Cùng đặt tên cho đơn vị

Trong buổi gặp mặt giao nhiệm vụ cho đoàn, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái khẳng định, bộ đội PCX sẽ là lực lượng quan trọng cùng các đại đoàn bộ binh, đơn vị pháo binh làm hạn chế hơn nữa không quân địch. Lực lượng cao xạ đầu tiên của Quân đội ta sẽ gồm 6 tiểu đoàn và phát triển các đại đội trợ chiến của những đại đoàn bộ binh thành các tiểu đoàn phòng không trang bị thống nhất súng máy cao xạ 12,7mm.

Theo quyết định của trên, 114 cán bộ đầu tiên do đồng chí Nguyễn Quang Bích và Trần Văn Giang phụ trách được cử sang học về PCX tại Trường Sĩ quan Cao xạ Thẩm Dương, sau đó sẽ trở về huấn luyện cho bộ đội. Lúc bấy giờ, Tổng Quân ủy có chủ trương thành lập đơn vị nhưng chưa có quyết định. Vì vậy, đơn vị mới cũng chưa có tên chính thức. Sinh thời, Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích (1922-2010), nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) kể: “Sau khi thông báo các nội dung quan trọng, đồng chí Hoàng Văn Thái thân mật hỏi chúng tôi có ý kiến gì về việc đặt tên cho đơn vị cao xạ đầu tiên của ta không. Câu hỏi bất ngờ làm cho mọi người ngồi im. Nhưng chỉ một lúc sau, nhiều người đã có ý kiến. Cuộc trao đổi trở nên sôi nổi trước nét mặt tươi cười và cái gật đầu khuyến khích của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng. Cuối cùng, một đồng chí nói: “Ta phải xây dựng 6 tiểu đoàn pháo 37mm, tôi đề nghị lấy ngay mấy con số đó đặt tên cho đơn vị. Hiện nay, các đại đoàn bộ binh ta đều bắt đầu bằng con số 3, nên ta cũng đưa số 3 lên hàng trăm, gọi là 367. Như vậy cũng có thêm tác dụng giữ bí mật”...

Đồng chí Hoàng Văn Thái tiếp thu ý kiến của mọi người và hứa sẽ báo cáo lên Tổng Quân ủy. Ngày 26-1-1953, đoàn chính thức lên đường. Trung tuần tháng 3-1953, thực hiện chỉ thị của Tổng Quân ủy và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Quân lực Phan Phúc Tường triệu tập một số cán bộ chuẩn bị phương án tổ chức, biên chế của trung đoàn PCX-trung đoàn phòng không chủ lực đầu tiên của Quân đội ta. Theo phương án, trung đoàn sẽ gồm những cán bộ, chiến sĩ được chọn lọc, có nhiều đảng viên để bảo đảm chất lượng cao. Số cán bộ, chiến sĩ này được tập trung ở một địa điểm trong nước, sau đó hành quân sang Trung Quốc, hợp với các đoàn cán bộ đã sang trước để xây dựng một trung đoàn phòng không mạnh, trang bị PCX 37mm do Liên Xô chế tạo. Ngày 1-4-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký quyết định thành lập Trung đoàn PCX 367, biên chế 6 tiểu đoàn hỏa lực, mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội PCX 37mm và 1 đại đội súng máy phòng không 12,7mm. “Với quyết định thành lập Trung đoàn 367, lực lượng nòng cốt của một binh chủng chiến đấu-binh chủng cao xạ của Quân đội ta chính thức ra đời. Điều chúng tôi vui mừng và tự hào hơn nữa là cấp trên đã chấp nhận đặt tên đơn vị theo đề nghị của những chiến sĩ đầu tiên của binh chủng”, Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích nhớ lại.

Qua những ngày gian khó

Ngày 15-4-1953, 2.700 cán bộ, chiến sĩ (có 350 đảng viên) tập trung ở một khu rừng thuộc xã Bộc Nhiêu (Định Hóa, Thái Nguyên) nghe công bố quyết định thành lập Trung đoàn và sơ bộ biên chế quân số có mặt để duy trì tổ chức, chỉ huy và kỷ luật trên đường hành quân sang Trung Quốc học tập chuyển binh chủng. Đầu tháng 5-1953, đoàn cán bộ học khóa bổ túc tại Trường Sĩ quan Cao xạ Thẩm Dương cũng kết thúc khóa học, biên chế vào Trung đoàn. Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, cựu chiến binh Phạm Đức Cư (ở phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên)-nguyên Trợ lý Tham mưu Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 kể: “Ngay sau lễ khai giảng, chúng tôi vào học những bài đầu tiên về nguyên lý, cấu tạo, thực hành thao tác trên khẩu pháo. Quyết tâm học tập rất cao nhưng những khó khăn, trở ngại cũng dần bộc lộ, nhất là khi học đến những bài về nguyên lý giải quyết điểm bắn trúng, về cấu tạo máy ngắm, về đường đạn trên không, những đường cong đối số, về cách bắn đón... Bởi phần đông đồng chí của ta có trình độ học vấn không đồng đều. Hơn nữa, việc thực hiện các chế độ, quy định cần thiết đối với một đơn vị kỹ thuật, tác chiến hiệp đồng cũng đòi hỏi các chiến sĩ vốn xuất thân là nông dân, lần đầu tiên tiếp xúc với vũ khí kỹ thuật hiện đại, với các chế độ chính quy, nên tâm trạng lo lắng, bi quan xuất hiện. Tôi nhớ có chiến sĩ lo lắng tâm sự rằng học không nổi, có lẽ xin về thôi!”.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Phạm Đức Cư kể chuyện chiến đấu của bộ đội pháo cao xạ ở Điện Biên Phủ. 

Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã tập trung lãnh đạo, xây dựng niềm tin vào khả năng nắm vững và sử dụng tốt vũ khí, kỹ thuật mới. Nhiều biện pháp phong phú, cụ thể, phù hợp với đối tượng học tập và yêu cầu, nội dung chương trình đã được các đơn vị vận dụng. Ở trong nước, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quân đội luôn quan tâm theo dõi từng bước đi trong buổi đầu xây dựng một binh chủng kỹ thuật mới. Ngày 10-6-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367. Tháng 7-1953, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh trong dịp sang làm việc ở Trung Quốc đã đến thăm và kiểm tra kết quả học tập của bộ đội. Đồng chí chuyển lời thăm hỏi ân cần của Bác đến từng cán bộ, chiến sĩ. Tiếp đó, tháng 9-1953, đồng chí Lê Duẩn thăm, chỉ thị cho Trung đoàn tiếp tục học tập quân sự, đồng thời thực hiện tốt cuộc chỉnh quân chính trị, làm cho bộ đội thêm căm thù đế quốc, phong kiến; tạo ra không khí phấn khởi, tin tưởng, sẵn sàng chuẩn bị để về nước nhận nhiệm vụ chiến đấu...

Sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quân đội là nguồn động viên lớn đối với bộ đội PCX. Họ đã hoàn thành các nội dung huấn luyện trong một thời gian rất ngắn: Chưa tròn 100 ngày. Hướng về Tổ quốc thân yêu, Trung đoàn 367 đã sẵn sàng, có lệnh là lên đường, mang theo sức mạnh mới, vũ khí mới cùng quân, dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Chiến công nối tiếp chiến công

Chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 367 được lệnh về nước. Với quyết tâm cắt đứt cầu hàng không tiếp viện của địch, bám sát và yểm trợ đội hình tiến công của bộ binh, ròng rã nhiều đêm, Trung đoàn đã cùng các đơn vị bạn dùng sức người kéo từng khẩu pháo vượt qua nhiều đồi cao, vực sâu để vào trận địa; rồi lại bằng sức người kéo từng khẩu pháo ra chuẩn bị lại để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Để hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị đã chịu không ít tổn thất, nổi bật là tấm gương hy sinh thân mình cứu pháo của Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện (Đại đội 827, Tiểu đoàn 394). Nhớ lại tình huống hôm ấy, cựu chiến binh Phạm Đức Cư kể: “Đêm 1-2-1954, Đại đội 827 kéo pháo ra đến dốc Chuối thì bị đứt dây tời, pháo có nguy cơ lao xuống vực. Tình thế vô cùng hiểm nghèo, anh Diện cùng khẩu đội đã dùng hết sức đẩy mạnh càng pháo vào vách núi, cứu pháo thành công nhưng trước khi dừng lại, một bánh pháo đã chèn lên người anh. Giây phút cuối cùng anh vẫn hỏi: “Pháo có việc gì không?”.

Tô Vĩnh Diện, người anh hùng đầu tiên của Bộ đội Phòng không ngã xuống trên mặt trận Điện Biên Phủ. Tấm gương của anh được toàn quân học tập. Trong mưa bom, bão đạn của quân thù, với ý chí quyết tâm, bộ đội PCX cùng các tiểu đoàn súng máy cao xạ 12,7mm của các đại đoàn bộ binh ở Điện Biên Phủ đã bám sát đội hình chiến đấu của chiến dịch, đập tan ưu thế tuyệt đối của không quân Pháp, chặt đứt cầu hàng không chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; bám sát và bảo vệ đội hình tiến công của bộ binh, pháo binh, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ giao thông chiến dịch.

leftcenterrightdel

Khẩu đội pháo phòng không Trung đoàn 280 (Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân) huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: TUẤN TÚ

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, theo lệnh điều động của Bộ, Trung đoàn 367 (lúc này là Đại đoàn 367) rời Thái Nguyên về bảo vệ Thủ đô Hà Nội và Hải Phòng. Chưa đầy một năm sau, Đại đoàn được tổ chức thành Bộ tư lệnh Phòng không trực thuộc Bộ Quốc phòng, làm nhiệm vụ bảo vệ yếu địa. Từ đây, bộ đội cao xạ đã trưởng thành vượt bậc và trở thành một binh chủng hỏa lực hùng hậu, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với trận đầu đánh thắng ngày 5-8-1964 trong đội hình của Quân chủng PK-KQ.

Trong cuộc trò chuyện mới đây với chúng tôi, Trung tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng PK-KQ tự hào khẳng định: “Góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhất là trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của chúng ra miền Bắc, các lực lượng cao xạ 3 thứ quân đã bắn rơi gần 3.100 máy bay các loại của không quân Mỹ. Trong đó, bộ đội PCX của Quân chủng PK-KQ đã bắn rơi 1.502 chiếc, bằng 57% tổng số máy bay Mỹ bị Quân chủng PK-KQ bắn rơi, ghi chiến công chói lọi vào trang sử vàng của bộ đội PCX anh hùng!”.

SONG THANH - KHẮC THUẦN

(Bài viết có tham khảo tài liệu trong cuốn “Lịch sử Quân chủng Phòng không-Không quân”, tập 1, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H.1991)