Đó là trải lòng của Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP với phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống BĐBP, 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân.
Nghị quyết đặc biệt và những lần biến động
Phóng viên (PV): Lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) (BĐBP hiện nay) ra đời trong hoàn cảnh như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng: Vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, sau thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới 1950, nước ta có 3 lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa.
|
|
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng. Ảnh: VIỆT HÀ |
Ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”, sau này là lực lượng CANDVT. Đây là nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với LLVT chuyên trách, nòng cốt, thống nhất làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng CANDVT, nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một LLVT chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là CANDVT, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.
Từ đây, nước ta chính thức có một LLVT chuyên trách công tác nội địa, biên phòng, tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Từ đó, ngày 3-3-1959 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CANDVT và BĐBP ngày nay.
PV: Trong quá trình xây dựng, phát triển, BĐBP là một trong những lực lượng có nhiều biến động về tổ chức. Đồng chí có thể cho biết lý do cơ bản của những sự thay đổi đó? Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta hiện nay về giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng nhiệm vụ của BĐBP như thế nào?
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng: Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP liên tục có sự phát triển về tổ chức, biên chế và nhiệm vụ, được cụ thể hóa bằng các nghị quyết của Đảng và các quyết định của Chính phủ. Trong đó có 4 nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, IV, VI và VII đánh dấu sự ra đời và thay đổi tổ chức của BĐBP.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, lý do cơ bản của sự biến động ấy là để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong từng giai đoạn cụ thể gắn liền với quá trình vận động, phát triển của tình hình, nhiệm vụ cách mạng. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của BĐBP vẫn không thay đổi. Và, điều quan trọng hơn là dù nhiều lần biến động về tổ chức nhưng cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng luôn tỏ rõ sự kiên định, vững vàng, tuyệt đối tin tưởng và chấp hành mọi quyết định của Đảng, Nhà nước luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Về chủ trương giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của BĐBP trong giai đoạn hiện nay, chúng ta thực hiện theo Thông báo số 165-TB/TW ngày 22-12-2004 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tổ chức BĐBP. Trong thông báo có nhấn mạnh: Giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của BĐBP như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị. BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, được chỉ huy, bảo đảm thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở, với 3 cấp: Bộ tư lệnh, bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố và đồn biên phòng. Thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn; khi có chiến tranh thực hiện theo quy chế của Bộ Quốc phòng… Và mới đây nhất, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia một lần nữa khẳng định: “Xây dựng Bộ đội Biên phòng là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại...”.
PV: Ý nghĩa và kết quả cơ bản sau 30 năm thực hiện chủ trương lấy ngày 3-3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân là gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng: Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh nhân dân, từ thực tiễn hiệu quả của phong trào quần chúng nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới, ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT về tổ chức Ngày Biên phòng trong cả nước, bắt đầu từ ngày 3-3-1989. Tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI ngày 17-6-2003 đã thông qua Luật Biên giới Quốc gia, trong đó xác định lấy ngày 3-3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân.
Sau 30 năm thực hiện chủ trương Ngày Biên phòng toàn dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là:
Nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới về nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới ngày càng được nâng lên; đặc biệt là ý thức quốc gia, quốc giới, ý thức chấp hành pháp luật, các quy định, quy chế về biên giới đã thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân vùng biên.
Đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới; củng cố lòng tin của nhân dân biên giới với Đảng, Nhà nước, với quân đội và BĐBP; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên thế trận biên phòng toàn dân quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, tạo điều kiện để đất nước mở rộng giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Chảo thức ăn và ân tình của nhân dân
PV: Một trong những bài học kinh nghiệm rất quan trọng mà cũng luôn thời sự, đã trở thành truyền thống tốt đẹp của BĐBP 60 năm qua là: Đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, vượt mọi khó khăn; thực hiện “liêm, chính, kiệm, cần”, xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh. Đồng chí Chính ủy có thể nói rõ hơn về bài học này?
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng: Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuy xuất thân từ nhiều miền quê khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, cùng được tiếp thu bản chất, truyền thống tốt đẹp của Đảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân, của Công an nhân dân... Mặt khác, lại luôn được rèn luyện, thử thách trong điều kiện chiến đấu, công tác hết sức khó khăn, gian khổ nên đã sớm hình thành tinh thần đoàn kết nội bộ, trên dưới một lòng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà, cùng nhau thực hiện “liêm, chính, kiệm, cần”, xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện.
Hiện nay, trước những khó khăn, thử thách nhiều mặt ở cả trong và ngoài nước, dù đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, hải đảo, đời sống ở đơn vị và hậu phương gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đại đa số cán bộ, chiến sĩ luôn giữ vững và phát huy tốt phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người quân nhân cách mạng, của Bộ đội Cụ Hồ. Tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội, ý thức cộng đồng trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ không chỉ thể hiện khi còn trong quân ngũ mà còn được duy trì và phát huy cả khi đã chuyển ngành, nghỉ hưu, hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương... Đó chính là những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ biên phòng đã được tôi luyện trong môi trường công tác, chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ, nguy hiểm.
PV: Những kỷ niệm sâu sắc và cảm nhận của đồng chí khi đi cơ sở, tới các địa phương biên giới, các đồn biên phòng ở vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, gian khổ?
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng: Đến nay, tôi đã có 40 năm công tác ở các đơn vị từ cơ sở đến cơ quan, trong đó có những năm tháng không thể nào quên với đồng đội và nhân dân các dân tộc ở Hà Giang, Cao Bằng. Những năm 1984-1985, tôi là Đội trưởng rồi Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Thủy (Hà Giang). Ngày đó, tình hình biên giới vẫn rất căng thẳng. Không ít lần đạn pháo rơi ngay gần chỗ tôi nhưng tôi đều may mắn thoát chết. Hằng đêm, tôi và anh em trong đồn chia thành các tổ để cơ động vào nhà dân bám nắm tình hình và tránh pháo kích, biệt kích. Hồi ấy, tôi hay ở nhà bác Nông Văn Thi, là Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên). Ông và gia đình hết lòng che chở, giúp đỡ, chăm lo từ miếng cơm, chén nước, hỗ trợ tôi và đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Sau này, tôi có trở lại thăm gia đình ông nhưng rất tiếc ông đã mất, chỉ còn gặp con gái và một số bà con ngày đó ở xã Minh Tân.
Một hình ảnh nữa cứ ám ảnh tôi mãi, đó là vào năm 2007, trên cương vị là Phó chính ủy BĐBP tỉnh Cao Bằng, tôi có một chuyến khảo sát thực tế tại Đồn Biên phòng Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc). Khi tôi xuống bản, trong căn nhà lúp xúp thấy một tổ công tác thuộc Đồn Biên phòng Cốc Pàng đang cùng với một số cháu học sinh bán trú dân nuôi ăn trưa. Nhìn vào thấy các chú biên phòng và các cháu đang quây quần bên chiếc chảo gang. Trong chảo có mấy miếng thịt hộp, ít rau rừng, còn lại là… lõng bõng nước. Hỏi ra mới biết thịt hộp là các chú biên phòng vừa về đồn lĩnh tiêu chuẩn, còn rau rừng là các cháu học sinh đi hái. Vất vả, gian khổ là vậy nhưng ánh mắt họ vẫn ánh lên niềm lạc quan, cười vui rổn rang, tình cảm quân dân thật gần gũi, thắm thiết.
Nhớ về ân tình cưu mang của nhân dân, BĐBP càng thấy trách nhiệm lớn lao của mình trong tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, mang ánh sáng văn hóa của Đảng tới các bản, làng vùng sâu, vùng cao biên giới, hải đảo. Luôn dựa vào dân để xây dựng, phát triển, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ tại Lễ thành lập CANDVT ngày 28-3-1959: “… chúng ta phải dựa vào dân. Nhất là Công an Biên phòng ở những nơi đồng bào thiểu số, phải chú ý đến phong tục, tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ, giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, phục cán bộ thì đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cả cho ta...”. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ, BĐBP tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “dựa vào dân, lấy dân làm gốc, quần chúng nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống” để tạo nên thế trận biên phòng toàn dân quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Chính ủy!
HOÀNG TIẾN - TRANG HÀ (thực hiện)