Tháng ngày tìm đường
Đồng chí Lương Khánh Thiện (tên gọi khác là Phương, Lang già, Ba già), sinh ở thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay là tổ dân phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước. Học giỏi, cầu thị, ham hiểu biết, ông được cả thầy giáo người Pháp và bạn đồng môn rất yêu quý, nể trọng. Năm 20 tuổi, ông xin vào học tại Trường Kỹ nghệ thực hành (còn gọi là Bách nghệ) Hải Phòng và nhanh chóng hòa mình với các bạn học thân thiết như Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Lưu Bá Kỳ... cùng dấn thân trên con đường đấu tranh cách mạng. Kể về đồng chí Lương Khánh Thiện, trong hồi ký “Chặng đường nóng bỏng” (NXB Lao động, H. 1985), đồng chí Hoàng Quốc Việt viết: “Thiện cao và gầy, gương mặt khắc khổ, mắt rất sáng... Thiện sống xuềnh xoàng, giản dị. Gia tài chỉ có một chiếc hòm gỗ mộc, không có khóa, trong vẻn vẹn có một bộ quần áo đi làm, một bộ mặc lúc đi chơi và cái nõ điếu để dành. Ngoài ra còn đôi guốc mộc đẽo lấy. Anh ưa hoạt động, giờ nghỉ không thích nằm ườn mà hay đi trò chuyện. Chỉ đến giờ ngủ mới thấy anh nằm cạnh chúng tôi, thủ thỉ không biết bao nhiêu là chuyện mới trong ngày”.
Học bách nghệ, được tiếp xúc với nhiều sách báo tiến bộ đã tác động mạnh mẽ đến chí hướng và hoài bão của Lương Khánh Thiện. Cuối năm 1925, hưởng ứng phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu đang sôi nổi trong cả nước, ông cùng một số học sinh viết đơn bằng tiếng Pháp và tham gia dẫn đầu chặn đoàn xe của Toàn quyền Đông Dương Varenne để đưa đơn đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Trước câu hỏi “Ai xúi chúng mày đâm đơn?” của viên đốc học, Lương Khánh Thiện cùng nhóm học sinh tham gia đưa đơn đồng thanh đáp: “Chẳng ai xúi cả, đối với một người như Phan Bội Châu thì ai cũng phải bênh vực” và họ sẵn sàng chịu phạt, bị đuổi học. Dù biết rằng bỏ học lúc này đồng nghĩa với đói, khổ, thất nghiệp, song Lương Khánh Thiện, Hạ Bá Cang và Lưu Bá Kỳ vẫn quyết tâm rời trường để tìm cho mình hướng đi mới. Lương Khánh Thiện nói với hai người bạn thân: “Chúng mình nhớ viết thư cho nhau... Tao sẽ tìm bằng được những người cùng hội với cụ Phan, hay là ông Nguyễn Ái Quốc. Tao có linh tính những người ấy ở quanh đây”. Và bằng sự nhạy cảm chính trị của mình, ông khẳng định: “Nhất thiết phải có người cầm đầu dây giật thì khắp nơi mới nổi cồn lên như thế. Tao nghe tin Nam Định cũng “có” cả rồi”.
Thế là Lương Khánh Thiện về Nam Định xin làm thợ nguội tại Nhà máy Sợi. Ngoài việc tiếp thu tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng vô sản qua những tài liệu bí mật của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi từ nước ngoài về, lần đầu tiên Lương Khánh Thiện thực sự làm việc và tiếp xúc với công nhân. Ông hiểu rõ hơn những cơ cực, thống khổ của người thợ trong bối cảnh đất nước nô lệ. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã vận động công nhân thành lập Hội Tương tế để giúp nhau trong lúc túng thiếu, khó khăn. Đồng thời, ông cũng tích cực tham gia và cùng anh em tổ chức các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi. Với bầu máu nóng của tuổi trẻ, tác phong sâu sát phong trào, gần gũi quần chúng, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng Hội Tương tế ra sức giúp đỡ công nhân, tuyên truyền, vận động họ đấu tranh đòi quyền lợi, được giới thợ thành Nam hết sức hưởng ứng.
Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Nam Định và có nhiều đóng góp quan trọng, hiệu quả cho hoạt động của Hội. Điều này khiến chính quyền thực dân e ngại. Chúng cho mật thám theo dõi nhưng không đủ chứng cứ để kết tội, chúng xúi giục giới chủ đuổi ông khỏi nhà máy. Phải tạm lánh về quê Mễ Tràng, hằng ngày, ông tranh thủ tìm hiểu phong trào cách mạng ở Hà Nam, bắt mối tiếp tục giác ngộ, vận động quần chúng gây dựng nhân mối cơ sở. Trong đó có 3 người em cùng mẹ khác cha của ông, sau này đều trở thành cốt cán ở địa phương là Trần Thị Phúc, Trần Thị Đức, Trần Xuân Đán.
|
|
Đồng chí Lương Khánh Thiện (1903-1941). Ảnh do mật thám Pháp chụp trước khi bắt giam đồng chí tại Nhà tù Hỏa Lò. |
Trở thành đảng viên cộng sản lớp đầu tiên
Tháng 4-1929, Lương Khánh Thiện được kết nạp vào chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng, được phân công phụ trách Nhà máy Chai. Từ một thanh niên có hoài bão, lý tưởng lớn, thông qua các hoạt động yêu nước và cách mạng, đồng chí đã được giác ngộ lý tưởng cộng sản, trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng ta. Từ dấu mốc quan trọng này, đồng chí đã liên tục phấn đấu, hy sinh trọn đời vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong vai trò phụ trách phong trào ở Nhà máy Chai, từ tháng 4 đến tháng 6-1929, đồng chí Lương Khánh Thiện đã tổ chức, lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân. Đặc biệt là cuộc bãi công kéo dài một tuần của công nhân Nhà máy Chai, đã được công nhân nhiều nhà máy khác hưởng ứng, chuyển thành cuộc biểu tình kéo lên Sở mật thám Hải Phòng đòi thả tự do cho những người bị bắt. Thời gian này, đồng chí Lương Khánh Thiện cũng tích cực tổ chức, lãnh đạo công nhân đấu tranh đòi cải thiện đời sống, tăng lương, giảm giờ làm. Cùng các đồng chí của mình, ông hoạt động tích cực để phát triển phong trào cách mạng ở Hải Phòng, đồng thời thúc đẩy sự chuyển biến của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để đi tới ngày thành lập đảng cách mạng của giai cấp công nhân.
Tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng, đồng chí Lương Khánh Thiện sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, bao gồm cả hạnh phúc riêng. Người vợ đầu-người đồng chí thân thiết của ông mất sớm do hệ quả của đòn roi tra tấn của kẻ thù. Con gái lớn Lương Thị Khánh Linh mất khi còn nhỏ, con trai Lương Khánh Ninh (Tiến sĩ, nguyên Giám đốc Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo) chào đời được vài tháng đã mồ côi mẹ, phải gửi cho người quen chăm sóc. Cho đến khi hy sinh, đồng chí Lương Khánh Thiện mới được gặp con trai (4 tuổi) đôi lần. Với người vợ thứ hai, ông có thêm con gái Lương Thúy Bình (Đại tá, nguyên Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác quần chúng, Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an) và cũng biền biệt xa cách. Đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ trong những hoàn cảnh khó khăn khác nhau nhưng đồng chí Lương Khánh Thiện luôn khẳng định vai trò là người lãnh đạo, dẫn dắt, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng. Đồng chí như con thoi đi về khắp nơi, khi thì hóa trang thành ông lang bán thuốc, lúc lại là ông già bán củi hay người thợ sửa điện... để qua mặt kẻ thù. Trong những ngày bị giam cầm ở các nhà tù đế quốc, đồng chí luôn giữ vững tinh thần lạc quan, khí tiết của người cộng sản kiên trung và niềm tin son sắt vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Theo hồi ký của đồng chí Hoàng Cương, nguyên Thành ủy viên Thành ủy Hải Phòng, từng cùng bị bắt giam với đồng chí Lương Khánh Thiện ở nhà tù Hỏa Lò, dù bị tra tấn khiến mặt sưng phù, biến dạng, thân thể có nhiều thương tích, nhưng khi gặp lại đồng đội, ông vẫn nở nụ cười rạng rỡ.
|
|
Ông Lương Khánh Ninh (thứ hai, từ phải sang) trong ngày khánh thành nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện, tháng 10-2018. |
Đặc biệt, đồng chí Lương Khánh Thiện là một trong những người bí mật thành lập “Ủy ban Sáng kiến”, thực chất là tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ. Dưới sự chỉ đạo của “Ủy ban Sáng kiến”, trong đó có hoạt động tích cực của đồng chí Lương Khánh Thiện, các tổ chức đảng lần lượt được lập lại ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... Công tác phát triển Đảng được đẩy mạnh làm cho số lượng đảng viên tăng lên, lực lượng của Đảng ngày càng lan rộng khắp địa bàn và các ngành trọng yếu. Từ tháng 3 đến tháng 9-1937, trên cương vị Bí thư Xứ ủy lâm thời, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào việc khôi phục các tổ chức, cơ sở cách mạng và hoạt động của Đảng ở Bắc Kỳ. Thực hiện chủ trương vô sản hóa, đồng chí bí mật tới nhiều nhà máy và đi vào các xóm, làng để tìm ra những người tích cực trong công nhân và nông dân nhằm đào tạo họ trở thành cán bộ. Do đó, hầu hết nhà máy lớn, các ngành nghề như in, ảnh, dệt, mộc... đã lập được chi bộ đảng. Không sợ hy sinh, gian khổ, đồng chí luôn bám sát địa bàn, bám sát phong trào cách mạng và xây dựng được cơ sở cách mạng trên địa bàn rộng lớn thuộc các huyện phía Bắc tỉnh Phú Thọ, tiếp giáp với tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, nối liền Liên tỉnh D (Khu D) gồm Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, trở thành căn cứ cách mạng quan trọng của Xứ ủy, Liên tỉnh D những năm sau này. Tại thành phố Hà Nội, đồng chí chỉ đạo thành lập Ban Công vận, Nông vận, hướng dẫn quần chúng tham gia vào các tổ chức phù hợp tập dượt đấu tranh. Đồng chí trực tiếp phụ trách Ban Công vận để đi sâu vào các nhà máy, xí nghiệp, ngành nghề, thống nhất tổ chức và hành động cho giai cấp công nhân...
Trước những hoạt động tích cực, gan dạ, sáng tạo, có ảnh hưởng lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện, bọn mật thám Pháp đã theo dõi, rồi bắt giam đồng chí ngày 18-1-1941 tại Hải Phòng sau đó đưa về giam giữ tại Hỏa Lò lần thứ hai. Dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn cực hình nhưng không thể khuất phục được ý chí cách mạng kiên cường của người tù cộng sản, ngày 1-9-1941, địch đưa đồng chí đến trường bắn để hành hình. Đồng chí ngã xuống trong tiếng hô bất tử: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!”.
BÍCH TRANG - VĂN TÁM