Pha tạp và đánh tráo

Những ngày gần đây, không gian mạng xuất hiện một bức tranh được nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ. Bức tranh mô tả cảnh một nhóm “bộ đội” mang theo Quốc kỳ, vũ khí, trang bị trên đường hành quân. Điều bất thường rất đáng lên án đó là người vẽ đã cố tình pha tạp các chi tiết, tạo nên một sản phẩm lai căng rất phản cảm. Hình ảnh nổi bật trong bức tranh là cờ Tổ quốc, nhưng các nhân vật lại mặc trang phục ngụy quân Sài Gòn trước năm 1975, tay lăm lăm súng, gương mặt đằng đằng sát khí. Trong phần comment (bình luận), nhiều người bày tỏ thái độ bất bình, phản đối, lên án ý đồ xấu của tác giả bức tranh.

Việc lợi dụng môi trường nghệ thuật, giải trí nhằm thể hiện thái độ ám chỉ, cài cắm ý đồ cá nhân không hiếm. Vào dịp diễn ra các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, các biểu hiện này lại xuất hiện càng nhiều. Không chỉ là những sản phẩm giải trí trôi nổi trên không gian mạng, trong môi trường sáng tạo nghệ thuật chuyên nghiệp cũng có tình trạng này. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, dư luận trên không gian mạng cũng từng “nóng” trước một bức tranh mô tả cảnh người “chiến sĩ Điện Biên” với thân hình tiều tụy, gương mặt hốc hác, ánh mắt dữ dằn, cầm lá cờ rách nát te tua...

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn

Sự xuất hiện của những sản phẩm “nghệ thuật” này, dù tác giả và một số người trong cuộc ra sức biện minh cho tính “hợp lý” của nó nhưng dụng ý “sáng tạo” và “thông điệp nghệ thuật” lạc điệu không đủ sức khỏa lấp tính phi thực tế, ngụy nghệ thuật, phản tác dụng của sản phẩm. Ở chừng mực nào đó, nó thể hiện khuynh hướng dị biệt, tư duy lệch lạc của tác giả. Đại đa số người xem không những không thấy, không cảm thụ được gì thuộc về chân, thiện, mỹ của sản phẩm, ngược lại, nó còn mang đến cảm giác rờn rợn...

Những sản phẩm giải trí pha tạp, hổ lốn kiểu “đầu Ngô, mình Sở” xuất hiện trong đời sống văn hóa, tinh thần của công chúng không phải là sự ngẫu nhiên. Đứng trên lập trường, quan điểm nghệ thuật của Đảng, không khó để chúng ta nhận ra, nó là một dạng xâm lăng văn hóa có chủ đích. Chỗ này lai một tí, chỗ kia tạp một ít, dần dần những thứ phi nghệ thuật, phản văn hóa giống như loài cỏ dại sẽ sinh sôi, nảy nở không ngừng, lấn át cái hay, cái đẹp của nghệ thuật chân chính. Đáng lưu tâm là trong giai đoạn hiện nay, khi cả dân tộc ta và kiều bào yêu nước, bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình đang dành tình cảm, tâm huyết hướng về đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất Tổ quốc và những ngày lễ trọng đại của đất nước thì sự xuất hiện của những thứ “rác” văn hóa này là rất nguy hại.

Bên cạnh những sản phẩm trà trộn, pha tạp vào môi trường nghệ thuật, giải trí, hoạt động sáng tác văn chương cũng xuất hiện kiểu viết ám chỉ, đánh tráo bản chất vấn đề và sự thật lịch sử. Trên một số diễn đàn văn học, nhiều người thẳng thắn lên án kiểu sáng tác lập lờ, ám chỉ, vin vào cớ hòa hợp dân tộc, hội nhập quốc tế để xóa nhòa lịch sử, lãng quên sự hy sinh xương máu của thế hệ cha ông. Để có được thành quả cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình đã tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc trường kỳ, gian khổ, hy sinh.

Việc nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện trong quan hệ với Hoa Kỳ và nhiều nước khác trong môi trường hội nhập quốc tế được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng thúc đẩy phát triển. Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai hoàn toàn không phải là để lãng quên lịch sử, nói ngược sự thật. Lấy cớ đó để kêu gọi hủy bỏ lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đòi xóa bỏ những cụm từ “Ngày hội non sông”, “Đại thắng mùa Xuân 1975”, “Ngày toàn thắng”... là không thể chấp nhận. Thực chất, đó là kiểu đánh tráo khái niệm, thay đổi bản chất, lật sử, tẩy sử... thể hiện ý đồ cá nhân đen tối và âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, kiên quyết, kiên trì đấu tranh đẩy lùi những âm mưu, thủ đoạn chống phá, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng...

Nghiêm trị thói vô ơn, “nối giáo cho giặc”

Theo dõi thông tin đa chiều trên không gian mạng, chúng ta dễ nhận thấy, càng gần đến ngày đại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những hoạt động chống phá của các đối tượng cực đoan, bất mãn, cơ hội chính trị và các thế lực thù địch ngày càng nhiều. Một trong những thế lực thù địch có tần suất, mức độ, cường độ tuyên truyền chống phá Đảng, chống phá đất nước rất nhiều, rất dày trên không gian mạng hiện nay là tổ chức khủng bố “Việt Tân”.

Sau khi bị chặt đứt nhiều hệ thống “chân rết”, tổ chức khủng bố này đã chuyển phương thức hoạt động từ bạo động, vũ trang sang “đấu tranh bất bạo động”, ráo riết triển khai các chiến dịch truyền thông “diễn biến hòa bình” chống phá đất nước. “Việt Tân” vừa ban hành cái gọi là “Văn kiện” với tên gọi “Việt Nam nửa thế kỷ tụt hậu và lối thoát cho tương lai” (gọi tắt là “Văn kiện 50”). Bằng thủ đoạn dân túy, “Việt Tân” cố tình pha tạp, trộn lẫn thông tin theo kiểu “lộng giả thành chân”, đánh tráo luận điểm, xuyên tạc luận cứ, luận chứng... để thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, chống phá đất nước.

Cùng với các chương trình được chuẩn bị công phu theo ý đồ, mỗi ngày, trên các nền tảng mạng xã hội, “Việt Tân” đăng tải, tán phát hàng chục bài viết, dòng trạng thái, hình ảnh, video clip... xuyên tạc tình hình đất nước, phủ nhận thành quả công cuộc đổi mới, bôi nhọ chế độ, xúc phạm, hạ bệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta; kích động người dân biểu tình đòi “tự do”, “dân chủ”, đa nguyên, đa đảng...

Với phương châm lấy “xây” để “chống”, rất nhiều cán bộ, đảng viên và người dân đã đồng loạt lên tiếng đấu tranh phản bác, vạch trần bộ mặt thật của các tổ chức phản động. Cái gọi là “Văn kiện 50” do tổ chức khủng bố “Việt Tân” huênh hoang quảng bá, ngông cuồng tuyên bố là thứ “mở đường cho tự do, dân chủ” đã nhanh chóng bị cộng đồng mạng bóc mẽ, lật tẩy. Thực chất nó chỉ là mớ văn phong hổ lốn, thập cẩm, vay mượn, cóp nhặt... dùng để lòe bịp những người nhẹ dạ cả tin. Vô số comment, bài viết đã thẳng thắn đấu tranh vạch mặt những đối tượng tự xưng là “lãnh đạo cấp cao” của “Việt Tân”. Nhiều người dùng mạng xã hội đã gọi những đối tượng này là kẻ giả nhân giả nghĩa, vô ơn, phản bội Tổ quốc, quay lưng với quê cha đất tổ, phỉ báng hương hỏa ông cha... đồng thời cảnh báo hậu quả nhãn tiền về luật nhân quả.

Trong nước, một số đối tượng công khai tán phát những thông tin, tài liệu tuyên truyền, lợi dụng các quyền tự do, dân chủ hòng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... đã bị xử lý kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật. Việc một số đối tượng vi phạm pháp luật bị bắt giữ, trong đó có đối tượng từng là nhà báo, nhà văn khá nổi tiếng đã suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... được dư luận rất quan tâm, đồng tình.

Đáng chú ý, những ngày gần đây, Công an một tỉnh ở phía Nam đã “mời lên làm việc” đối với một nhà văn, dịch giả từng có công lao đóng góp nhất định cho văn học Việt Nam đương đại. Thời gian gần đây, ông này có biểu hiện “trở cờ”, thường xuyên viết, tán phát các bài viết (chủ yếu là thơ, vè) có nội dung xuyên tạc, bóp méo, bôi đen chế độ, kích động, cổ xúy các hành vi chống phá Đảng, đòi xóa bỏ vai trò, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng...

Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người bày tỏ chính kiến, nêu vấn đề: Tại sao những đối tượng như nhà văn này, từng được Đảng, Nhà nước nuôi dưỡng, cho đi du học ở nước ngoài, nay vẫn đang hưởng lương hưu từ chế độ, lại vô ơn, “trở cờ”, đi “nối giáo cho giặc” như vậy? Nếu không sám hối, thức tỉnh, cần phải nghiêm trị trước pháp luật để răn đe, cảnh tỉnh.

Âm mưu đánh tráo sự thật, thực hiện các cuộc xâm lăng trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng... của các thế lực thù địch đã và đang diễn ra phức tạp trên không gian mạng. Nhận diện những biểu hiện này không khó. Điều quan trọng là cán bộ, đảng viên, công dân yêu nước phải xác định rõ trách nhiệm, thái độ, hình thức, phương pháp đấu tranh cho hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nêu rõ: Phải kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với mọi hành vi xâm phạm, hoặc đe dọa xâm phạm, phá hoại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân...

Trong bài viết “Tổ chức tốt Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cán bộ, đảng viên phải kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, không được phép ngả nghiêng, dao động; luôn tỉnh táo, cảnh giác với mọi âm mưu lợi dụng việc góp ý để xuyên tạc, chống phá...

Đấu tranh kiên quyết, mạnh mẽ với những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chính là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên và công dân yêu nước, góp phần bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân... trên không gian mạng.

LỮ NGÀN