Bước chân biệt động...

Cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức Họp mặt truyền thống kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Cuộc họp mặt được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, nơi 55 năm trước đã diễn ra trận đánh ác liệt của Đội 5 Biệt động Sài Gòn trong sào huyệt kẻ thù. Thật hạnh phúc khi độ lùi của thời gian đã kéo dài hơn nửa thế kỷ nhưng thế hệ hôm nay vẫn được gặp lại nhiều nhân chứng quan trọng của sự kiện ghi dấu mốc hào hùng, bi tráng trong lịch sử dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Một trong những nhân chứng tiêu biểu là ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn), nguyên chiến đấu viên Đội 5 Biệt động Sài Gòn, tham gia trận đánh sinh tử, tấn công mục tiêu đầu não Dinh Độc Lập của ngụy quyền Sài Gòn.

Ông Bảy Hôn sinh năm 1945, tại quê hương “đất thép” Củ Chi. Vào tuổi niên thiếu, tham gia đào hầm địa đạo phục vụ chiến đấu, Bảy Hôn sớm chứng kiến cảnh quân thù đàn áp, bắt bớ, giết hại bà con dân làng, lòng yêu nước, căm thù giặc sôi lên trong huyết quản. Bảy Hôn tình nguyện nhập ngũ, tham gia chiến đấu trong các đơn vị từ Củ Chi đến các địa phương Tây Ninh. Thấy chàng chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, nhanh nhẹn, có sức khỏe tốt, chỉ huy các cấp đã đưa Bảy Hôn vào lực lượng biệt động, tham gia nhiều trận đánh tập kích các mục tiêu quan trọng tại chiến trường Đông Nam Bộ.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Phân khu 1 (Sài Gòn - Gia Định) họp bàn kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu 

Tết Quý Mão 2023, ông Bảy Hôn đã gần bát thập nhưng vẫn còn khá khỏe mạnh, minh mẫn. Gặp lại những đồng đội từng vào sinh ra tử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Bảy mừng vui khôn xiết, nói cười rổn rảng, đúng khí chất của người nông dân Nam Bộ. Nhưng khi được Ban tổ chức mời lên phát biểu, mới nói được dăm câu, giọng ông đã run run xúc động rồi bật khóc. Ông nói, mỗi lần nhắc đến những đồng đội hy sinh trong trận đánh ác liệt ấy, ông không cầm được nước mắt. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, người chiến sĩ biệt động không lúc nào nguôi nỗi nhớ thương đồng đội, nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về, nghe khắp nơi rạo rực không khí mừng năm mới.      

Ông Bảy kể: “Hôm nay tôi được đứng đây, cảm giác bàn chân vẫn run run như đêm Giao thừa 55 năm trước. Đêm hôm đó, chỉ cách chỗ này có mấy bước chân thôi, 8 đồng chí của tôi đã anh dũng ngã xuống. Dù trước lúc tham gia trận đánh, chúng tôi đã thề sẵn sàng cảm tử, chấp nhận hy sinh, nhưng khi mình được trở về mà đồng đội phải nằm lại, cảm giác mất mát, day dứt, thương tiếc cứ như lưỡi dao cứa vào tim mình. Chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt. Mất các anh, với tôi chẳng khác gì mất một cánh tay...”.

Tết Mậu Thân 1968, Bảy Hôn là một trong số 15 chiến sĩ của Đội 5 Biệt động xung phong thực hiện sứ mệnh đặc biệt-lọt vào nội thành Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập. Được sự phối hợp của mạng lưới giao liên nội đô, toàn đội rời căn cứ ở Trảng Bàng (Tây Ninh) bí mật hành quân về Sài Gòn, tập trung tại điểm hẹn ở số nhà 287/70 Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu). Đây là căn nhà của đồng chí Trần Văn Lai (sau này là Anh hùng LLVT nhân dân), chiến sĩ biệt động dưới vỏ bọc một nhà tư sản, chủ thầu khoán trong Dinh Độc Lập.

Ông Bảy nhớ lại: “Trước khi bước vào trận đánh, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Văn Tăng, Cụm trưởng Biệt động gặp gỡ, phổ biến nhiệm vụ. Đồng chí nói, cấp trên rất tin tưởng giao nhiệm vụ cho Đội 5 đánh vào Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, một trong 5 mục tiêu tấn công quan trọng của Biệt động Sài Gòn trong chiến dịch đặc biệt này. Đồng chí Nguyễn Văn Tăng nhấn mạnh, trận đánh này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và vô cùng khó khăn. Dinh Độc Lập là mục tiêu được canh phòng cẩn mật, với lực lượng vòng trong vòng ngoài dày đặc, lại có các phương tiện kỹ thuật hiện đại nên phải xác định rõ ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, dám đánh và quyết thắng, sẵn sàng hy sinh tính mạng. Ai sẵn sàng thì xung phong. Ai chưa sẵn sàng, còn băn khoăn thì ở lại phía sau để đồng chí khác gánh vác trách nhiệm. Đảng cần những đồng chí sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ. Đồng chí Tăng vừa dứt lời, đồng loạt 15 cánh tay cùng giơ lên với câu khẳng định chắc nịch: Chúng tôi đã sẵn sàng!”.

Ngồi phía dưới nghe người anh, người đồng đội cùng vào sinh ra tử năm xưa hồi tưởng ký ức, bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) cũng lặng lẽ lấy khăn lau nước mắt. Cũng như ông Bảy, bà Chín Nghĩa tình nguyện tham gia lực lượng biệt động khi còn rất trẻ, xuất phát từ lòng căm thù giặc, được các chú, các anh giáo dục, dìu dắt đi theo kháng chiến. Bà Chín Nghĩa là nữ chiến sĩ duy nhất trong Đội 5 Biệt động tham gia trận đánh quyết tử vào Dinh Độc Lập đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968.

Để chuẩn bị cho trận đánh quyết tử này, các chiến sĩ biệt động được bí mật điều về khu Dầu Tiếng, Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Dương) tổ chức huấn luyện, đánh mục tiêu ở đô thị bằng mô hình. Quá trình huấn luyện, các chiến sĩ đều phải bịt mặt để bảo đảm yếu tố bí mật. Sau khi huấn luyện các phương án chiến thuật, họ lại được lệnh di chuyển về Trảng Bàng huấn luyện võ thuật, học tập chính trị. Trước khi hành quân về Sài Gòn, ai cũng xác định trận chiến đấu này có thể phải hy sinh nên đã cắt máu ăn thề...

Và khát vọng non sông

Cuộc tiến công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 đã ghi vào lịch sử dân tộc bản hùng ca bi tráng. 8 chiến sĩ hy sinh, những người còn lại bị địch bắt. Ông Bảy Hôn là một trong số các chiến sĩ may mắn được hưởng niềm vui đón mừng ngày đất nước thống nhất, dù trên thân thể có nhiều vết thương. “Chỉ cách chỗ tôi đang đứng đây hôm nay có mấy bước chân thôi, nhưng các đồng đội tôi đã vĩnh viễn không trở về. Hằng năm, chúng tôi chọn ngày Mồng Một Tết làm ngày giỗ các đồng chí của mình. Dù ai ở đâu cũng cố gắng dành thời gian về thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Những năm đầu còn đông đủ, càng ngày càng thưa vắng. Rồi sẽ đến ngày bản thân tôi cũng đi theo đồng đội, sum họp ở thế giới vĩnh hằng. Lúc đó, con cháu chúng tôi sẽ tiếp nối mạch nguồn này...”, ông Bảy xúc động bộc bạch.

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và các cựu chiến binh Biệt động Sài Gòn tại buổi họp mặt truyền thống.

Hào khí anh hùng của lực lượng Biệt động Sài Gòn đã được chính những người con, người cháu của các chiến sĩ biệt động năm xưa trân quý, gìn giữ. Căn nhà nơi các chiến sĩ Đội 5 Biệt động ém quân ngày ấy, căn hầm chứa vũ khí bí mật dưới lòng đất với những loại vũ khí của lực lượng Biệt động Sài Gòn nay đã là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Anh Trần Vũ Bình, con trai của chiến sĩ biệt động, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai là người khởi xướng thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, đồng thời sưu tầm, phục dựng các hiện vật, di tích liên quan đến Biệt động Sài Gòn, với điểm nhấn là các trận đánh “xuất quỷ nhập thần” trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Hiện nay, các di tích, hiện vật lịch sử này đang được ngành văn hóa-du lịch Thành phố mang tên Bác đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức đợt sinh hoạt chính trị chủ đề “Viết tiếp bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”, xuất bản tập sách “Mậu Thân 1968-một thiên hùng ca” và các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân, chăm sóc thân nhân, gia đình các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Hào khí cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được khơi dậy, lan tỏa, trở thành nguồn lực tinh thần để thành phố thực hiện thắng lợi chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Truyền thống cách mạng và sự phát triển, đổi mới không ngừng đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các cán bộ, đảng viên và công dân TP Hồ Chí Minh. Các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân mới Quý Mão 2023 gắn với kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là dịp để quân, dân TP Hồ Chí Minh thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, xứng đáng với các thế hệ tiền bối cách mạng, đáp ứng yêu cầu là nguồn nhân lực chất lượng cao, vững bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng TP Hồ Chí Minh và Tổ quốc hùng cường.

Bài và ảnh: QUỲNH NGA