Tháng 3-1975, Quân đoàn 2 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 324 tổ chức chiến đấu trên hướng Tây Nam Đường 12, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, kiềm chế, thu hút lực lượng cơ động của chúng, phối hợp với các đơn vị bạn đánh chiếm các tuyến phòng thủ vỏ bọc vòng ngoài Cố đô Huế. Ngày 10-3-1975, địch mất các tuyến phòng ngự dọc Đường 14 xuống căn cứ La Sơn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Dọc theo Quốc lộ 1A, địch tăng cường lực lượng pháo binh. Từ 18 đến 20 giờ cùng ngày, các loại pháo 105mm, 155mm, cả pháo 175mm ngoài biển giội vào núi rừng Động Truồi (huyện Phú Lộc), nơi Sư đoàn đóng quân. Khi tạm ngưng tiếng pháo, tiếng máy bay địch, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa, Đại đội trưởng Đại đội 17 Công binh ôm cánh tay, máu ở đầu còn chảy, chạy đến hầm đồng chí Nguyễn Văn Nhật, Tham mưu trưởng Trung đoàn, nghẹn ngào báo cáo: “Hầm chỉ huy công binh bị pháo bắn sập, có người hy sinh!”.
|
|
Vợ chồng cựu chiến binh, thương binh Trần Văn Cử (thứ tư, thứ năm, từ phải sang) cùng các cựu chiến binh Trung đoàn 78.
|
Đơn vị được lệnh đến Đại đội 17 tham gia đào bới, tìm kiếm các đồng đội gặp nạn. Trực tiếp tham gia bộ phận này, ông Lai kể: “Tôi và một số đồng chí được giao nhiệm vụ đưa các đồng đội hy sinh đi chôn cất. Trong lúc chúng tôi lặng lẽ lau sạch bùn đất và máu trên thi hài đồng đội thì pháo địch lại bắn phá dữ dội. Chúng tôi phải tạm dừng công việc. Dứt loạt pháo, chúng tôi vào rừng chặt cây làm đòn, buộc võng khiêng đồng đội (trong đó có đồng chí Cử) đi mai táng... Tạm nghỉ chân giữa đường, bất ngờ nhìn về phía Cử, tôi thấy ngón chân của Cử động đậy. “Ôi, thằng Cử còn sống!”-tôi hét lên, rồi bảo anh Trần Thọ Thành (lúc đó là Trợ lý Tác chiến Ban Tham mưu Sư đoàn) cùng ra xem lại thì thấy Cử còn thở.
Chúng tôi nhẹ tay khiêng Cử ra khỏi võng, cởi cúc áo, lấy mũ tai bèo quạt nhẹ. Mắt tôi chăm chăm theo dõi, chốc chốc lại thấy ngón tay Cử động đậy, mắt lim dim hé mở. Tôi nói vào tai Cử: “Em cố lên! Chúng tôi đưa em vào trạm phẫu tiền phương cách đây còn khoảng 2 giờ nữa thôi”. Môi Cử run run như muốn nói lời cảm ơn rồi đôi mắt nhắm lại. Trên đường đi, tôi hỏi anh Thành, khi về báo cáo đơn vị sơ đồ mộ chí của Cử thì làm thế nào? Anh Thành bảo: “Không sao, cứ đưa đến đó rồi xin giấy xác nhận đã bàn giao Trần Văn Cử cho trạm phẫu Sư đoàn là được”.
Tại trạm phẫu, các đồng chí quân y sau khi kiểm tra vết thương của Cử, đưa cho chúng tôi tờ giấy in sẵn để kê khai. Chúng tôi ghi đầy đủ thông tin về trường hợp bị thương trong chiến đấu để sau này cơ quan làm chế độ chính sách cho Cử. Về đến đơn vị, chúng tôi nằm xoài xuống đất thở phào nhẹ nhõm. Thời gian sau, tôi được biết tin Trần Văn Cử bị sức ép nặng, chấn thương sọ não, đã được chuyển nhanh về Trạm phẫu 68 A Lưới của Quân khu 4, rồi Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Tại đây, Cử được các bác sĩ lấy ra hai mảnh đạn ở đầu. Cử dần dần hồi phục. Chúng tôi vui mừng vì Cử đã được cứu sống.
Năm 1976, Trần Văn Cử được chuyển về Đoàn An dưỡng 155, Quân khu Tả Ngạn. Anh được kết luận mất 85% sức khỏe, hưởng chế độ thương binh hạng 1/4. Sau đó, Cử được đưa về trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh của tỉnh Hưng Yên. Ở đây, anh được chị Lê Thị Hương-y tá (quê ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên)-trực tiếp chăm sóc. Những ngày bên thương binh Trần Văn Cử đã làm y tá Hương nảy sinh tình cảm và sự ngưỡng mộ trước tinh thần, ý chí của anh. Ngày tháng cứ thế ươm mầm cho y tá Hương vượt qua những định kiến để nên duyên cùng thương binh Cử vào năm 1980. Năm 1987, với sự giúp đỡ của bố mẹ hai bên, vợ chồng Cử-Hương dành dụm làm được hai gian nhà tre lợp mái lá. Năm 2015, anh được Nhà nước trợ cấp 40 triệu đồng làm hai gian nhà xây gạch, lợp mái tôn vững chãi để ở đến bây giờ. Hai người từng bước vượt qua khó khăn trong cuộc sống nhà nông ven đê sông Hồng để mưu sinh. Họ sinh được 2 người con (1 trai, 1 gái) đều mạnh khỏe, trưởng thành, tự lập doanh nghiệp riêng đủ trang trải cuộc sống và làm tròn trách nhiệm báo hiếu, chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già.
Bài và ảnh: LÊ MINH KHUÊ (Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 78, Sư đoàn 324)