Hoàn thành những nhiệm vụ đặc biệt

Ngược dòng lịch sử, Binh chủng Công binh là một trong những binh chủng ra đời sớm của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập theo Sắc lệnh số 34/SL ngày 25-3-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tiền thân là Công chính giao thông Cục). Kể từ đó, ngày 25-3 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Công binh.

Sau khi Chiến dịch Tây Bắc kết thúc, với thành tích tiêu biểu về bảo đảm công binh, Bác Hồ đã tặng Bộ đội Công binh lá cờ thêu 4 chữ vàng “Mở đường thắng lợi”. Đây là phần thưởng cao quý, là khái quát sâu sắc của Bác về chức năng, nhiệm vụ, đồng thời là tư tưởng chỉ đạo, phương châm, mục tiêu để giành thắng lợi cả trong thời chiến cũng như thời bình của Bộ đội Công binh. Lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ công binh đã hun đúc, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang “Mở đường thắng lợi” với những nét đặc trưng của mình, đó là: Đi trước, về sau trong mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch; sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm...

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một trong những nhiệm vụ đặc biệt và rất thiêng liêng, tự hào đối với Bộ đội Công binh đó là được Đảng và Chính phủ tin cậy giao nhiệm vụ làm tấm áo kính đầu tiên quàn thi hài Bác Hồ, phục vụ những ngày tang lễ; nghiên cứu cải tiến xe di chuyển thi hài Bác theo yêu cầu của chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt. Tháng 11-1969, Bộ Chính trị quyết định giữ gìn thi hài Bác và xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Đây là công trình có ý nghĩa chính trị đặc biệt, quy mô lớn, yêu cầu rất cao về kỹ thuật, mỹ thuật, thời gian rất khẩn trương. Binh chủng Công binh là một trong những đơn vị vinh dự được tham gia xây lắp các thiết bị kỹ thuật bên trong nơi yên nghỉ của Người.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lần đầu tiên công binh Việt Nam huy động một lực lượng lớn, gồm: 2 sư đoàn, 3 lữ đoàn, 20 trung đoàn, 30 tiểu đoàn làm nhiệm vụ bảo đảm cho các quân đoàn chủ lực và các đơn vị binh khí kỹ thuật với hàng vạn xe, pháo các loại, cơ động hàng nghìn ki-lô-mét vào tham gia chiến dịch. Cuộc hành quân thần tốc diễn ra trong gần một tháng đã tạo bất ngờ lớn đối với địch. Và đỉnh cao là 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Bộ đội Công binh cùng quân, dân cả nước đã làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Bộ tư lệnh Binh chủng Công binh tặng quà động viên Đội Công binh số 2 sau buổi hợp luyện, tháng 2-2023. Ảnh: NGỌC HÂN

Những kỳ tích thời bình

Phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi”, 77 năm qua, Bộ đội Công binh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xây dựng Binh chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đặc biệt, đơn vị đã lập được nhiều kỳ tích trong thời bình. Theo đó, đơn vị đã xử lý bom đạn cấp 5, rà phá bom, mìn, vật nổ, khắc phục hậu quả chiến tranh, nhiều cán bộ, chiến sĩ công binh ngày đêm thầm lặng chiến đấu, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bộ đội Công binh ở khắp mọi miền Tổ quốc đã rà phá, xử lý an toàn hàng nghìn tấn bom, mìn, vật nổ, giải phóng hàng triệu héc-ta đất đai phục vụ dân sinh và phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh đó, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Công binh còn tập trung tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tư vấn, khảo sát, thiết kế và triển khai thi công xây dựng, quản lý, bảo quản hệ thống công trình quốc phòng; công trình cụm dịch vụ kinh tế-khoa học kỹ thuật (DK1) trên biển và các công trình kinh tế trọng điểm của đất nước...

Để tìm hiểu rõ hơn về kỳ tích của Bộ đội Công binh trong quá trình thực hiện các công trình DK1, chúng tôi tới gặp Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh (giai đoạn 2004-2007) tại nhà riêng ở phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội). “Vào một ngày cuối tháng 11-2005, trên cương vị Tư lệnh Binh chủng Công binh, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm kế và nghiệm thu Bộ Quốc phòng các công trình DK1, tôi cùng với 3 đồng chí: Thượng tá Nguyễn Bá Hiểu, Phụ trách Ban Quản lý dự án công trình DK1 (gọi tắt là Ban DK1) thuộc Bộ tư lệnh Công binh; GS, TS Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật các công trình đặc biệt (Học viện Kỹ thuật Quân sự); Thượng tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch, Ban DK1 và các chuyên gia lên máy bay ra ngoài khơi khảo sát một số giàn khoan dầu khí. Mục đích của chuyến khảo sát này để tham mưu với Bộ Quốc phòng và Nhà nước về sửa chữa, nâng cấp công trình DK1 trong giai đoạn tiếp theo tại thềm lục địa nước ta. Sau chuyến khảo sát, chúng tôi đã báo cáo, đề xuất phương án tôn tạo công trình DK1 sắp hết thời hạn sử dụng. Và một thời gian sau, phương án đó đã được cấp trên chấp thuận, triển khai nâng cấp các công trình DK1 như hiện nay”, Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại.

Là người có gần 30 lần trực tiếp tham gia làm việc tại các nhà giàn, Thượng tá Cao Khắc Việt, Trưởng phòng Kỹ thuật thuộc Ban DK1 hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả khi làm nhiệm vụ đặc biệt này. Thượng tá Cao Khắc Việt chia sẻ: “Trước hết, đây là những công trình có khối lượng thi công và quy mô xây dựng lớn với các cấu kiện siêu trường, siêu trọng; thời gian thi công ngắn nên tiến độ rất khẩn trương. Bên cạnh đó, xây dựng công trình trên nền địa chất san hô chưa có tiền lệ, do đó cần có vật liệu và trang thiết bị đặc thù cho công trình biển. Nhiều lực lượng tham gia thi công trong điều kiện diễn biến thời tiết bất thường tại khu vực Biển Đông...”.

 Để hiểu rõ hơn nhiệm vụ đặc biệt này, Đại tá Nguyễn Đình Thuật, Trưởng ban DK1 dẫn chúng tôi tham quan mô hình sửa chữa, nâng cấp công trình DK1. Đại tá Nguyễn Đình Thuật lý giải, để vượt qua những khó khăn trên, lực lượng thi công các công trình DK1 phải giải quyết hàng loạt vấn đề về khoa học, công nghệ như: Xác định các số liệu đầu vào về môi trường (khí tượng hải văn, địa chất nền san hô, bùn yếu...); quy hoạch, xây dựng phương án tổng thể công trình, dạng móng, các modul hợp lý; tính toán, thi công, gia cường, nâng cấp, chống rung lắc, sáng tạo giải pháp công nghệ; quy trình đặc biệt cho thi công, bảo trì, bảo dưỡng để bảo đảm tuổi thọ cho công trình... Mỗi công trình là “tiền tiêu”, “cột mốc chủ quyền” thiêng liêng trên biển của Tổ quốc, góp phần tô thắm thêm lá cờ truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh anh hùng.

leftcenterrightdel

Cán bộ Ban Quản lý dự án công trình DK1 giới thiệu mô hình sửa chữa, nâng cấp công trình DK1. Ảnh: THÁI KIÊN 

Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở trong nước, những năm gần đây, Bộ đội Công binh Việt Nam còn ghi dấu ấn khi tham gia thực hiện các nhiệm vụ quốc tế. Năm 2022 đánh dấu sự kiện Đội Công binh số 1 lên đường tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc ở khu vực Abyei (UNISFA). Ngoài việc hoàn thành tốt những nhiệm vụ Phái bộ giao, Đội Công binh Việt Nam còn giúp người dân địa phương củng cố trường học, dạy học cho trẻ em, khám bệnh, cấp thuốc, tích cực tăng gia sản xuất... Những người lính công binh Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức, sự khác biệt về văn hóa, lịch sử, địa lý, phong tục, tập quán và ngôn ngữ để mở ra con đường riêng đến với người dân Abyei-“con đường nhân ái”.

Mới đây, 30 quân nhân trong Đội Công binh cứu sập tham gia lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2-2023 đã góp phần lan tỏa hình ảnh, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ nói chung, Bộ đội Công binh Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

“Với những thành tích đạt được trong thời chiến cũng như thời bình, Binh chủng Công binh đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội ta trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Kết quả đó là động lực to lớn để đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong những năm tiếp theo; xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và viết tiếp trang sử truyền thống “Mở đường thắng lợi”, Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường, Chính ủy Binh chủng Công binh tự hào khẳng định.

THÁI BẢO NGỌC