Một chiều cuối năm 1997, trời rét đậm, Đồn Biên phòng 41-Chi Ma (Lạng Sơn) nhận được tin do cơ sở M2 cung cấp: “Trong thời gian tới, tại địa bàn Chi Ma có một vụ tổ chức đưa phụ nữ Việt Nam bán sang Trung Quốc với số lượng lớn. Cơ sở chỉ biết mặt đối tượng, không biết tên và địa chỉ”.
Thiếu tá Triệu Giáo, Phó đồn trưởng Trinh sát đã trực tiếp cùng trinh sát lăn lộn địa bàn. Sau 5 ngày, kết quả điều tra bước đầu đã được báo cáo lên trên. Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng nhất trí lập án đấu tranh. Ngày 25-12-1997, chuyên án mang bí số 497M được xác lập. Ban chuyên án gồm các đồng chí: Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn làm Trưởng ban; Trưởng phòng Trinh sát Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn làm Phó ban. Lực lượng đánh án gồm các cán bộ Phòng Trinh sát và Đồn Biên phòng 41.
Theo chỉ đạo, lực lượng đánh án bố trí theo hai hướng: Hướng 1, kết hợp với lực lượng ở trạm kiểm soát. Hướng 2, tổ chức đội tuần tra của đồn mật phục ở khu vực đường mòn. Đúng 16 giờ ngày 6-3-1998, tại khu vực trạm kiểm soát xuất hiện 2 phụ nữ trà trộn vào dòng người qua lại chợ, vội vã vượt qua trạm kiểm soát để đi sang Trung Quốc. Do không có giấy tờ xuất cảnh theo quy định, tổ kiểm soát đã lập biên bản vi phạm quy chế biên phòng, yêu cầu 2 phụ nữ trên về đồn để làm rõ. Qua một ngày đấu tranh khai thác, cả hai quanh co, tìm mọi lý lẽ để biện bạch cho hành vi sai phạm. Họ khăng khăng nói sang Trung Quốc khảo sát giá cả một số mặt hàng để mua bán kiếm lời, không nắm được quy định nên không mang theo giấy tờ tùy thân...
Bằng kinh nghiệm nhiều lần trực tiếp đấu tranh với loại tội phạm này, các trinh sát nhận định khả năng một trong hai người phụ nữ có thể là người bị hại. Do đó, trinh sát đã kết hợp chiến thuật vừa phân tích hành vi vi phạm, vừa động viên, giáo dục để đối tượng khai ra sự thật. Quả đúng như nhận định, sau nhiều lần tác động tâm lý, một trong hai người tên là Nguyễn Thị Hồng đã khai báo sự thật, tố giác hành vi lừa đảo của Lê Thị Lâm (người cùng bị bắt) và đồng bọn. Căn cứ vào kết quả xác minh lời tố giác, Đồn Biên phòng Chi Ma đã ra lệnh bắt khẩn cấp Lê Thị Lâm để điều tra làm rõ.
Mặc dù đã có lời khai báo và tố giác của Nguyễn Thị Hồng nhưng Lê Thị Lâm vẫn một mực chối tội. Không những thế, thị còn liên tục ôm bụng kêu đau. Trinh sát phải đưa thị vào bệnh viện để khám và điều trị. Qua kết quả kiểm tra, bệnh viện không xác định được bệnh gì, nhưng thị vẫn kêu la thảm thiết. Đặc biệt, mỗi khi có cán bộ biên phòng đến, thị lại càng kêu đau dữ hơn, hai tay ôm lấy ngực nhưng cố tình để hở đầy khêu gợi...
Theo đề nghị của các cán bộ điều tra xét hỏi, đồng chí Trưởng ban chuyên án chỉ đạo: Để Lê Thị Lâm ở lại bệnh viện nhằm theo dõi, còn Nguyễn Thị Hồng tiếp tục động viên lấy lời khai.
Qua lời khai, Hồng sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 người con ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Mẹ Hồng là lao động chính, còn bố rượu chè say xỉn suốt ngày. Là con gái lớn, thương mẹ và các em, Hồng quyết tâm đi tìm việc làm mong kiếm tiền gửi về hỗ trợ gia đình. Tới Hà Nội, Hồng tình cờ gặp Lâm. Sau mấy lần hỏi thăm, trò chuyện, biết Hồng có ý định kiếm việc làm, Lâm rủ Hồng lên Lạng Sơn đóng gói mì chính với tiền công 600.000 đồng/tháng. Hồng đồng ý luôn và cùng Lâm lên Lạng Sơn, đến một căn nhà ở khu vực biên giới. Hồng không biết tên chủ nhà và địa danh làng bản, chỉ nhớ chủ nhà là một phụ nữ khoảng 40 tuổi, có dáng người đậm và khá tháo vát. Hôm Lâm đưa Hồng đi qua biên giới sang Trung Quốc, chủ nhà cùng đi nhưng cách phía sau hai người khoảng 30m. Khi hai người bị bắt, Hồng không thấy chủ nhà đâu nữa.
Để xác minh lời khai của Hồng, trinh sát bố trí đưa Hồng trở lại khu vực cửa khẩu Chi Ma để xác định chủ ngôi nhà mà Hồng và Lâm đã đến. Qua xác minh, đó là nhà Hà Thị Phòng, 41 tuổi, ở bản Nà Phát, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, chưa có tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trinh sát của đồn nhận được một số nguồn tin, Hà Thị Phòng thường có biểu hiện bất minh, quan hệ với một số phần tử xấu. Hà Thị Phòng thường lén lút sang Trung Quốc từ chiều tối đến khuya mới về.
Ban chuyên án chỉ đạo lực lượng đánh án: Bố trí cơ sở bí mật khéo léo tiếp cận Hà Thị Phòng để tác động thị ra tự thú và tố giác đồng bọn. Sau nhiều lần cơ sở gặp gỡ, ngày 17-3-1998, Hà Thị Phòng đã lên đồn trình báo sự việc tiếp tay cho Lê Thị Lâm và tên Hưng (không rõ địa chỉ) tổ chức nhiều vụ đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc. Thị mong cơ quan pháp luật tha thứ và hứa sẽ lập công chuộc tội. Ngày 20-3-1998, ta đã bố trí đưa Phòng gặp Lâm để đối chất. Với nhân chứng rõ ràng, không thể chối cãi, cuối cùng Lê Thị Lâm phải cúi đầu nhận tội.
Lật giở vụ án cho thấy, Lê Thị Lâm sinh năm 1976, tại Ái Mộ, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm (nay thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên), TP Hà Nội. Năm 12 tuổi, bố mẹ ly dị, Lâm và anh trai ở với mẹ. Nhà nghèo, mẹ đau ốm, anh trai hư hỏng, nghiện hút, Lâm phải bán bánh mì rong kiếm sống, hỗ trợ gia đình. Cuối tháng 10-1996, Hưng (bạn của anh trai Lâm) đến nhà Lâm chơi và trong câu chuyện đã bàn bạc với Lâm không bán bánh mì rong nữa mà lên Lạng Sơn làm công việc đóng gói mì chính với tiền công cao. Lâm và gia đình nhất trí nên sáng hôm sau Lâm thu xếp theo Hưng lên Lạng Sơn. Trước khi đi, Hưng còn đưa cho anh trai của Lâm 500.000 đồng, gọi là để hỗ trợ cho sinh hoạt gia đình...
Trên đường đi lên Lạng Sơn, Hưng còn đón một cô gái khoảng 30 tuổi, tên là Mai, lên xe. Tới Lạng Sơn, cả 3 đi xe ôm về nhà Hà Thị Phòng dừng chân, cơm nước. Tối hôm đó, Lâm và Mai được Hà Thị Phòng đưa sang Trung Quốc bằng đường tắt. Đến đây, Lâm thực sự phẫn uất khi biết mình bị lừa bán cho người đàn ông khoảng 50 tuổi (còn Mai bị hại như thế nào Lâm không rõ). Lâm quyết tâm chống cự, một mực đòi Hưng đưa về. Cuối cùng Hưng cũng chịu, nhưng với điều kiện Lâm phải viết giấy cam đoan, khi về phải tìm đủ 4 phụ nữ để Hưng đưa sang Trung Quốc thì y mới xóa số nợ 500.000 đồng đã đưa cho anh trai của Lâm và toàn bộ tiền tàu, xe từ Hà Nội lên Lạng Sơn vừa rồi. Sau khi viết cam đoan, Hưng đưa Lâm trở lại Việt Nam và Lâm lại tiếp tục bán bánh mì ở bến xe Gia Lâm. Những ngày sau đó, mỗi khi Hưng từ Lạng Sơn xuống Hà Nội thường đến gặp Lâm để thúc giục tìm “hàng”.
Thực hiện cam kết với Hưng, đầu tháng 2-1997, Lâm làm quen và dụ dỗ được một cô gái tên là Xuân, khoảng 26 tuổi, quê ở Phú Thọ, rồi cùng Hưng lừa bán sang Trung Quốc thông qua đầu mối Hà Thị Phòng. Sau khi tìm đủ 4 người cho Hưng theo cam kết, từ người thứ 5 trở đi, Lâm được bán trực tiếp. Đến tháng 4-1997, Lâm làm quen và dụ dỗ được Đặng Thị Nguyệt, 35 tuổi, quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định, rồi cùng với Hưng lừa bán Nguyệt sang Trung Quốc. Ngày 2-3-1998, Lâm gặp Hồng ở bờ hồ Hoàn Kiếm và tiếp tục dụ dỗ bằng thủ đoạn giúp tìm việc làm, thu nhập cao. Khi làm thủ tục kiểm tra Lâm và Hồng ở trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng Chi Ma, Hà Thị Phòng thấy nguy cơ bị lộ nên đã bí mật chạy trở lại thoát thân...
Sau khi hoàn tất hồ sơ, xét thấy đây là vụ án phức tạp, nghiêm trọng, kẻ chủ mưu đã thiết lập một đường dây đưa đón phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài bán nhiều lần, liên quan cả đối tượng trong nhiều tỉnh, Ban chỉ đạo chuyên án đã xin ý kiến cấp trên và bàn giao đối tượng cho Công an tỉnh tiếp tục điều tra làm rõ. Đây là lời cảnh tỉnh cho những người phụ nữ cả tin trước thủ đoạn hết sức tinh vi và xảo quyệt của các đối tượng tội phạm.
DUY ĐÁP