Chúng tôi tìm gặp Đại tá Vũ Đức Mạch tại nhà riêng ở đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, khi ông đang chuẩn bị hành lý vào Đồng Tháp cùng gia đình các em (cùng cha khác mẹ) làm giỗ cho cha. Bên những tấm ảnh kỷ niệm, ông Vũ Đức Mạch trầm tư: “Cha tôi tên là Vũ Viết Tuệ, sinh năm 1913; mẹ tôi là Mai Thị Lụa, sinh năm 1915, ở xã Xuân Tiến (Xuân Trường, Nam Định). Cuộc sống khốn khó, làm lụng vất vả vẫn không đủ ăn nên cha mẹ tôi rời quê hương ra Quảng Ninh làm nghề phụ sàng than để sinh sống. Năm 1940, khi con gái lớn được 4 tuổi, con gái thứ hai mới 2 tuổi và mẹ mang thai tôi 6 tháng thì cả nhà lại về quê để cha tôi vào Nam kiếm kế sinh nhai. Chúng tôi lớn lên thiếu vắng cha, nhưng luôn được mẹ yêu thương, dạy dỗ. Tôi được mẹ cho đi học, sau đó vào tổ đổi công của hợp tác xã.
Năm 1959, 18 tuổi, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 230, Sư đoàn 367. Tôi đã được rèn luyện từ chiến sĩ đến khẩu đội trưởng pháo phòng không 88mm, được kết nạp Đảng rồi đi đào tạo sĩ quan, trở thành cán bộ giảng dạy ở Trường Sĩ quan Phòng không (nay là Học viện Phòng không-Không quân). Vừa giảng dạy, tôi vừa tham gia chiến đấu chống Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, từ năm 1971 đến 1973 thì chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị... Ngần ấy thời gian trôi qua rồi mà tôi vẫn chưa hề biết mặt cha và thông tin về ông thì vô cùng ít ỏi. Tôi nghe kể lại, năm Ất Dậu 1945, lần đầu cha gửi thư về kèm 200 đồng Đông Dương mà nhờ đó gia đình tôi thoát nạn đói. Sau đó, năm 1954, một người cùng làng, mới tập kết từ miền Nam ra Bắc đến gặp mẹ tôi cho biết, cha tham gia kháng chiến, lên vùng bưng biền Đồng Tháp làm công tác quân giới. Lần thứ ba, vào năm 1972, khi đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị thì tôi nhận được thư nhà kèm theo lá thư của cha tôi gửi về (bức thư thứ hai kể từ ngày ông đi). Thư gửi từ căn cứ trên đất Campuchia, qua đường giao liên cùng thương binh ra miền Bắc rồi nằm tại đoàn an dưỡng ở Phủ Lý, Hà Nam hai năm. May mắn, một thương binh nặng cụt cả hai chân xem bì thư nhận ra địa chỉ gần nhà mình mới nhờ người nhà đưa đi tìm. Trong thư cha kể, ông tham gia kháng chiến, làm quân giới ở Nam Trung Bộ.
|
|
Ông Vũ Đức Mạch nhớ lại những kỷ niệm về gia đình. Ảnh: THỦY TIÊN |
Những thông tin ấy tôi ghi nhớ suốt thời gian tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Trên cương vị Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 230, Sư đoàn 367, cùng đội hình chiến đấu của Quân đoàn 1, chúng tôi đã tiến vào Sài Gòn, giải phóng và chiếm giữ phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất. Khi ổn định mọi mặt, tôi báo cáo xin phép cấp trên, cuối tháng 7-1975, tôi được trên cho phép đi tìm cha.
Từ Sài Gòn, trên chiếc xe Gaz-69, tôi cùng hai trợ lý và đồng chí lái xe xuôi về Mỹ Tho tìm kiếm dù địa chỉ của cha rất mù mờ. Đến thành phố Mỹ Tho, hỏi thăm vòng vo khá lâu, chúng tôi được chỉ vào Cục Hậu cần Quân khu 8. Tôi trình bày với đồng chí trực ban. Ban đầu, tôi nhận được cái lắc đầu không biết khi hỏi về người tên Tuệ, quê ở miền Bắc. Tôi lại hỏi người tên như thế khoảng 62-63 tuổi thì đồng chí trực ban à lên nói: “Có một người chúng tôi gọi là bố Tư Tuệ, nhưng ông là người miền Nam mà?”. Dù chỉ có chút hy vọng rất mong manh, tôi vẫn đề nghị xin gặp.
Được sự nhất trí, chúng tôi từ cổng căn cứ Đồng Tâm đi vào khoảng 5-6km, qua nhiều khu vực có dây thép gai cùng hầm hào, lô cốt thì xuống xe đi bộ thành hàng dọc. Chợt một đoàn người gồm già-trẻ, trai-gái mặc đồ bà ba đen, cổ quấn khăn rằn, ùa ra nói chuyện huyên náo. Tôi chú ý đến một ông già có dáng đi và khuôn mặt khá giống tôi nhưng thấp bé hơn-giống như mô tả của mẹ tôi. Ông tiến đến nắm tay người lái xe của tôi rồi nói gì đó, nhưng đồng chí trực ban dẫn đường đến bên ông nói to: Người đi cuối cùng to cao, đeo súng ngắn mới là người con trai từ ngoài Bắc đang đi tìm cha. Ông tiến đến, mắt rưng rưng nắm lấy tay tôi. Hai cha con cầm chặt tay nhau nghẹn ngào không nói nên lời. Vậy là hai cha con tôi lần đầu gặp mặt sau 35 năm ông xa nhà. Xung quanh, mọi người đều xúc động trước cuộc trùng phùng bất ngờ của cha con tôi.
Sau phút xúc động, cha tôi bảo: “Tư à, thằng Hai cũng ở gần đây. Nó bị thương, đang điều trị ở Cai Lậy. Nó tìm ba, ở đây chơi hai ngày, vừa về được năm ngày rồi”. Tôi thắc mắc là ai thì ông cho biết đó là anh Vũ Viết Kính, chồng của chị cả tôi. Anh em tôi mất liên lạc từ năm 1961. Tôi chỉ biết tin anh đi B, chiến đấu ở Miền. Hóa ra, anh cũng có ý đi tìm cha và còn tìm được ông trước cả tôi. Vậy là chúng tôi nhanh chóng đến nơi điều dưỡng thương binh để tìm rồi đón anh về chỗ cha. Không thể nói hết nỗi vui mừng của chúng tôi khi gặp lại nhau”.
Đêm đó, 3 cha con-3 người lính Cụ Hồ-đã thức trắng bên nhau. Biết bao chuyện của quê hương, xóm giềng, gia đình sau hơn 30 năm mới được thổ lộ. Nghe cha tâm sự, ông Mạch cũng hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của cha. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông Tuệ nhập ngũ tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp trở lại xâm lược. Từ đó, ông chuyển công tác qua nhiều đơn vị. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông Tuệ công tác tại Cục Hậu cần Quân khu 8. Ông Tuệ kể với các con, do nhiều năm không liên lạc được với gia đình, lại nghe tin vợ con bị chết trong nạn đói năm 1945 nên ông đã lập gia đình mới. Ông lấy bà Huỳnh Thị Nguyệt ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, có 4 người con. Do bận công tác liên miên, từ năm 1960 đến 1975, ông cũng chưa về thăm nhà ở Đồng Tháp.
Tháng 8-1975, ông Mạch đã đưa cha trở ra miền Bắc. Ông Vũ Viết Tuệ lúc đó 62 tuổi. Cha mẹ ông đã có cuộc đoàn tụ sau nhiều năm xa cách. Bà Lụa ban đầu giận chồng, nhưng sau cũng dần hiểu do hoàn cảnh chiến tranh ly tán nên cảm thông cho ông. Những năm sau đó, ông Tuệ nhiều lần vào Nam, ra Bắc. Kể từ ngày cha mất (năm 1988), ông Vũ Đức Mạch thay cha làm “cầu nối” giữa hai bên gia đình. Khi thì ông vào Đồng Tháp, khi thì các em ra Hà Nội thăm vợ chồng ông rồi cả gia đình đưa nhau về Nam Định thăm quê. Họ cùng nhau xây đắp tình cảm gia đình gắn bó, đoàn kết, thương yêu nhau.
KHÁNH AN