Hôm chúng tôi đến thăm nhà thì anh Bổng vừa ra viện được ít ngày. Mấy chục năm qua, những vết thương thời chiến chưa khi nào thôi hành hạ anh. Gần đây, bên tai còn lại của anh cũng không thể nghe được nữa. Muốn trao đổi với anh, chị phải dùng tay viết lên đùi, lên cánh tay chồng. “Tuổi càng cao thì bệnh tật lại càng giày vò anh nhiều hơn. Năm ngoái, anh Bổng phải đi viện 7 lần, còn từ đầu năm đến nay mới có... 4 lần thôi!”-chị giãi bày.

Chị Tuyết tâm sự, dù cuộc sống gặp phải không ít gian nan, vất vả nhưng chưa khi nào chị hối hận vì đã yêu và nên duyên vợ chồng cùng anh. Thế rồi, những kỷ niệm xưa lại ùa về trong dòng hồi ức của chị...

Chị Tuyết sinh năm 1948, ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). 5 tuổi, chị mồ côi cha. Cha chị là ông Nguyễn Văn Bạo, Bí thư chi bộ xã Vân Tảo. Ông Bạo bị địch bắt, tra tấn dã man và chặt đầu rồi treo ở chợ để khủng bố tinh thần những ai đi theo Việt Minh. Từ đó, Nguyễn Thị Tuyết nung nấu ý chí lớn lên sẽ đi theo cách mạng để trả thù cho cha.

Năm 1968, chị Nguyễn Thị Tuyết gia nhập lực lượng thanh niên xung phong tại Binh trạm 12, Bộ tư lệnh 559. Người con gái nhỏ bé, nhanh nhẹn nhưng không nề hà bất cứ khó khăn, trở ngại nào. Cùng đồng đội, chị đi phá đá mở đường, lăn lộn khắp các cung đường ác liệt nhất. Trên chiến trường tưởng chỉ có khói lửa đạn bom, vậy mà mầm tình yêu vẫn đâm chồi nảy lộc. Chị tình cờ gặp và quen anh bộ đội đẹp trai, da trắng, lại hát rất hay Lê Văn Bổng. Chị thương người con trai nghị lực, nhà nghèo nhưng học giỏi, đang học năm thứ nhất Trường Đại học Xây dựng thì nhập ngũ. Hai người hẹn ước sẽ nên duyên sau ngày chiến thắng. Anh sang chiến trường Lào, còn chị Tuyết không may bị thương trong một lần thực hiện nhiệm vụ. Kết luận bị chấn thương sọ não và cột sống, xếp hạng thương tật 4/4, chị được chuyển ra Bắc điều trị năm 1972. Từ đó hai người bặt tin nhau.

leftcenterrightdel

 Vợ chồng thương binh Lê Văn Bổng, Nguyễn Thị Tuyết tại nhà riêng. 

Trở về quê nhà, dù không có thông tin gì của anh nhưng chị Nguyễn Thị Tuyết vẫn đau đáu lời hẹn ước với người con trai Hà Nội Lê Văn Bổng. Nhiều người đánh tiếng mai mối xin về làm dâu con trong nhà nhưng chị đều từ chối. Người ta chỉ biết chị đã có người yêu ở chiến trường và bấy giờ hăng say với công tác phụ nữ, thanh niên. Chiến tranh cũng đã kết thúc, anh vẫn bặt tin. Mẹ giục chị đi lấy chồng, còn chị vẫn một lòng chờ đợi!

Tháng 5-1976, một người phụ nữ dáng khắc khổ đến tìm chị, bà nói: “Mẹ đón Bổng về rồi, mong con đến thăm!”. Tuyết từ ngỡ ngàng chuyển sang mừng rỡ. Vậy là anh đã trở về...

Theo mẹ anh về nhà, chị sững sờ không thể tin vào mắt mình. Anh nằm đó, người gầy rộc, hai tay bị cắt đến cùi chỏ, hai mắt không còn nhìn thấy người yêu, thính giác cũng mất đi một nửa. Họ chỉ nói được đôi câu: “Tưởng Tuyết đi lấy chồng rồi?”. “Em chờ anh!”. “Giờ tôi tàn phế rồi! Thôi Tuyết về đi, ai thương thì lấy người ta!”. Tuyết khóc nấc, nghẹn ngào. Chị thương anh, lại tủi cho mình. Mấy năm nay chờ đợi anh đâu phải để đón nhận những lời từ biệt. Mẹ anh kể, anh từng muốn kết thúc cuộc sống tối tăm của mình. Bà ước một phép màu sẽ đến, tiếp thêm nghị lực sống cho anh. Mọi hy vọng, bà gửi gắm cả vào chị!

Trở về, Tuyết cứ trăn trở mãi. Chị thương anh thiệt thòi, bây giờ còn có mẹ chăm sóc. Một mai bà khuất núi, ai sẽ bên anh? Nhưng nếu lấy anh thì tương lai sẽ ra sao, còn con cái sau này nữa? Liệu chị có thể gánh vác được tất cả mọi việc hay không?... Cuối cùng, chị thưa với mẹ: “Duyên phận con đã định vậy rồi. Con xin nguyện làm đôi tay, bước đi của anh ấy. Dù vất vả đến đâu con cũng cam lòng!”.

Nghe con gái nói, mẹ Tuyết lặng người. Cô con gái côi cút của bà, cuộc sống cơ cực từ tấm bé, giờ lại bị thương ở đầu, bà những mong cô lấy được tấm chồng khỏe mạnh, có thể đỡ đần vợ con. Vậy mà con bà “đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm” thế này! Lo cho con, bà có ý từ chối. Họ hàng cũng không mấy người đồng ý trước quyết định ấy của Tuyết. Nhưng ý chị đã quyết, tháng 7-1976, lễ cưới của hai người được tổ chức giản dị tại nhà trai ở phố Yên Phụ (nay thuộc quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Đêm tân hôn, anh dùng hai cùi tay gạt dòng nước mắt lăn dài trên má chị. Chị Tuyết thầm ước giá như anh có thể nhìn chị một lần.

leftcenterrightdel

Vợ chồng thương binh Lê Văn Bổng, Nguyễn Thị Tuyết cùng con cháu. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong niềm xúc động nghẹn ngào của cả hai, anh Bổng cảm ơn vợ, bởi hạnh phúc chị mang đến cho anh. Dường như bao mất mát, đớn đau trên cơ thể đã được người con gái này hàn gắn, xoa dịu. Cuộc sống mới đến với hai thương binh. Vốn chịu thương chịu khó, chị Tuyết không nề hà bất cứ việc gì. Chị xin vào Xí nghiệp Thương binh Ba Đình làm việc. Ngày đi làm, chiều về chăm sóc chồng và phụ giúp công việc với bố mẹ chồng nuôi các em. Một năm sau, hạnh phúc của anh chị càng trở nên ngọt ngào hơn khi con gái đầu lòng Lê Kim Oanh chào đời, hai năm sau thì anh chị có thêm con trai Lê Hải Bằng.

Họ cùng nhau trải qua nhiều giai đoạn sóng gió trong cuộc đời. Khi xí nghiệp thương binh bị giải thể, chị phải ra chợ bán rau để kiếm sống qua ngày. Rồi những lúc cả nhà dắt díu nhau đi thuê căn nhà hơn 30m2 để ở. Tuy vất vả nhưng gia đình không lúc nào ngớt tiếng cười của chị và tiếng hát của anh. Ngày ở chiến trường, anh vốn nổi tiếng có giọng hát hay trời phú. Chị động viên anh tham gia Câu lạc bộ tiếng hát thương binh TP Hà Nội. Mỗi lần anh biểu diễn, ngồi ở dưới nghe tiếng vỗ tay cổ vũ của khán giả, nhìn anh, chị mỉm cười mà hai mắt nhòe lệ. Mọi người bảo anh hát được như thế bởi có chị ở bên, hết lòng chăm sóc, lo lắng. Những lúc anh đau đớn đến cáu gắt chị vẫn nhẫn nại chịu đựng, cùng anh vượt qua.

Năm 2006, anh chị được họ hàng, đồng đội hỗ trợ xây tặng căn nhà tình nghĩa trên mảnh đất của gia đình. Căn nhà khang trang bây giờ là công sức, tình cảm của đồng đội đã dành nhiều ngày công xây dựng giúp anh chị. Ngoài việc chăm sóc chồng, chị còn tích cực hoạt động trong Hội Cựu thanh niên xung phong phường Trúc Bạch để góp phần chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình... 

THU THỦY  - KIM CHUNG