Chuyên án đầu tay
Ngày 28-1-2005, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm trực thuộc Bộ tư lệnh BĐBP được thành lập, tôi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ là Cục trưởng đầu tiên. Chuyên án đầu tay của tôi trên cương vị Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm mang mật danh 407C. Chuyên án được triển khai thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa BĐBP, Công an Việt Nam và lực lượng công an của Lào đã làm rõ và bóc gỡ một đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.
Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Văn Ngụ, 38 tuổi, quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ngụ đã có tiền án, nhiều thủ đoạn và rất liều lĩnh. Y luôn mang vũ khí “nóng” bên người, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Đối tượng nghi vấn này do Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (BĐBP tỉnh Nghệ An) bàn giao hồ sơ.
Sau một thời gian theo dõi mọi di biến động của đối tượng, Ban chỉ đạo chuyên án do tôi trực tiếp ở thực địa quyết định tổ chức lực lượng phục kích và bắt đối tượng Nguyễn Văn Ngụ. Hôm ấy, quá trình theo dõi, quan sát, ta phát hiện đối tượng từ căn lán trong hang Nước Sốt 2 (thuộc địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đi ra, trên vai mang túi và khoác một khẩu súng quân dụng. Chớp thời cơ thuận lợi, trinh sát bất ngờ xông ra khống chế bắt Ngụ, khiến hắn không kịp trở tay. Nhưng khi ta kiểm tra trong túi của y, chỉ có gói cơm nắm và 200.000USD, Ngụ đã ranh ma không mang theo “hàng” để đánh lừa lực lượng biên phòng. Nếu lúc này không có biện pháp kịp thời để giải quyết tình huống phát sinh thì chuyên án coi như thất bại, tôi nhanh chóng hội ý Ban chuyên án do Đại tá Nguyễn Mạnh Thường, bấy giờ là Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Hà Tĩnh làm Trưởng ban, quyết định chỉ đạo, lấy lý do đối tượng sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và vào khu vực biên giới không có giấy tờ để tạm giữ.
|
|
Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô (ngồi giữa) trong một chuyến trở lại tuyến biên giới nơi ông từng chỉ đạo đánh án. Ảnh: TUẤN TÚ
|
Cũng lúc này, theo thông tin trinh sát ta nắm được thì ở nhà Ngụ có tàng trữ khoảng 1,5 bánh heroin (tương đương 0,5kg). Ngay lập tức, ta quyết định khám nhà y tại thị trấn Đô Lương (huyện Đô Lương), phát hiện ngoài lượng heroin nói trên còn có 200 viên ma túy tổng hợp. Đây là những chứng cứ quan trọng để đấu tranh với ý đồ ngoan cố phủ nhận hành vi phạm tội của đối tượng Nguyễn Văn Ngụ. Đồng thời, kết quả này cũng là cơ sở để Ban chuyên án tiếp tục khai thác mở rộng điều tra, bắt thêm nhiều đối tượng khác ở cả nội và ngoại biên.
Phương châm mỗi trận đánh với tội phạm ma túy
Từ thời điểm Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm ra mắt, bước vào hoạt động cho đến khi tôi nghỉ công tác, lực lượng biên phòng đã đấu tranh hơn 5.000 vụ với khoảng 8.000 đối tượng. Mỗi chuyên án là một câu chuyện dài với những tình huống và kỷ niệm không thể quên. Trong đó, câu chuyện đánh án và sự hy sinh của một sĩ quan trẻ khi đấu tranh trực diện với tội phạm ma túy ở tuyến biên giới Tây Bắc khiến tôi day dứt mãi.
Tháng 7-2010, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm chỉ đạo lực lượng đặc nhiệm của BĐBP tỉnh Sơn La thực hiện Chuyên án 280C tại Chiềng Sơn (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Sau một đêm phục kích, ta bắt 3 đối tượng, thu 3 súng quân dụng, 25 viên đạn, 30 bánh heroin và 5.000 viên ma túy tổng hợp. Tôi nhớ, khi tổ chức đánh án, lực lượng đặc nhiệm có 4 người, 1 đồng chí dẫn đường đi đầu, 2 đồng chí vác súng mang theo tang vật và 2 ba lô bên trong có đựng ma túy. Thượng úy Lù Công Thắng (Trợ lý trinh sát Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh Sơn La) với khẩu AK đi áp giải phía sau, khóa đuôi. Toán vận chuyển ma túy có 4 đối tượng, ta bắt được 3, còn 1 tên vẫn nấp trong rừng. Ta đã khai thác tại chỗ nhưng cả 3 đối tượng bị bắt đều kiên quyết không khai tên thứ tư.
Quá trình dẫn giải 3 đối tượng về đến dốc Chiềng Sơn thì đối tượng nấp trong rừng đã đi đường tắt đến trước. Phục kích sẵn ở đầu dốc, y sử dụng khẩu súng tự chế nhằm thẳng vào Thượng úy Lù Công Thắng nổ súng hòng giải vây cho đồng bọn. Thắng bị bắn bất ngờ nên anh đã hứng trọn 14 viên đạn chì vào phần bụng và ngực. Lực lượng đặc nhiệm nhanh chóng đưa Thắng về bệnh viện ở trung tâm huyện Mộc Châu cấp cứu, nhưng do nhiều vết thương và mất nhiều máu nên anh đã hy sinh trên đường.
|
|
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đấu tranh với tội phạm ma túy. Ảnh: QUỐC TOẢN
|
Ngay buổi tối hôm đó, sau khi nghe tin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh qua liên lạc quân sự, trực tiếp gọi tôi lên báo cáo. Vì đã hết giờ làm việc ở cơ quan nên chúng tôi xin phép đến nhà riêng của ông. Đến nơi, Bộ trưởng đã pha trà sẵn, uống vội chén nước thủ trưởng rót, tôi báo cáo tóm tắt lại toàn bộ diễn biến của Chuyên án 280C và sự hy sinh của Thượng úy Lù Công Thắng.
Vẫn tác phong của một vị tướng chỉ huy ở chiến trường, Bộ trưởng nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng hỏi lại một vài chi tiết, đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến sự hy sinh của đồng chí Thắng. Sau khi nghe tôi báo cáo xong, ông trầm ngâm, mắt ngân ngấn lệ. Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp tục hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình đồng chí Thắng. Cũng may trước khi đi lên gặp Bộ trưởng, tôi đã kịp gọi điện cho các đồng chí cán bộ của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La nắm lại thông tin. Đồng chí Lù Công Thắng là người dân tộc Thái, bấy giờ anh còn bố mẹ già ngoài 70 tuổi, người vợ trẻ và một con nhỏ 3 tuổi.
Bộ trưởng uống một ngụm nước rồi nói với chúng tôi:
- Trước hết, tôi biểu dương tinh thần dũng cảm tấn công tội phạm của lực lượng đặc nhiệm BĐBP tỉnh Sơn La và cá nhân đồng chí Lù Công Thắng. Ngay sáng mai, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm cử cán bộ lên phối hợp với địa phương tổ chức tang lễ cho liệt sĩ. Tôi sẽ làm việc với bộ phận chính sách quyết định truy thăng quân hàm Đại úy cho liệt sĩ, trợ cấp cho bố mẹ già và vợ con đồng chí Thắng. Riêng vợ đồng chí Thắng không có việc làm, yêu cầu Bộ tư lệnh BĐBP tuyển dụng vào làm công nhân viên ở Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La.
Trầm ngâm một lát, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói tiếp:
- Các cậu ạ, bây giờ là thời bình, mỗi gia đình thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, chỉ sinh hai con. Người dân rất tin Bộ đội Cụ Hồ. Họ cho con đi bộ đội để được rèn luyện trong môi trường Quân đội, trở thành người công dân tốt, vừa cống hiến, phụng sự Tổ quốc vừa là chỗ dựa của gia đình. Nếu chúng ta rèn luyện không tốt hoặc để họ hy sinh thì vừa thiệt thòi cho cả Tổ quốc lẫn gia đình, vừa để lại những hệ quả không hay về mặt xã hội. Vì vậy, trong mỗi trận đánh phải có sự sáng suốt, tính toán, cân nhắc. Tội phạm ma túy không như kẻ thù xâm lược trên chiến trường, khi giáp lá cà là giữa sự sống và cái chết phụ thuộc vào ai nổ súng trước. Với tội phạm ma túy, chúng ta có nhiều thời gian để lựa chọn cách đánh tối ưu. Nếu người chỉ huy xét thấy chưa an toàn cho anh em thì dứt khoát chưa đánh.
Chúng tôi thực sự xúc động về sự quan tâm sâu sát của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. “Nếu người chỉ huy xét thấy chưa an toàn cho anh em thì dứt khoát chưa đánh”-lời dặn ấy của ông như một phương châm theo tôi và đồng đội vào từng trận đánh đấu tranh với tội phạm ma túy đang ngày một tinh vi và xảo quyệt!
Thiếu tướng NGUYỄN SINH XÔ (Nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng)