Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - một bộ phận rất quan trọng trong hệ thống cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội
Lịch sử hình thành, phát triển và sự đóng góp to lớn của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp xây dựng Quân đội về chính trị, vì từ khi hình thành LLVT cách mạng là đã có ngay hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT). Trong Thư chúc mừng Tổng cục Chính trị đón nhận Huân chương Sao Vàng và lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống (22-12-2000), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định, việc lấy ngày 22-12-1944 là Ngày truyền thống của Tổng cục Chính trị “đã phản ánh đúng một sự thật lịch sử: Có Quân đội tức là có ngay sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và công tác chính trị, một nhân tố thuộc về bản chất của Quân đội cách mạng”.
Tiến hành CTĐ, CTCT là một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng LLVT cách mạng của Đảng. Trong đó, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là cơ quan đảm nhiệm CTĐ, CTCT trong toàn quân. Thực tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta 80 năm qua đã chứng minh nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội là đúng đắn cả về mặt lý luận và thực tiễn, đồng thời khẳng định CTĐ, CTCT là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đây cũng là nhân tố quyết định xây dựng LLVT nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, bảo đảm cho Quân đội ta luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, làm tròn trách nhiệm với dân tộc và nghĩa vụ quốc tế.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp đã góp phần quan trọng đối với sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, bảo đảm cho Quân đội ta thực sự là đội quân cách mạng của dân, do dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, hiếu với dân; không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, lập nhiều chiến công vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Vai trò quan trọng của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trong giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội
Ngay từ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Tổng cục Chính trị là cơ quan chính trị cấp toàn quân với tên gọi là Cục Chính trị Bộ Quốc phòng (năm 1950 là Tổng cục Chính trị) đã nghiên cứu, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đề nghị Trung ương Đảng ban hành cơ chế Đảng lãnh đạo Quân đội, thiết lập hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội. Chính vì vậy, ngay trong các LLVT cách mạng đầu tiên (Tự vệ công nông, Du kích cứu quốc) đã từng bước hình thành các chi bộ đảng, chính trị ủy viên đại biểu đảng và thiết lập bộ máy tiến hành CTĐ, CTCT.
Cục Chính trị đã chuẩn bị và đề xuất với Tổng Quân ủy mở Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất (diễn ra từ ngày 14 đến 16-2-1947). Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình chung, thảo luận những vấn đề quan trọng về nghiên cứu công tác chính trị trong thời kỳ kháng chiến, các nguyên tắc cần kíp cho việc kiến lập chế độ công tác chính trị trong Quân đội, vấn đề cán bộ, tuyên truyền, kỷ luật, đoàn kết, dân vận, địch vận...; quyết định nhiệm vụ của công tác chính trị, nhiệm vụ của các đảng viên trong Quân đội “dù trong trường hợp nào cũng phải nắm cho vững bộ đội, củng cố và mở rộng cơ sở đảng, thi hành cho được nhiệm vụ quân sự”.
Từ sau Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất, hệ thống cơ quan chính trị đã được tổ chức từ toàn quân đến cơ sở. Đội ngũ chính ủy, chính trị viên các cấp được củng cố, kiện toàn, có bước trưởng thành về nhiều mặt và các chế độ CTĐ, CTCT được tiến hành có nền nếp. Cuối năm 1948, Tổng cục Chính trị đã nghiên cứu, đề xuất Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 38/NQ-TW, tháng 10-1948 “về tổ chức và hệ thống đảng trong Quân đội”. Theo đó, Đảng lãnh đạo Quân đội thông qua hệ thống chính ủy trong Quân đội, thực hiện chế độ chính ủy tối hậu quyết định, bỏ hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội từ Trung ương Quân ủy đến tiểu đoàn ủy.
Từ năm 1952, Quân đội ta có sự phát triển về mọi mặt, phạm vi, quy mô tác chiến mở rộng cả về lực lượng và không gian, chế độ “chính ủy tối hậu quyết định” đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được bổ sung, kiện toàn. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, Tổng cục Chính trị đã nghiên cứu, đề xuất với Trung ương Quân ủy tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TW, ngày 20-5-1952 “về tổ chức đảng trong bộ đội chủ lực”, thực hiện chế độ tập thể đảng ủy lãnh đạo toàn diện, thủ trưởng quân sự, chính trị phân công thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ. Cơ chế lãnh đạo của Đảng theo Nghị quyết số 07/NQ-TW được thực hiện từ trong kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ đầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế. Nhờ đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội được giữ vững và tăng cường-nhân tố quyết định sức mạnh chiến đấu của Quân đội.
Do điều kiện lịch sử cụ thể, ngày 15-12-1982, Bộ Chính trị khóa V ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TW “Về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong Quân đội”. Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 07, Tổng cục Chính trị phát hiện thấy một số khiếm khuyết cần khắc phục ngay và tham mưu với Quân ủy Trung ương đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 4-7-1985 “Về việc tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp quốc phòng”. Thông qua việc kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức đảng các cấp trong Quân đội, bảo đảm cho nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt được giữ vững và tăng cường; cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp được kiện toàn và phát triển; hiệu lực CTĐ, CTCT có nhiều chuyển biến tiến bộ.
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (1985-2005), Tổng cục Chính trị đã phát hiện những hạn chế, bất cập cần khắc phục, nhất là việc xác định và thực hiện chức danh phó chỉ huy về chính trị trong chế độ một người chỉ huy. Trước yêu cầu giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Tổng cục Chính trị đã đề xuất với Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 20-7-2005 “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Qua gần 20 năm thực hiện (2005-2024), Nghị quyết số 51-NQ/TW đã chứng minh sự đúng đắn của việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Đảng luôn giữ vững quyền lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội trong mọi tình huống.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, Tổng cục Chính trị luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn. Kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Quân ủy Trung ương xác lập, củng cố, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Đúng như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: “Lịch sử xây dựng và phấn đấu của Quân đội ta trước hết là lịch sử Đảng lãnh đạo Quân đội; quá trình trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta gắn liền với việc không ngừng củng cố và tăng cường CTĐ, CTCT trong Quân đội. CTĐ, CTCT đã là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội ta, làm cho Quân đội ta thực sự trở thành một Quân đội của dân tộc, của giai cấp, một Quân đội tất thắng”.
Đại tướng PHẠM VĂN TRÀ