Ở tuổi 81, Thiếu tướng, Tiến sĩ Đặng Vũ Liêm, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh về Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP), đại biểu Quốc hội khóa X, vẫn xúc động khi nhắc đến sự mừng vui của quân dân biên giới khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ký Quyết định số 16/HĐBT, ngày 22-2-1989, lấy ngày 3-3 hằng năm là Ngày Biên phòng.
Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1961, khi đang là học sinh lớp 9 (hệ 10 năm) của Trường cấp 3 Hùng Vương (nay là Trường THPT Hùng Vương), thị xã Phú Thọ, chàng thanh niên Đặng Vũ Liêm lên đường nhập ngũ. Được điều động về nhận nhiệm vụ trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), chiến sĩ Đặng Vũ Liêm nỗ lực tự học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và trúng tuyển Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng). Năm 1967, sau khi tốt nghiệp, sĩ quan trẻ Đặng Vũ Liêm được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Lịch sử Đảng, rồi lần lượt trải qua các vị trí: Tổ trưởng bộ môn, Phó trưởng khoa, Trưởng khoa Khoa học xã hội.
Sinh thời, Trung tướng Trần Linh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh về Chính trị BĐBP đánh giá đồng chí Đặng Vũ Liêm là một cán bộ bản lĩnh, có nhiều cống hiến trong công tác vận động quần chúng và xây dựng lực lượng BĐBP thời kỳ đổi mới. Trung tướng Trần Linh cũng cho biết, chính vì nhận thấy những tố chất đó nên dù chưa có kinh nghiệm thực tiễn tại cơ sở, năm 1987, để tăng cường cho biên giới phía Bắc, cấp trên điều động đồng chí Đặng Vũ Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Cao Bằng và một năm sau thì đảm nhiệm cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó chỉ huy trưởng về Chính trị BĐBP tỉnh Cao Bằng.
|
|
Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Nhớ về những năm tháng ấy, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm luôn nhắc đến tình cảm nồng hậu của đồng bào các dân tộc nơi biên giới giữa lúc biên cương còn nhiều khó khăn. Đây là thời điểm công tác biên giới ở Cao Bằng vô cùng gian khổ. Đời sống của nhân dân trên toàn tuyến biên giới vô cùng khó khăn, thiếu thốn, tình trạng vượt biên trái phép buôn bán hàng hóa diễn ra càng lúc càng phức tạp và khó kiểm soát...
Thực hiện chỉ đạo của trên, BĐBP dâng lên giáp đường biên giới, bố trí mỗi xã một đồn biên phòng, tăng từ 14 đồn lên 32 đồn và thành lập mới 5 ban chỉ huy biên phòng huyện, song quân số còn rất mỏng. Trong hoàn cảnh đó, đồng chí Đặng Vũ Liêm và tập thể Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng vô cùng lo lắng, nhiều đêm thức trắng để tìm biện pháp tháo gỡ. “Khi đó, chúng tôi không chỉ lo bộ đội đói, khổ mà còn lo họ mất niềm tin. Mất niềm tin là mất tất cả-mất dân, xa hơn là mất biên giới. Anh em trong Đảng ủy, Bộ chỉ huy xác định rõ là phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ: Vừa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vừa chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm nhớ lại.
Để giải quyết những khó khăn trên, đích thân ông đi đến từng đồn biên phòng, tổ chức sinh hoạt chính trị, đối thoại trực tiếp để nghe anh em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tự phê bình và phê bình, “hiến kế” giải pháp củng cố, xây dựng đơn vị. Đồng thời, ông đề xuất với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh quy định thống nhất xóa các bếp ăn riêng từng bộ phận, khôi phục bếp ăn tập thể để chỉ huy các cấp ăn chung với bộ đội. Thông qua đó, tình đồng đội, sự san sẻ, yêu thương, gắn bó keo sơn giữa những người lính được nhân lên gấp bội, tinh thần tập thể được đặt lên hàng đầu.
Qua phân tích tình hình, giải pháp ngăn chặn buôn lậu qua biên giới, ông nhận ra rằng, mấu chốt nằm ở chỗ đời sống của nhân dân thực sự đói khổ. Bên cạnh đó, quan hệ dân tộc, thân tộc hai bên biên giới bị gián đoạn do cuộc chiến đấu trước đây, đến lúc này nhu cầu thăm thân của người dân hai bên biên giới ngày càng cao dẫn đến việc bà con vượt biên trái phép. Nếu chưa tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân từng sự việc, sẻ chia cùng người dân mà cứ bắt bớ, xử phạt tràn lan sẽ làm nảy sinh những bất bình trong dân. Việc tăng cường gắn kết nghĩa tình quân dân cũng như phát huy vai trò của nhân dân trở nên cấp thiết và là nhiệm vụ trọng yếu của BĐBP tỉnh Cao Bằng. Giai đoạn này, đồng chí Đặng Vũ Liêm đã có vai trò quan trọng trong việc khởi phát mô hình “Giao đường biên mốc giới cho các xóm sát biên phối hợp cùng BĐBP quản lý, bảo vệ”.
Từ việc thực hiện thí điểm tại xã Tà Lùng (nay là thị trấn Tà Lùng), huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, mô hình sau đó được nhân rộng ra toàn tỉnh. Điều ý nghĩa nhất là người dân nơi đây đã coi việc bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào. Thực tiễn hoạt động của BĐBP tỉnh Cao Bằng cùng một số tỉnh, thành phố khác đã tạo tiền đề quan trọng để Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 16/HĐBT, lấy ngày 3-3 hằng năm là Ngày Biên phòng. Sau này, trên cương vị Phó tư lệnh về Chính trị BĐBP, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm đã cùng với Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP tham gia xây dựng thành công Luật Biên giới quốc gia, được Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XI thông qua tháng 6-2003, trong đó quy định ngày 3-3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân.
Sau khi Luật Biên giới quốc gia chính thức có hiệu lực, sự phối hợp giữa BĐBP với các bộ, ngành trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân đa dạng, phong phú, hiệu quả hơn, được chỉ đạo tập trung, thống nhất, thường xuyên, được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Một loạt phong trào, mô hình trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đã được xây dựng và trở thành kiểu mẫu như: “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”; “Già làng, trưởng bản gương mẫu”; “Tàu thuyền an toàn”, “Bến bãi văn hóa”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Đường cờ Tổ quốc”...
Trong nhiều lần trò chuyện, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm tâm đắc kể với tôi về kỷ niệm vào ngày 28 tháng Chạp, giáp Tết Nguyên đán năm 1990, ông đi kiểm tra tình hình chuẩn bị Tết ở Đồn Biên phòng Thị Hoa (BĐBP tỉnh Cao Bằng). Khi đoàn công tác đến nơi, đồn vắng hoe, bếp lửa lạnh tanh... Trước những băn khoăn của đoàn, chỉ huy đồn cười tươi, nói: “Thủ trưởng cứ yên tâm, mai là có hết”. Sáng sớm hôm sau, vừa tỉnh giấc, ông đã thấy các mẹ, các chị đồng bào dân tộc ùn ùn “vác” thịt bò, thịt lợn, bánh chưng... lên đồn. Một bà mẹ người dân tộc Tày nói: “Dân thương bộ đội như con vì bộ đội quý dân, không rời xa dân, lo cho dân từng bữa ăn giấc ngủ. Những lúc khó khăn, bộ đội luôn giúp đỡ dân thì dân chăm lo bộ đội là điều dễ hiểu thôi mà”. Ông cười và nói với anh em: Đúng là “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Rồi ông nhấn mạnh: “Để bảo vệ biên giới quốc gia, điều quan trọng nhất là phải xây dựng cho được “biên giới lòng dân”, phải thực hiện tốt kế sách mà cha ông ta đã tổng kết, đó là: Giữ dân để giữ nước, giữ nước gắn liền với giữ dân”.
34 năm qua, tại hàng nghìn xóm, bản, khu dân cư ở khu vực biên giới, biển, đảo, dịp 3-3 đã trở thành ngày hội của tình quân dân, của các sắc màu văn hóa và các hoạt động tri ân đối với những người đã có nhiều cống hiến cho mảnh đất “tiền đồn phên giậu”. Ngày Biên phòng toàn dân đã trở thành ngày cả nước hướng về biên giới, ngày hội thể hiện sức mạnh và quyết tâm của đồng bào các dân tộc nơi biên cương đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên cương giàu đẹp. Và mỗi lần vui “Tết Biên phòng”, tôi lại nhớ đến nụ cười hiền, giọng nói nhỏ nhẹ, khúc chiết của vị tướng biên phòng đã dành trọn một đời cống hiến cho biên cương Tổ quốc.
PHẠM VÂN ANH