Đại tá Trần Minh Sơn (Bảy Sơn), nguyên Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, nguyên Tham mưu trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn chia sẻ với Sự kiện và Nhân chứng những ký ức sâu sắc, không thể phai mờ...

Phải đánh vào sào huyệt của quân thù

Sau khi được chọn lọc và bồi dưỡng kỹ lưỡng về nhiều mặt tại miền Bắc, Bảy Sơn cùng một số anh em miền Nam tập kết ra Bắc được gửi về Nam phục vụ chiến đấu giải phóng đất nước. Khi ấy, hành trang của mỗi người là gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết đủ cho 15 ngày sử dụng. Đêm 5-5-1961, đoàn vượt sông Bến Hải, tại đoạn núi cao trên đồi 101 (thuộc địa phận huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) và đi theo đường mòn vừa mới mở. Đường đi rất gian nan nhưng anh em động viên nhau sắp được về với miền Nam, vậy nên ai đau ốm cũng ráng theo, không nằm lại. Hành trình kéo dài 3 tháng, có khi đoàn phải dừng lại đến 15 ngày để chờ gạo, sống bằng rau rừng và măng tre.

leftcenterrightdel
Các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn dâng hương tại Đài tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968”.

Đại tá Trần Minh Sơn kể lại: “Cuối cùng, cả đoàn cũng về đến Sài Gòn đầy đủ. Sau đó, chúng tôi gặp anh Võ Văn Kiệt (chúng tôi gọi là anh Sáu) với tác phong cởi mở. Anh em tập hợp nghe anh Sáu nói chuyện. Anh nói về tình hình thành phố, trong đó có ý trông chờ anh em từ Bắc vào. Anh Sáu bảo: “Kỳ này anh em về, ta ăn thua đủ với Mỹ-ngụy. Nhưng các anh em có biết ta sống mái với quân thù ở đâu không? Dứt khoát phải đánh vào hang ổ sào huyệt của quân thù. Muốn vậy các anh em phải chia lực lượng ra. Số nào lo xây dựng lực lượng chủ lực bên ngoài, số nào phải lo đánh địch tận hang ổ của chúng. Tôi đã chuẩn bị rồi, các anh em phải nhào zô, chần chừ gì nữa”...

Từng bước xây dựng lực lượng biệt động

Đầu năm 1962, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn-Gia Định, các ngành, các giới đã xây dựng được 40 tổ võ trang tự vệ và một mạng lưới quân báo hàng trăm người ở khắp thành phố. Với lực lượng trên, đã có cơ sở để thành lập những đơn vị biệt động nội đô. Theo Đại tá Trần Minh Sơn, việc trước mắt là tuyển quân và huấn luyện, song song với tuyển quân là công tác bảo đảm giấy tờ hợp pháp, các loại phương tiện khác vận chuyển, hầm hố và hệ thống giao liên bí mật...

Hoạt động võ trang của lực lượng biệt động ngay từ lúc thành lập đã được xác định là hoạt động chiến đấu đặc biệt vì nó diễn ra trong môi trường đặc biệt là thành phố Sài Gòn-Gia Định, nơi Mỹ-ngụy kìm kẹp chặt chẽ nhất. Tuy sử dụng lực lượng không lớn nhưng với chiến thuật đặc biệt, vẫn có thể tiến công vào những mục tiêu được bảo vệ hàng đầu của chính quyền Sài Gòn, tạo hiệu quả cao cả về mặt quân sự lẫn chính trị. Do vậy, các đơn vị biệt động đều được tổ chức, xây dựng, huấn luyện theo những nguyên tắc hết sức khắt khe, bảo đảm bí mật, tinh gọn và chuyên sâu.

Đơn vị biệt động đầu tiên ra đời là Đội 159 vào đầu năm 1962, lấy nòng cốt từ Trung đội tự vệ của Cánh 159. Trung đội này được thành lập năm 1959 nhưng các chiến sĩ đã có bề dày thành tích đánh địch trong nội đô từ nhiều năm trước. Lực lượng của Đội 159 gồm 12 chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, 3 chiến sĩ giao liên và 2 bảo vệ. Ngoài ra, Đội 159 còn có những cán bộ hoạt động đơn tuyến, nội tuyến trong lòng địch và một số gia đình ở ngoại thành có nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu. Đội cũng xây dựng các chốt đột nhập vào thành phố, hàng chục cơ sở rải rác ở thành phố là nơi ăn, ở, trú ém quân, cất giấu và mua sắm vũ khí, phương tiện, vận động thanh niên tham gia lực lượng biệt động. Sau một năm vừa xây dựng vừa hoạt động, Đội 159 đã chiến đấu 16 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 13 tên Mỹ, 44 tên ngụy, làm tan rã 1 trung đội mật vụ, phá hỏng 1 máy bay UH1A…

Sau sự ra đời của Đội 195, các đội biệt động khác như Đội 65, Đội 67 lần lượt được thành lập… Cho tới năm 1968, lực lượng biệt động phát triển mạnh mẽ về lực lượng với kỹ thuật chiến đấu tinh nhuệ. Các đội biệt động đã giáng những đòn sấm sét vào trung tâm đầu não của kẻ thù, góp phần làm nên chiến thắng to lớn của quân và dân miền Nam.

Bài và ảnh: CHÍNH NGHĨA - XUÂN DUY