Những chiêu trò xuyên tạc nguy hiểm
Đã thành thông lệ, cứ mỗi khi Đảng và Nhà nước ta có chủ trương, chính sách mới là các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lại tìm cách để xuyên tạc và phủ nhận.
Ngay sau sự kiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp xem xét nội dung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã có những chiêu trò mới xuyên tạc chủ trương sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Đảng ta.
Một số đối tượng bịa đặt rằng, việc sáp nhập các đơn vị, hợp nhất bộ máy chỉ nhằm mục đích “chia ghế và chạy chọt, gây tốn kém ngân sách nhà nước”. Thậm chí, các thế lực thù địch còn xuyên tạc rằng: “Thực chất của việc tinh giản biên chế là đấu đá quyền lực, phe nhóm, nhằm cắt giảm quyền lực của người này để tăng quyền lực cho người kia”; “sắp xếp lại bộ máy là cách để “hạ bệ nhau” hoặc “gia cố” quyền lực”... Đây là những chiêu trò xuyên tạc nhằm làm nhiễu thông tin, “tung hỏa mù” gây hoang mang dư luận, tạo cớ chỉ trích, miệt thị lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Trong lúc hệ thống chính trị các cấp đang chủ động, nỗ lực triển khai các hình thức, giải pháp sắp xếp, tinh gọn bộ máy với tinh thần “Trung ương nêu gương, địa phương hưởng ứng” thì trên không gian mạng cũng liên tục xuất hiện các sản phẩm truyền thông mang tư tưởng thù địch, hằn học. Trên các nền tảng số, mạng xã hội như Facebook, YouTube... liên tục xuất hiện các bài viết, video clip của một số đối tượng phản động cắt ghép, xuyên tạc thông tin, “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” để lèo lái, lừa bịp dư luận.
Thủ đoạn của chúng là “hóng hớt” thông tin từ mạng xã hội và báo chí, rồi sử dụng công nghệ lắp ghép, thêm bớt, cắt xén... thành thông tin mới với mục đích nói phải thành trái, đổi trắng thay đen... Chúng móc nối với một số đối tượng cực đoan trong nước để thực hiện những cái được gọi là “phỏng vấn”, “luận bàn”, “tọa đàm khoa học”... để “bình loạn” tình hình chính trị trong nước.
Chúng bám vào một số thông tin về việc một số đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước bị xử lý kỷ luật rồi gán ghép thông tin này với lộ trình tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị để chụp mũ, quy kết chúng ta “đấu đá nội bộ”...
Tinh gọn bộ máy - quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta
Thực tế, không phải bây giờ Đảng ta mới có chủ trương tinh gọn bộ máy, mà ngay từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới (Đại hội VI, năm 1986) đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Bởi lẽ bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống, một số chủ trương không được triển khai, hoặc triển khai hình thức trên thực tế.
Qua nhiều kỳ đại hội, nhất là trong các đại hội gần đây, Đảng ta đều nhấn mạnh những nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những đổi mới về thể chế, trọng tâm là đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đạt được những thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước.
Đặc biệt, việc tinh giản biên chế và giảm bớt các đầu mối hành chính đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể như tháng 4-2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với mục tiêu đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế. Kết quả, chúng ta đã tinh giản được 11,67% biên chế trong giai đoạn này, vượt chỉ tiêu đề ra.
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV (tháng 5-2024), Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành 27 nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các bộ, ngành đã giảm được 17 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập...
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, trong năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh. Tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 quy định. Có 147 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư được thực hiện đơn giản hóa đạt 49,26%. Về quản lý và tinh giản biên chế, thực hiện các nghị định của Chính phủ, từ năm 2015 đến ngày 15-12-2023, cả nước tinh giản biên chế 84.140 người...
Thực tiễn cũng chứng tỏ việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không phải là cuộc “đấu đá nội bộ” mà làm cho bộ máy lãnh đạo, quản lý năng động, hiệu quả hơn. Một bộ máy hành chính tinh gọn và chuyên nghiệp sẽ giúp các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý các vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là việc làm không hề dễ dàng, không đơn giản, không phải làm một sớm, một chiều, làm một lần là xong do liên quan nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Do đó, đòi hỏi sự chặt chẽ, khoa học, với quyết tâm chính trị cao, thống nhất trong nhận thức và hành động.
Để cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm thắng lợi, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi”.
Ngày 4-12-2024, phát biểu tại hội nghị quán triệt, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Tinh gọn bộ máy là việc khó, thậm chí rất khó, nhưng nếu người đứng đầu gương mẫu làm tốt thì cấp dưới sẽ tin tưởng và lan tỏa tinh thần xuống toàn bộ các cơ quan”.
Tinh thần gương mẫu của các cơ quan Trung ương đã lan tỏa đến các địa phương. Thực tiễn tại các cơ quan Trung ương và các địa phương trong cả nước đã khẳng định: Việc tinh giản bộ máy không phải là “đấu đá nội bộ”.
ĐỖ PHÚ THỌ