan, với ý đồ tiếp xúc Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhưng do lúc này đại quân ta đã áp sát Sài Gòn nên phía Sài Gòn đã từ chối bảo đảm an toàn cho ông Hoàng Anh Tuấn đi ra phố, và ông Tuấn không đến dự cuộc chiêu đãi này. Sáng sớm 29-4-1975, Martin mấy lần gọi điện cho Đại sứ Hungaria và đại diện của Mỹ trong Ban LHQS 4 bên để “bắn tin” rằng ông ta muốn gặp Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn để thương lượng nhưng phía ta không trả lời.

leftcenterrightdel

Các hội viên gặp mặt truyền thống Trại Davis lần thứ 20, tháng 3-2023. Ảnh: THÁI KIÊN 

Trong những ngày cuối cùng, chính quyền ngụy Sài Gòn đã cử một số cá nhân và đoàn đại diện với thành phần, tư cách khác nhau đến Trại Davis để gặp hai đoàn đại biểu quân sự ta nhằm thăm dò ý đồ, kế hoạch quân sự của ta, đồng thời để làm chậm đà tiến như vũ bão của đại quân ta và tìm kiếm một vai trò nào đó trong tương lai chính trị ở miền Nam.

Lúc 17 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, Tổng thống Dương Văn Minh đã cử đoàn đại diện 3 người đến Trại Davis để thảo luận vấn đề bàn giao chính quyền. Do họ đến Trại Davis lần thứ hai và đều là những thành viên tích cực của “lực lượng thứ ba” nên Đại tá Võ Đông Giang, Phó trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đề nghị tiếp với tư cách cá nhân. Tại buổi tiếp, Đại tá Võ Đông Giang nói với họ về khuyên Dương Văn Minh đầu hàng ngay vì “bây giờ không còn gì để mà thương lượng nữa”. Nghe ông Giang nói vậy, họ xin phép ra về. Nhưng, lúc này đại pháo ta đang bắn cấp tập xuống sân bay nên họ đã theo lời khuyên ở lại đến khi pháo ngớt sẽ trở về Sài Gòn. Sáng 30-4-1975, đại pháo của ta bắn cấp tập đến 8 giờ, sau đó bắn thưa dần và ngừng hẳn. Lúc đó, Đại tá Võ Đông Giang mới tiễn họ về. Đó cũng là lúc phân đội mũi nhọn của Quân Giải phóng tiến vào để tiếp quản Trại Davis.

Người cắm cờ trên tháp nước

Trong buổi gặp mặt truyền thống, có một nhân chứng đặc biệt. Đó là ông Phạm Văn Lãi, nguyên Tổ trưởng Tổ chiếu phim Trại Davis, một trong hai người được giao nhiệm vụ cắm cờ trên tháp nước trong Trại Davis cách đây 48 năm. Nhớ về nhiệm vụ đặc biệt này, ông Lãi hào hứng kể: “Khoảng 8 giờ ngày 30-4-1975, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn lệnh cho Trung tá Mười Sương, Trưởng ban Chính trị, gọi tôi lên giao nhiệm vụ vào kho lấy cờ trao cho vệ binh cắm ở điểm cao nhất ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Mục đích của việc cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là khiến cho địch hoang mang, không còn tinh thần chiến đấu mà bỏ súng đầu hàng; đồng thời khuyến khích các mũi tấn công của ta vào thành phố phối hợp nhịp nhàng hơn, nhanh hơn.

Ngoài ra, lá cờ còn giúp lực lượng của ta chỉnh làn, hướng pháo nhắm trúng mục tiêu. Tôi đem cờ xuống nhưng không thấy vệ binh do thời điểm đó họ cũng bận nhiều việc khác. Trong tình huống gấp gáp, tôi quyết định đem lá cờ chạy đến tháp nước cao nhất trong Trại Davis. Trên đường đi, tôi gặp đồng chí Nguyễn Văn Cẩn, vệ binh và đề nghị hỗ trợ cùng làm nhiệm vụ. Tôi lấy một ống nước để làm cán cờ rồi ôm cờ trèo lên tháp nước trước, đồng chí Cẩn theo sau... Khi lên đỉnh tháp nước, chúng tôi dùng dây buộc cẩn thận lá cờ. Khi buông tay, sức gió đã làm lá cờ bung ra, bay phần phật. Phút giây đó khiến tôi nghẹn ngào rơi nước mắt”.

Cùng chung niềm vui tại buổi gặp mặt, CCB Trương Việt Cường, nguyên Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật thông tin tại Trại Davis, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật thông tin, Thông tấn xã Việt Nam, cho biết, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, từ ngày 28-1-1973 đến 30-4-1975, chúng ta đã xây dựng và bảo vệ được hệ thống thu phát vô tuyến điện tử, thông tin đủ mạnh giữa “ốc đảo Sài Gòn”, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Paris và cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975...

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng kỷ niệm 823 ngày đêm ở Trại Davis trong ký ức mỗi cán bộ, hội viên Ban liên lạc Trại Davis vẫn thật thiêng liêng và sâu sắc!

NGUYỄN BÌNH YÊN