Theo giới thiệu của các đồng chí trong cơ quan chính trị, Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ, chúng tôi tới phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để gặp Đại tá Đặng Tuyên, một trong những người lính tăng kỳ cựu của Quân khu 2. Ở tuổi 80 nhưng giọng nói vẫn sang sảng, Đại tá Đặng Tuyên kể cho chúng tôi nghe về cuộc hành quân đưa xe tăng vào chiến trường miền Nam đầy sáng tạo của bộ đội ta những năm 70 của thế kỷ trước.

Ông kể: “Đầu năm 1970, nhằm tăng cường cán bộ, chiến sĩ cho các mặt trận ở miền Nam, nhất là hỏa lực mạnh, Tiểu đoàn 171 thuộc Trung đoàn 203 (nay là Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2) được thành lập và huấn luyện để đi B. Cuối năm 1970, trên cương vị Đại đội trưởng Đại đội 6, tôi chỉ huy các anh em đưa 11 xe tăng lên tàu hỏa, xuất phát từ ga Hà Nội đến ga Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An). Do địch bắn phá ác liệt nên tháng 9-1971, đoàn xe tăng mới tiếp tục hành quân. Xe tăng được đưa lên tàu thủy, đi từ cảng Bến Thủy (tỉnh Nghệ An) vượt biển đến bến phà Long Đại (tỉnh Quảng Bình). Sau đó, đội hình xe tăng hành quân bằng xích theo tuyến đường 559, qua Hạ Lào, Trung Lào, Campuchia... đến vị trí tập kết cuối cùng tại tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước) với quãng đường gần 2.000km”.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Đặng Tuyên (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội thăm Lữ đoàn Tăng thiết giáp 406, Quân khu 2 (năm 1999). Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngày ấy, theo chỉ tiêu cấp trên giao, các đơn vị bảo đảm vận chuyển, hành quân tới vị trí tập kết được khoảng 60-70% số xe tăng. Thế nhưng, ông Tuyên và các đồng đội đã vượt chỉ tiêu khi đưa đội hình 11 xe tăng vượt qua các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đến vị trí tập kết trước thời gian quy định. Trong quá trình hành quân, đội hình đã nhiều lần gặp nguy hiểm, trong đó có lần xe tăng bị lật ngửa vì lăn xuống vực. “Đó là vào đêm 8-2-1972, xe tăng mang số hiệu 357 do tôi chỉ huy đi đầu đoàn hành quân theo đường K (đường kín). Trời tối, đường khúc khuỷu, lại nhiều hố bom nên xe tăng bị nghiêng, lăn xuống vực sâu gần 100m và... phơi bụng. Trước tình huống bất ngờ, chúng tôi nhanh chóng liên hệ với các lực lượng cứu hộ của Binh trạm 32 (Bộ tư lệnh Trường Sơn) và đơn vị để cứu kéo. Mất gần hai ngày đêm, chúng tôi mới kéo xe tăng lên khỏi vực. Rất may là cả kíp xe không ai bị thương, xe tăng vẫn nổ máy chạy bình thường”, ông Tuyên nhớ lại.

Đại tá Đặng Tuyên cho biết, quá trình hành quân bằng xe tăng có nhiều nỗi lo, lo nhất là thiếu nhiên liệu, xe bị hỏng; lo máy bay và các thiết bị quan sát của địch phát hiện. “Cuối tháng 2-1972, khi đội hình xe tăng đi qua địa phận nước bạn Lào, nước sông Sekong ở Hạ Lào lên cao. Chúng tôi chờ đợi gần một tuần mà vẫn không thể sang sông. Trong khi đó, máy bay C-130 của địch tưởng xe tăng là ô tô nên bắn đạn như mưa xuống đội hình hành quân. Trong cái khó ló... sáng kiến, để hạn chế máy bay địch ném bom trúng đội hình xe tăng, đồng chí Sơn, quê ở Thái Bình, Trung đội trưởng của đơn vị, đã nghĩ ra phương án tẩm dầu mazut vào bao tải rồi đốt, ngụy trang thành xe bị cháy để đánh lừa địch. Nhờ đó, đoàn xe đã hành tiến an toàn...”, Đại tá Đặng Tuyên xúc động kể.

leftcenterrightdel
Đại tá Đặng Tuyên. Ảnh: THÁI KIÊN 

Nhắc tới những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, Đại tá Đặng Tuyên như chạm vào miền ký ức. Giọng ông sôi nổi hẳn lên: “Đêm 29, rạng sáng 30-4-1975, tiểu đoàn chúng tôi dẫn đầu đội hình Quân đoàn 4, trực tiếp chở cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2, Sư đoàn 341 hành tiến từ Dĩ An về Cầu Mới (Biên Hòa). Để chặn đà tiến công của ta, đêm 29-4, Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 ngụy đã cho nổ bom đánh sập Cầu Mới. Do đó, đội hình Quân đoàn 4 chuyển hướng tiến công theo trục xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn. Do chạy đường vòng, khoảng 13 giờ ngày 30-4, đội hình mới có mặt tại Dinh Độc Lập trong niềm vui vỡ òa, hạnh phúc. Ngay sau đó, cấp trên giao nhiệm vụ cho đội hình xe tăng nhanh chóng chiếm đóng Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Hải quân ngụy ở bến Bạch Đằng (nay là cảng Ba Son) và chiếm kho xăng Nhà Bè...”.

Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng cuộc hành quân lịch sử bằng xe tăng với Đại tá Đặng Tuyên mãi là ký ức không phai mờ.

HỒNG NHUNG