Biết được ý nghĩa của chuyến đi, ông Hà Quang Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Khai thác Chế biến Xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam đã tình nguyện tham gia đoàn. Cùng với đó là món quà ý nghĩa gồm khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn ông gửi tặng các đồn biên phòng, góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại các đồn biên phòng thuộc BĐBP tỉnh Sơn La, như: Lóng Sập, Chiềng Khương..., những món quà ý nghĩa trong mùa dịch đã được trao tặng. Và chúng tôi chứng kiến một nghĩa cử cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ khi ngay sau đó, hai phần ba số hàng hỗ trợ mà đoàn trao đã được các anh tặng lại nhân dân Lào khu vực biên giới.
Trọn một tuần hành quân, vượt những cung đường lên Tây Bắc, Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô không khỏi bồi hồi nhớ lại kỷ niệm những lần “đánh án” của mình và đồng đội. Do đặc thù nhiệm vụ nên trong câu chuyện của ông, nhiều tình tiết quan trọng không được tiết lộ, nhưng những thông tin ông cung cấp cũng đủ để thỏa trí tò mò của người nghe. Trong đó, câu chuyện sử dụng chó nghiệp vụ tham gia “đánh án ma túy” đặc biệt ấn tượng với chúng tôi. Ông kể: “Đầu những năm 2000, nhất là vào dịp giáp Tết Nguyên đán, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy rất căng thẳng và phức tạp. Tuyến biên giới Tây Bắc được coi là trọng điểm. Bọn đầu nậu từ nội địa hoặc các tỉnh khác sang Lào, móc nối đặt mua ma túy rồi về địa bàn biên giới thuê người địa phương thông thạo đường đi lối lại vận chuyển với giá khoảng 30.000 đồng/bánh heroin”.
Theo tài liệu trinh sát kỹ thuật ta nắm được, các toán, nhóm tội phạm thường tổ chức từ 10 đến 20 tên, có mang theo súng quân dụng hoặc súng tự chế. Chúng thường vượt biên giới vào lúc sẩm tối và trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng. Tại một cuộc hội thảo, xuất phát từ quan điểm nhân văn, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm đề xuất một số phương án tác chiến. Trong đó có phương án vừa kết hợp tuyên truyền vận động, vừa sử dụng biện pháp mạnh. Bước một, lực lượng của BĐBP kết hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền sâu rộng về tác hại của ma túy, về pháp luật phòng, chống ma túy. Sau đợt học tập, đồn biên phòng yêu cầu từng chủ hộ viết cam kết không nghe lời kẻ xấu, không tham gia mang vác ma túy qua biên giới, đồng thời phổ biến quy chế mới: Hộ nào không thực hiện quy chế, vẫn tham gia vào các băng nhóm vận chuyển ma túy qua biên giới sẽ bị các lực lượng chức năng nghiêm trị.
Tuy quần chúng nhân dân đã được tuyên truyền, vận động và viết cam kết phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm, song BĐBP vẫn thấy cần phải cảnh cáo các băng nhóm tội phạm thêm một lần nữa là sử dụng chó nghiệp vụ để phối hợp phục kích, tuần tra làm nhụt ý chí của chúng. Vì vậy, cục đề xuất và được Bộ tư lệnh BĐBP phê duyệt việc huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ, tham gia phục kích ban đêm với lực lượng đặc nhiệm. Khi phát hiện đối tượng vận chuyển ma túy, tấn công vô hiệu hóa hỏa lực của đối phương và làm bị thương để lực lượng đặc nhiệm bắt sống.
Kế hoạch huấn luyện chó nghiệp vụ được đặt ra. Lực lượng đặc nhiệm phải nghiên cứu kỹ địa hình trên biên giới, rồi về Sơn Tây (Hà Nội) chọn địa hình tương đối giống và phù hợp để làm thao trường huấn luyện: Khi tấn công đối tượng, trước hết, làm mất khả năng bắn súng chống trả hoặc chạy trốn bằng cách cắn bị thương vào cánh tay; khả năng truy tìm ma túy khi đối tượng vứt hoặc giấu ngoài rừng... Đặc điểm của chó bergie là hiếu động, khi thở thường há mồm, thè lưỡi dài và thở to liên tục. Ta phải huấn luyện để chó chịu nằm phục kích tối thiểu 3 giờ, không thở bằng mồm. Đây là giáo án khó nhất mà giáo viên và các chú chó phải huấn luyện thời gian dài mới thực hiện được...
“Mặc dù trên thao trường hầu như các tình huống đều được đặt ra để huấn luyện, nhưng khi đưa chó vào trận nảy sinh một số vấn đề mới làm ảnh hưởng đến kết quả chiến đấu. Tôi nhớ, trận đầu tiên ta triển khai kế hoạch phục kích tại địa bàn Chiềng Sơn (Mộc Châu, Sơn La). Yêu cầu của kế hoạch khi hành quân từ Sơn Tây đến Chiềng Sơn trong hai ngày, phải bảo đảm giữ bí mật lực lượng, thời gian và địa điểm phục kích; bảo đảm sức khỏe cho lực lượng đặc nhiệm và chó nghiệp vụ để có thể triển khai an toàn đúng giờ G. Nhưng do hành quân dài ngày, thời tiết mùa hè nóng nực, điều kiện sinh hoạt khó khăn vì ở trong thùng xe đặc chủng nên cả người và chó nghiệp vụ đều say xe, mệt mỏi. Khi đến địa điểm tập kết, phải mất hai đến ba giờ sau, chó nghiệp vụ mới tỉnh táo và có thể chiến đấu, vì vậy kế hoạch bị hoãn lại, không triển khai được. Lần thứ hai, khắc phục được tình trạng say xe, lực lượng đánh án vào phục kích đúng giờ. Nhưng khi chó nghiệp vụ xung phong để tấn công đối tượng thì chúng bắn trả toàn bằng đạn lửa. Huấn luyện chó chỉ được làm quen bằng đạn thường, nên khi thấy đạn lửa chúng tấn công hiệu quả không cao. Vì vậy mà nhiều đối tượng chạy thoát”. Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô nhớ lại.
Trận phục kích cùng với sự phối hợp của chó nghiệp vụ lần ấy còn bộc lộ nhiều nhược điểm, song đánh giá chung đây là một trận đánh thắng lợi. Ta đã chặn bắt và làm tan rã, hoảng sợ một toán vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới. Bắt sống 6 đối tượng, thu 50 bánh heroin và 20 nghìn viên ma túy tổng hợp. Trận đánh đã tạo được tiếng vang trên địa bàn, chứng minh cho các đối tượng vận chuyển ma túy rằng: BĐBP thực hiện đúng cam kết, sau khi được tuyên truyền, vận động, nếu các đối tượng vẫn ngoan cố tham gia vận chuyển ma túy thì sẽ bị bắt. Nguyên Cục trưởng Nguyễn Sinh Xô cũng cho biết thêm: “Hội nghị sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm kế hoạch phục kích ở Chiềng Sơn được tổ chức sau đó phân tích nhiều vấn đề. Mặc dù cũng có một số ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng hội nghị có chung nhận định, đây là trận đánh mở đầu với một phương thức mới, nhân văn, cần được biểu dương, nhân rộng. Qua đó tiếp tục động viên, khích lệ ý chí chiến đấu của lực lượng đặc nhiệm và anh em trong đội cảnh khuyển. Dịp Tết Nguyên đán năm ấy, hoạt động của bọn tội phạm ma túy giảm đáng kể...”.
Những người từng sát cánh cùng nguyên Cục trưởng Nguyễn Sinh Xô thực hiện nhiệm vụ nay đều đã trưởng thành. Nhiều người đang là chỉ huy ở các đồn biên phòng, trạm cửa khẩu-là những “điểm nóng” trên trận tuyến chống tội phạm ma túy. Chuyến đi ấy, đoàn nghỉ lại một đêm ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập. Tại đây, chúng tôi đã được chứng kiến tình cảm của những người lính biên phòng năm xưa với thế hệ trẻ hôm nay. Đêm hôm đó, giữa lúc các thành viên của đoàn còn mải chuyện trò thì Thượng tá Lê Quý Bôn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập báo tin: Đơn vị vừa phá một chuyên án, thu được 1.500 viên ma túy tổng hợp. Bọn tội phạm ma túy cho rằng, hôm nay đồn đón khách quý sẽ lơ là công tác. Không ngờ chúng đã “sập bẫy” ta giăng sẵn. Nghe vậy, Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô nhẹ nhàng chia sẻ: “Trước khi bước vào một chuyên án lớn hoặc một trận đánh quan trọng, là người chỉ huy, chúng tôi phải tính toán, cân nhắc thật an toàn rồi mới đánh. Đặc biệt trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ra trận đối với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này”.
BÍCH TRANG