Thật xúc động khi thấy một thương binh nặng, một mắt đã mất 100% thị lực, mắt còn lại thì mờ đục, quờ quạng cùng chiếc gậy ra đón tôi. Với giọng nói trầm ấm, ông kể lại những hồi ức không thể nào quên của mình...
Sinh năm 1940 tại xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, 16 tuổi, Trần Xuân Trí tham gia cách mạng. Từ năm 1956 đến 1959, ông làm liên lạc cho Chi bộ xã Mỹ Lạc. Công việc của ông là quan sát địch, không để ai hay biết và đưa thư đến cất giấu ở nơi kín đáo theo quy định. Suốt 3 năm làm liên lạc, không lần nào cấp trên đưa thư mà ông không hoàn thành nhiệm vụ. Có lần ông bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng không thu được chứng cứ, chúng phải thả ông về.
Năm 1960, vừa tròn 20 tuổi, Trần Xuân Trí tình nguyện nhập ngũ vào Trung đội 603-đơn vị cơ động của tỉnh Long An. “Nhập ngũ hôm trước, ngay sáng hôm sau, với khẩu súng MAT mới được phát, tôi đã tham gia trận phục kích trung đội ác ôn do tên Tường ở Thủ Thừa cầm đầu. Chúng tôi đã diệt được một số tên địch, thu vũ khí, trang bị về cho bộ đội ta”, ông Trí nhớ lại.
Cùng đồng đội, Chín Trí vừa tích cực học tập, huấn luyện, vừa tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ. Ngày ém quân kín đáo, đêm “bung ra” hoạt động, Trung đội 603 kết hợp với quân và dân địa phương, đưa phong trào đấu tranh chống chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm phát triển với quy mô rộng rãi. Năm 1961, khi tròn 21 tuổi, ông vinh dự được kết nạp Đảng ngay trong Địa đạo Củ Chi-nơi ghi những chiến công xuất sắc của ông. Rồi Trung đội 603 được điều động về Quân khu Sài Gòn-Gia Định, có nhiệm vụ bảo vệ Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu.
Thời gian này, Trung đội hoạt động chủ yếu ở Củ Chi và các quận, huyện thuộc Quân khu. Trận đầu tiên ra quân, trung đội ông đã đánh sập đồn Tân Quy, tiêu diệt gọn nhiều tên địch, bắt sống 12 tù binh, thu súng, đạn về căn cứ Hố Bò. Sau trận này, đơn vị ông sáp nhập với đơn vị bạn thành lập Tiểu đoàn Quyết Thắng-đơn vị chủ lực của Quân khu. Từ đây, Tiểu đoàn Quyết Thắng đánh thắng hàng trăm trận, tiêu diệt và bắt sống hàng nghìn tên địch; bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe quân sự, máy bay; thu nhiều súng đạn; mở rộng và bảo vệ vùng giải phóng của huyện Củ Chi.
Cũng tại chiến trường Củ Chi, ông Trí từ Tiểu đội phó được bổ nhiệm lên Tiểu đội trưởng rồi Chính trị viên phó Đại đội K17, Tiểu đoàn Quyết Thắng. “Chúng tôi phải ở trong rừng già, xa dân. Tham gia làm nhiệm vụ chiến lược của Quân khu là tiếp nhận, vận chuyển vũ khí bí mật từ miền Bắc chuyển vào theo Đường Hồ Chí Minh trên biển, sau đó từ rừng Sác chuyển về căn cứ Suối Cả, Suối Cù, rừng Hắc Dịch... Chúng tôi đã thành công trong việc cất giấu, bảo vệ và phân phát vũ khí cho các đơn vị ở Quân khu”, ông Trí tự hào kể.
Ngoài công tác vận chuyển, phân phối hàng nghìn tấn vũ khí cho các đơn vị, đơn vị ông còn tổ chức diệt ác, phá kìm, bám dân, xây dựng cơ sở. Sau nhiều trận đánh tạo tiếng vang, ông Trần Xuân Trí được cử đi học tại Trường H12 (tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 2 ngày nay). Ông được Ban giám hiệu nhà trường giới thiệu đi báo cáo điển hình đánh Mỹ tại Củ Chi.
Bước vào mùa khô năm 1966-1967, địch mở càn quét quy mô lớn. Đang là học viên, nhưng ông Trí được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường phân công chỉ huy bộ phận bảo vệ Trường H12 cùng kết hợp với đội bảo vệ của trường Đảng kế bên sẵn sàng chiến đấu. Với kinh nghiệm của mình, ông tổ chức xây dựng công sự, phân công lực lượng vòng trong, vòng ngoài hiệp đồng tác chiến chặt chẽ. Theo mệnh lệnh của ông, để bảo đảm hiệu suất chiến đấu, khi quân Mỹ, ngụy đến gần mới được nổ súng. Nhờ đó, các ông liên tục bẻ gãy nhiều đợt tấn công, diệt cả trăm lính Mỹ, ngụy; bắn cháy hai trực thăng đang xuống bốc quân. Sau trận này, ông Trí được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Hoàn thành khóa học, ông làm Chính trị viên Đại đội cối 82mm của Lữ đoàn 165A. Một thời gian sau, trên lại điều động ông về phụ trách đội biệt động cánh Đông Nam Sài Gòn (khu Thủ Đức-Nhà Bè). Lúc này, đội chỉ có 3 chỉ huy và 3 chiến sĩ. “Chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, cùng nhau tổ chức xây dựng lực lượng. Trong thời gian ngắn, đơn vị đã tuyển được 30 đồng chí, với lực lượng này, chúng tôi liên tục đánh giặc và đánh thắng. Nhiều trận chúng tôi cải trang thành biệt động quân ngụy rồi xuất thần tập kích. Điển hình là trận đánh cuối tháng 6-1967, khi đang giả dạng, chúng tôi gặp bọn biệt động quân đang hành quân ở chợ Gò Công. Tôi nổ súng B40 bắn lật xe GMC của địch khiến nhiều tên lính chết và bị thương, số ít trốn thoát. Đơn vị thu được một số súng và rút lui an toàn”-ông kể.
Chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Trí được phân công phụ trách một mũi đánh chiếm cầu Sài Gòn. Quân ta đánh chiếm ngay trại lính. Trận chiến diễn ra ác liệt. Mũi do ông Trí phụ trách bắn cháy xe tăng, thiết giáp địch ngay trên cầu Sài Gòn. Dù bị thương nặng vào mắt nhưng ông vẫn cố gắng chỉ huy đồng đội chiến đấu quyết liệt, đẩy lùi các cuộc phản công của địch từ Sài Gòn bung ra. Được lệnh rút lui nhưng ông Trí bị thương vào mắt, máu chảy nhiều, không đi nổi. Ông cùng 3 đồng chí bị thương nằm lại dưới ruộng lúa. Tối hôm sau, họ được người dân đưa ra hậu cứ. Vết thương tạm thời lành, mặc dù mảnh đạn vẫn nằm trong mắt chưa lấy ra được nhưng thấy sức khỏe còn tốt, ông vẫn tiếp tục chỉ huy đơn vị thực hiện nhiệm vụ.
|
|
Đồng chí Trần Xuân Trí vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, năm 1999. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Cuối năm 1972, cấp trên đã quyết định làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông Trần Xuân Trí. Nhưng cũng thời gian đó, vết thương của ông tái phát mạnh. Ông bị thương 9 lần, nặng nhất là vết thương trên đỉnh đầu gây chấn thương sọ não và một mắt hỏng hoàn toàn. Vì thế, đầu năm 1973, đang là Phân khu ủy viên, Bí thư liên quận Thủ Đức-quận 9, ông được đưa ra Bắc chữa bệnh.
Ông sang Cộng hòa dân chủ Đức vừa chữa bệnh vừa tham gia tuyên truyền chiến thắng chống Mỹ, cứu nước. Đoàn của ông có 30 người, ông là Bí thư chi bộ. Sau khi đi một số nước xã hội chủ nghĩa như Ba Lan, Liên Xô... ông về Trung Quốc an dưỡng chờ ngày mổ lấy mảnh đạn vẫn còn nằm trong đáy mắt, trong cổ, nhưng tin chiến thắng dồn dập, ông quyết định xin về nước, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, rồi tham gia các công tác xây dựng lực lượng quân sự, an ninh trên địa bàn.
Năm 1976, cuộc đời binh nghiệp của ông bước sang ngã rẽ mới. Ông chuyển sang công tác tại Công an TP Hồ Chí Minh, được bổ nhiệm Chỉ huy phó, Trưởng thanh tra Công an TP Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Cơ quan Kiểm tra (nay là Ủy ban Kiểm tra) Đảng ủy Công an TP Hồ Chí Minh.
Ở tuổi 83, ông Trí nhận phần thưởng lớn nhất của mình là Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và những năm tháng quân ngũ. Mang trên mình vết thương chiến tranh, trở về đời thường phải dò dẫm từng bước đi nhưng ông luôn tâm niệm: “Không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng để mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
PHẠM THỊ DẦN