Ông Đỗ Xuân Trường, quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; nhập ngũ tháng 6-1965 và được tăng cường vào Đại đội 5 đặc công, Tiểu đoàn 186 (Bộ Tham mưu, Quân khu 6). Năm 1971, trong một trận đánh chống càn ở tỉnh Bình Thuận, ông bị thương ở chân trái, được đơn vị đưa về điều trị tại Bệnh xá X1.
Cựu chiến binh Đỗ Xuân Trường nhớ lại: Hồi đó, Bệnh xá X1 rất khó khăn, lương thực không đủ cho thương binh ăn. Do vậy, khi vết thương tạm ổn, tôi xin ra rẫy của dân để kiếm củ mì, bắp, đậu về cải thiện thêm bữa ăn cho bộ đội đang điều trị tại bệnh xá. Là vùng thường có máy bay trực thăng và thám báo địch lùng sục, đánh phá nên khi đi, tôi mang theo súng tiểu liên AK đề phòng. Hôm đó vừa ra đến rẫy, tôi gặp 3 chiếc trực thăng rà thấp, phát hiện có người trên rẫy, chúng bắn đạn đại liên xuống. Để bảo vệ dân trên rẫy và cả Bệnh xá X1 đóng quân gần đó, không do dự, tôi chọn một vị trí có lợi, phục bắn máy bay trực thăng địch. Sau loạt đạn AK, một chiếc trực thăng trúng đạn lao đầu xuống đất và bốc cháy. Hai chiếc máy bay còn lại bắn xối xả ra xung quanh rồi đáp xuống lấy thi thể tên phi công tử trận. Sau chiến công đó, tôi được trên quyết định tặng 300 viên đạn AK và chứng nhận danh hiệu “Dũng sĩ bắn rơi máy bay”.
Do hai lần bị thương, sức khỏe giảm sút, Đỗ Xuân Trường được đơn vị cho về phục vụ tại Bệnh xá X1. Đầu năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông được phân công về công tác tại Ban liên hợp quân sự 4 bên (Trại Davis). Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, trung sĩ Đỗ Xuân Trường phục viên.
|
|
Chứng minh thư cấp cho cá nhân trong Ban liên hợp quân sự 4 bên. Ảnh chụp lại |
Gần 50 năm qua, nay ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, cựu chiến binh Đỗ Xuân Trường vẫn đau đáu ký ức một thời đánh giặc, một thời làm người lính hậu cần phục vụ Ban liên hợp quân sự 4 bên-những người mặc quân phục làm ngoại giao gần 2,5 năm ròng rã đã sống, hoạt động trong sào huyệt kẻ thù. Ông kể: “Địch thiết lập ở đây hệ thống rào cao, hào sâu bao quanh trụ sở đoàn, 27 vọng gác, 20 hỏa điểm mà nòng súng hướng thẳng vào trụ sở đoàn. Trong thế bị bao vây, khống chế nhưng những cán bộ, chiến sĩ ta đã rất kiên cường, không có biểu hiện hoang mang, dao động, sẵn sàng đối mặt với thử thách, hiểm nguy.
Trước khó khăn, căng thẳng vẫn bình tĩnh, lạc quan, giữ vững lòng tin, đấu tranh quyết liệt không mệt mỏi với đối thủ là đại diện ngụy quân Sài Gòn và Mỹ để bảo vệ Hiệp định Paris. Đoàn ta đã nêu cao chính nghĩa đấu tranh của cách mạng, vạch mặt âm mưu, hành động phá hoại hiệp định của địch. “Trong tâm thức tôi luôn sáng mãi hình ảnh, tên tuổi của các đồng chí lãnh đạo, các cán bộ, chiến sĩ của đoàn như: Trung tướng Trần Văn Trà (sau là Thượng tướng), Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Thiếu tướng Lê Quang Hòa (sau này là Thượng tướng), Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và các đồng chí Phó trưởng đoàn: Thiếu tướng Hồ Quang Hóa, Đại tá Lưu Văn Lợi...”.
|
|
Cựu chiến binh Đỗ Xuân Trường. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Dịp nghỉ lễ 30-4-2022, tôi và cựu chiến binh Vũ Văn Diệm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đồng Xoài đến thăm cựu chiến binh Đỗ Xuân Trường. Ông Đỗ Xuân Trường cho biết: “Hằng năm, từ năm 1989 đến nay, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Ban liên lạc truyền thống Ban liên hợp quân sự 4 bên (Trại Davis) tổ chức gặp mặt. Những cán bộ, chiến sĩ năm ấy giờ tóc đã bạc, tuổi đã cao, vui mừng khi thấy nhau còn khỏe, cùng nhau ôn lại những ngày chung sống và đấu tranh đầy cam go trước đây. Những đồng đội còn sống gặp nhau, ôm nhau, rơi nước mắt. Mỗi cuộc gặp sau, số người vắng dần vì tuổi cao, sức yếu, bệnh tật...”.
Ngoài Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhì, cựu chiến binh Đỗ Xuân Trường còn lưu giữ nhiều bức ảnh Ban liên lạc truyền thống họp mặt, chứng minh thư khi phục vụ ở Trại Davis và chứng nhận khen tặng danh hiệu “Dũng sĩ bắn rơi máy bay”, ngày 25-1-1969 do Thủ trưởng Cục Hậu cần Quân khu 6, Trung tá Lê Cật ký.
DUY HIẾN