Kết nạp Đảng giữa cánh đồng

Sinh năm 1932 tại Cam Lộ (Quảng Trị), 14 tuổi, Phạm Thị Hồng đã tích cực với các hoạt động phong trào ở địa phương. Khi gia đình tản cư về thôn Đại Phong, xã Quang Trung (nay là xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Phạm Thị Hồng vẫn hăng say với các hoạt động phong trào; đi dạy bình dân học vụ, tham gia hoạt động phụ nữ, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến. “Có lẽ vì thấy sự xông xáo, nhiệt tình với công tác mà kỳ Đại hội Đoàn Phụ nữ cứu quốc của xã năm ấy, tôi được cấp trên chỉ định là người tổ chức, điều hành đại hội. 16 tuổi, tôi được bầu làm Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc xã Quang Trung”, bà Hồng cho biết.

Công tác liên miên, cô gái có thân hình nhỏ bé chưa đến 40kg chẳng quản đường xa hay đêm tối, có việc tổ chức giao là sẵn sàng lên đường. Khi thì vận động nhân dân, khi tham gia đào hầm cho cán bộ về địa phương hoạt động. Phụ trách đội xung kích mấy chục người gồm thanh niên, phụ nữ trong xã, Phạm Thị Hồng chỉ huy mọi người ra quốc lộ phá đường, đắp ụ để ngăn địch... Bà tâm sự: “Chúng tôi làm việc không kể ngày đêm với khẩu hiệu “ngày không giờ, tuần không thứ”, cũng không có phụ cấp hay chế độ, tiêu chuẩn gì. Để giúp tôi dễ bề che mắt địch, cha tôi vốn là thợ hàn đã sắm cho tôi một cái cân và cái thúng để giả làm người đi mua sắt vụn”.

Qua thử thách, Phạm Thị Hồng được tổ chức kết nạp Đảng vào ngày 15-7-1949. “Bấy giờ, Đảng chưa hoạt động công khai nên buổi lễ kết nạp Đảng của tôi cũng diễn ra hết sức bí mật, ở tại một cái lán của nông dân giữa cánh đồng. Dưới sự chứng kiến của các đồng chí trong chi bộ, trước lá cờ đỏ thắm, tôi đã đọc lời tuyên thệ, nguyện trọn đời đi theo Đảng”, bà Hồng nhớ lại.

Một buổi tối cuối tháng 10-1949, sau 3 tháng đứng trong hàng ngũ của Đảng, Phạm Thị Hồng được phân công cùng đoàn cán bộ do ông Nguyễn Xuy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Lệ Thủy dẫn đầu về tuyên truyền, vận động tại thôn công giáo Mỹ Phước (nay thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy). Theo phân công, ông Nguyễn Xuy sẽ ra nhà thờ công giáo gặp cha cố, còn bà Hồng và những người khác tỏa đi các nhà dân để tuyên truyền. Nhưng không ngờ, một cái bẫy đã giăng sẵn đợi họ...

leftcenterrightdel

 Bác sĩ Phạm Thị Hồng. Ảnh: KHÁNH AN 

4 giờ sáng, cả một vùng quê huyên náo bởi tiếng lên đạn, chửi bới, tiếng giày Tây nện thình thịch. Từ nhà dân, bà Hồng chạy vào nhà thờ. Vì không biết quy định của nhà thờ cấm mang đồ vật khác vào, do tay vẫn cầm theo cuộn len nên bà bị địch bắt lại. Bà Hồng nhanh trí nói với chúng, mình đi thăm người nhà ở đây chứ không liên quan đến Việt Minh. Tên địch nhìn cô gái nhỏ nhắn, trên người chỉ có bộ áo vải bạc màu thì tặc lưỡi cho rằng cô không thể là cộng sản nên thả cho đi.

Lúc này, ông Nguyễn Xuy đã bị địch bắt do đêm hôm đó ông ngủ lại nhà thờ. Không bắt được thêm ai, chúng đưa ông ra trước sân nhà thờ thị uy rồi dẫn giải đi. Nhanh ý, bà Hồng thoát khỏi đám đông, chạy nhanh về nhà cha cố ở ngay phía sau nhà thờ để tìm chiếc cặp tài liệu của ông Nguyễn Xuy. Sau một hồi vận động, cha cố cũng giao lại chiếc cặp cho bà Hồng. Bà ôm nó vào người, lao nhanh về phía bờ sông. Thật may mắn, có một chiếc thuyền chài của người đánh cá đang đậu bên bến. Bà tiến đến, bằng kinh nghiệm nhiều năm làm công tác dân vận đã thuyết phục được người đó giúp mình chạy trốn. Người thuyền chài bảo bà đi vào khoang, nằm xuống, trùm áo tơi lên che không cho địch phát hiện, sau đó nhảy xuống nước kéo thuyền đi.

Đêm hôm ấy, bà Hồng an toàn trở về trụ sở xã. Bà trao lại chiếc cặp tài liệu quý cho cấp trên để giao nộp lên huyện. Việc này được ghi nhận là chiến công xuất sắc của Phạm Thị Hồng. Ngay sau đó, bà được xét đặc cách trở thành đảng viên chính thức. Bà Hồng băn khoăn: “Từ ngày ấy, tôi không được biết thêm thông tin gì về ông Nguyễn Xuy, không biết ông có bị địch thủ tiêu hay bị giam cầm ở đâu?”.

Miệt mài công tác, cống hiến

Cuối năm 1949, bà Hồng có quyết định điều lên làm công tác phụ nữ huyện Lệ Thủy, kiêm văn thư cho Mặt trận Việt minh, Phó chánh văn phòng Huyện ủy. Vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, hết mình vì nhiệm vụ, bà được cấp trên rất tin tưởng. Bà chưa từng nghĩ sẽ vào Quân đội, làm nhiệm vụ cấp cứu thương, bệnh binh nếu không gặp lại người lãnh đạo cũ của mình ở xã Quang Trung. Bà Hồng nhớ lại: “Tháng 6-1952, tình cờ tôi gặp đồng chí Chính trị viên của Bệnh viện K42 đóng ở Chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), từng là cấp trên của tôi khi hoạt động tại xã Quang Trung và đang đi các nơi để xin đảng viên vào phục vụ bệnh nhân của Bệnh viện. Tôi và chị Nhung, nhân viên ở Huyện ủy đã tình nguyện vào bộ đội”.

Ngày lên đường, Phạm Thị Hồng mang theo hai bộ quần áo, đeo túi vải trên vai cùng đồng đội theo em liên lạc lên Chiến khu Ba Lòng. Chưa từng học về nghề y cũng như nghiệp vụ về chăm sóc bệnh nhân nhưng bà Hồng tin với ý chí và quyết tâm, mình sẽ vượt qua mọi gian khó.

Với bản lĩnh và sự gan dạ, khi được phân công vào ngay phòng mổ phụ việc, Phạm Thị Hồng không một chút sợ hãi. Bà Hồng kể, do điều kiện chiến tranh rất thiếu người nên hầu như bà không được đào tạo bài bản mà phải tự học bằng việc quan sát mọi người làm việc. Ngay lần phụ mổ đầu tiên, khi bác sĩ Nguyễn Ấu Thực (sau là chồng của bà) xử lý phần chân đã hoại tử của bệnh nhân và yêu cầu bà đưa đến nhà xác, bà làm ngay không chút băn khoăn.

leftcenterrightdel

Bác sĩ Phạm Thị Hồng (thứ tư, từ trái sang) trong một lần gặp mặt đồng đội, năm 2004. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Sau này, trước mỗi nhiệm vụ được giao, bà cũng đều có sự bình tĩnh, quyết đoán ấy. Bà Hồng bộc bạch, sau đám cưới mấy tháng, bác sĩ Nguyễn Ấu Thực sang Lào công tác một năm không có tin tức. Đang thai kỳ nhưng bà không từ chối nhiệm vụ gì, từ chăm sóc thương binh đến tham gia học tập chính trị. Những lần học chính trị trong rừng sâu, bụng bầu cũng đã lớn, vừa đeo ba lô, vừa ôm theo sạp tre hành quân trong rừng rất vất vả, nhưng bà quyết khắc phục khó khăn, tham gia học tập đầy đủ.

Mang thai đến tháng thứ 6, bà được cấp trên phân công đưa thương binh về tuyến sau và về Sư đoàn 325 công tác, một thời gian sau thì về Bệnh viện K43 (tiền thân của Bệnh viện Quân y 4, Cục Hậu cần Quân khu 4 ngày nay) rồi về Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y). Chồng bà nhiều năm đi học ở nước ngoài, bà vừa chăm sóc con nhỏ, vừa học tập để nâng cao kiến thức chuyên môn. Cuối năm 1984, bà Hồng được nghỉ hưu. Về tổ dân phố, bà tích cực hoạt động trong phong trào phụ nữ của khu tập thể, tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Liên tục nhiều năm, bà là “cánh chim đầu đàn” trong các hoạt động của phường, tổ dân phố và các tổ chức xã hội của địa phương; được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc tặng Giấy khen “Phụ nữ tiêu biểu” năm 2023.

Bà Hồng cho biết, bà xin nghỉ các công tác từ tháng 10-2022 khi tuổi đã cao, lại thêm chứng chân đau khiến việc đi lại trở nên khó khăn, nhưng bà luôn theo dõi tình hình của xã hội, khu phố qua ti vi, loa phát thanh hay mạng xã hội... Bà bảo, dù tuổi cao nhưng mình không nên thành người lạc hậu, để luôn tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, khu phố và là tấm gương để con cháu noi theo.

PHẠM THU THỦY