Tôi nhớ mãi trận đánh vào đồn Lái Thiêu tháng 3-1974. Trên cương vị là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 7, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn, tôi có nhiệm vụ dẫn mũi thọc sâu, đánh vào trung tâm đầu não của địch để tuyến sau tiến công vào chiếm giữ căn cứ. Rất nhanh chóng, các vị trí đều hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch. Đơn vị của tôi chiếm toàn bộ sở chỉ huy của địch và thu được 8 khẩu AR15, 1 khẩu đại liên, 1 khẩu M79. Đại đội có hai đồng chí bị thương là Định và Thắng (đều quê ở Hà Nam).

Chưa kịp nghỉ ngơi, ngay sáng hôm sau, chúng tôi đã phải tiếp tục chiến đấu do quân địch bất ngờ cho một tiểu đoàn vây quanh hòng chiếm lại đồn. Lúc này, đại đội hy sinh nhiều. Tôi từ Tiểu đội trưởng được giao đảm nhiệm Trung đội trưởng, chỉ huy bộ đội tiếp tục chiến đấu. Kế hoạch của tôi là không đánh chính diện mà đánh vòng sau lưng địch. Bằng cách chia lực lượng của 3 tiểu đội thành 3 mũi, đánh tập hậu. Không may trong quá trình hành tiến, đồng chí Doãn, chiến sĩ liên lạc của đơn vị bị thương. Thế là tôi vừa làm Trung đội trưởng chỉ huy vừa làm liên lạc. Tôi cơ động đến các tiểu đội chỉ đạo chiến đấu, nắm tình hình rồi báo cáo cấp trên.

leftcenterrightdel
Tác giả (hàng hai, thứ tư, từ trái sang) trong một lần gặp mặt đồng đội. Ảnh: THANH TÚ

Sau trận đánh đó, tôi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ ở miền Tây, cùng đồng đội đánh các trận vào kênh xáng Lái Hiếu, Cần Thơ, Chi khu Long Mỹ... Ở trận đánh vào Chi khu Long Mỹ mùa khô năm 1974, tôi bị thương khi đã cùng đồng đội vào đến hàng rào thứ 8. Chỉ còn vượt qua một hàng rào nữa là vào tới trung tâm Chi khu Long Mỹ thì không may tôi trúng đạn AR15 của địch. Bị thương khi là Trung đội trưởng đang dẫn đơn vị cơ động chiến đấu nên tôi phải bằng mọi cách báo cáo ngay để đại đội nắm được tình hình và kịp thời bố trí người thay thế.

Báo cáo xong, tôi lịm dần rồi gần như không biết gì, được đồng đội chuyển về tuyến sau điều trị tới 3 tháng. Dù vết thương chưa thực sự lành hẳn, tôi vẫn xin được trở lại chiến trường, sau đó tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong chiến dịch, tôi đã là cán bộ đại đội. Đơn vị tôi được phân công đánh vào phi trường 31 Cần Thơ. Sau khi chiếm toàn bộ khu vực sân bay, chúng tôi được các đồng chí biệt động dẫn đường, tiếp tục tiến vào đánh các cơ sở còn lại của địch.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tình. Ảnh: THANH TÚ

Sau ngày đất nước thống nhất, đơn vị chuyển sang làm các nhiệm vụ mới theo phân công như: Làm công tác dân vận, huấn luyện, xây dựng vùng kinh tế mới cùng nhân dân Tây Ninh... Khi bọn Pol Pot-Ieng Sary gây hấn ở biên giới, chúng tôi lại trở lại đội hình chiến đấu của Quân khu 9, bảo vệ nhân dân ở khu vực Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc (An Giang). Tháng 2-1979, trong trận đánh tại Battambang, Campuchia, quân địch bất ngờ tấn công từ phía sau khiến đại đội của tôi hy sinh 6 người. Bản thân tôi cũng bị thương nặng, được chuyển về Trạm phẫu K23 điều trị rồi đưa về nước. Cuối năm 1980, do sức khỏe không bảo đảm, tôi được Quân đội cho về nghỉ và hưởng chế độ thương binh hạng 4/4.

Hiện nay, ngoài những vết thương thực thể trong các trận đánh kể trên, tôi còn bị những di chứng do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin khiến trí nhớ suy giảm, mắt cũng bị hỏng. Mặc dù mới được thay giác mạc gần đây nhưng mắt tôi cũng chỉ nhìn được lờ mờ, không rõ. Dù vậy, tôi vẫn sống lạc quan, nỗ lực cùng gia đình ổn định kinh tế, góp phần xây dựng quê hương. Tôi luôn tự nhủ, những năm tháng quân ngũ của mình tuy không dài nhưng đó là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn, cùng gia đình có cuộc sống như hiện nay.

NGUYỄN HỮU TÌNH