“Vết thương ở đầu và ở tay này suýt nữa khiến tôi không thực hiện được ước mơ phục vụ lâu dài trong quân đội. Đấy là hồi tôi 17 tuổi, tham gia lực lượng thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ tiếp tế cho Chiến dịch Điện Biên Phủ”-Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng bắt đầu câu chuyện với chúng tôi. Sinh năm 1937 ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, những năm kháng chiến chống Pháp, hòa chung khí thế của lớp thanh niên quê nhà, Phạm Hữu Bồng nhập vào đoàn thanh niên xung phong của tỉnh Thanh Hóa, ngược lên Tây Bắc. Trong một lần làm nhiệm vụ, đơn vị của ông đang trú trong hầm thì trúng pháo của địch, khiến hai đồng chí hy sinh ngay bên cạnh. Trong số những người bị thương chuyển về tuyến sau có Phạm Hữu Bồng. Một mảnh pháo sượt qua đầu, một mảnh găm vào cánh tay trái làm ông không khỏi lo lắng. Những ngày điều trị ở bệnh xá, chàng trai xứ Thanh chẳng nghĩ đến đau đớn mà tích cực tập luyện, chỉ mong sao chóng khỏi để về đơn vị tiếp tục cống hiến.
|
|
Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng giới thiệu những tư liệu, bài viết về Bộ đội Biên phòng mà ông thực hiện thời gian qua. Ảnh: BẢO LINH |
Vết thương vừa ổn định, Phạm Hữu Bồng được chuyển về Đại đội 2, Cục Cảnh vệ Trung ương. Tại đây, những lo lắng về vết thương trên đầu có thể khiến mình không được phục vụ lâu dài trong quân đội khiến ông trăn trở. “Tôi chỉ bận tâm một điều là có nên báo cáo với thủ trưởng đơn vị tình trạng sức khỏe để thể hiện tính trung thực của người lính hay không. Nhưng nghĩ đến khả năng có thể phải ra quân, tôi không khỏi giật mình. Cuối cùng, tôi quyết định “giấu nhẹm” việc bị thương, bụng bảo dạ nếu bị phát hiện cũng là bởi nguyện vọng chính đáng, chắc thủ trưởng sẽ bỏ qua”-Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng kể. Và để thể hiện sức khỏe của mình, ngoài giờ huấn luyện chính, Phạm Hữu Bồng tranh thủ tự học, tự rèn. Khi đồng đội nghỉ ngơi thì trên bãi tập thể thao của đơn vị, ông lúc chạy bộ, lên xà đơn, nâng tạ, lúc tập vượt chướng ngại vật... Sự kiên trì và quyết tâm ấy giúp sức khỏe của ông phục hồi nhanh chóng, khỏe mạnh như chưa hề có thương tật. Kết quả huấn luyện các khoa mục ở đơn vị ông đều đạt giỏi, nên đã lọt vào “tầm ngắm” của cấp trên. Tháng 2-1959, một tháng trước khi lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) chính thức được thành lập, ông vinh dự là một trong những người lính đầu tiên được tuyển chọn tham gia đội hình mới này, rồi sau đó được đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 khóa 12.
3 năm sau khi hoàn thành khóa học, Phạm Hữu Bồng được điều động về Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng) làm giáo viên chuyên ngành quân sự. “Bấy giờ, tôi mới thực sự thấm thía những ngày tháng vất vả, đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên thao trường huấn luyện ở trường sĩ quan. Nó giúp tôi hình thành quan điểm khi làm thầy giáo, nhất thiết phải đưa ra những bài giảng, bài huấn luyện sát thực tế”-ông tâm sự. Những đồng chí cùng thời với Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng ngày đó đều có chung nhận xét, ông là người giáo viên có tâm, có tầm. Ông luôn trăn trở để đổi mới từ nội dung đến phương pháp trình bày bài giảng. Trong đó, đáng chú ý là thời kỳ ông làm phó hiệu trưởng nhà trường, phương pháp “thí giảng, bình giáo” được tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả nổi bật. Ngày ấy, thầy Phạm Hữu Bồng nổi tiếng là nghiêm khắc trong duy trì kỷ luật, nhưng chính nhờ đó mà không ít học trò của ông đã trưởng thành.
Cũng chính bởi phương pháp giảng dạy bám cơ sở, sát thực tế nên khi được cấp trên điều động về nhận công tác tại tỉnh Lai Châu, ông đã nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Đó là năm 1987, sau 12 năm công tác trong môi trường đào tạo, ông hòa mình với thực tế nơi vùng biên cương cực Bắc Tổ quốc, trên cương vị là Phó chỉ huy trưởng, rồi Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu kiêm Phó giám đốc Công an tỉnh. Ở mảnh đất vừa lạ vừa quen này, ông đã để lại nhiều dấu ấn với đơn vị và nhân dân. Đó là những chuyến hành quân bộ đi cơ sở trong điều kiện giao thông rất khó khăn nơi núi rừng Tây Bắc thời những năm 80 của thế kỷ trước; là những lần chỉ đạo đánh án; là phút thắt lòng khi chứng kiến những vất vả, hy sinh của đồng đội nơi vùng biên... Trong câu chuyện với chúng tôi, ông bảo: “Kỷ niệm thì nhiều lắm, nói về chuyên môn các cậu khó hiểu, tớ kể chuyện thường thôi nhé”. Và chuyện “thường” đầu tiên ấy là khi ông mới nhận cương vị Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu. Cũng vào dịp cuối năm, cơ quan hậu cần theo kế hoạch vận chuyển nhu yếu phẩm Tết cho các đồn trên tuyến A Pa Chải-Leng Su Sìn, một trong những điểm xa nhất của tỉnh Lai Châu, nơi “một tiếng gà gáy cả 3 nước cùng nghe”. Do đường đi lại khó khăn, thời gian dài nên đến Mường Nhé thì ngựa thồ hàng bị chết dọc đường. Hàng Tết, đặc biệt là lịch, báo chí, pin để nghe đài không đến được với bộ đội. “Sau khi được báo cáo tình hình, tôi trực tiếp chỉ đạo cán bộ liên hệ với chính quyền huyện Mường Nhé nhờ giúp đỡ. Ngay khi được thông báo, nhân dân địa phương đã cho bộ đội mượn ngựa thồ chở hàng đi tiếp. Khi hàng lên đến nơi mới biết do không có lịch để xem ngày tháng nên bộ đội ở đồn đã tổ chức đón Tết xong. Có lịch, anh em lại tổ chức ăn Tết lần nữa. Trong sự khó khăn chung thì việc ăn Tết hai lần như thế lại là niềm vui riêng có của bộ đội vùng biên xa xôi. Cũng là nhờ nhân dân cả”-Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng cười.
Chuyện “thường” thứ hai xảy ra trong một chuyến ông đi công tác đến địa bàn huyện Tam Đường. Hôm ấy, khi chiếc xe U-oát chở ông đến ngã ba Ba Xo thì phát hiện một người phụ nữ quằn quại nằm trên đường, ông yêu cầu lái xe dừng lại. Đến gần, trước những biểu hiện của người phụ nữ, Chỉ huy trưởng Phạm Hữu Bồng đoán chị đang có dấu hiệu chuyển dạ nên quyết định sẽ đưa chị đến bệnh viện. Ông kể: “Thấy cậu lái xe có vẻ ngần ngừ định nán lại chờ có người đi qua để gửi, có lẽ vì tâm lý mê tín của cánh lái xe “sinh dữ tử lành”, tôi nhẹ nhàng nói với cậu ta: “Chúng ta là Bộ đội Cụ Hồ, phải giúp nhân dân”. Sản phụ sau đó được cứu sống, nhưng tiếc rằng cháu bé không qua khỏi do bị ngạt từ trước”.
|
|
Bộ đội Biên phòng lội suối đưa trẻ em đến lớp. Ảnh: NGUYỄN KHOÁI |
Câu chuyện tưởng như thế là xong, chẳng ngờ chừng 3 tháng sau, chị này mang theo gà và gạo nếp tìm đến tận đơn vị, đề nghị gặp ông để cảm ơn người cứu mạng. Do tập tục của đồng bào, từ chối không được, ông đành bảo công vụ mổ gà, thổi cơm nếp, mời chị cùng ở lại ăn cơm với bộ đội. Bữa cơm đậm đà tình quân dân hôm đó đến giờ vẫn in sâu trong ký ức của ông. Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng tâm sự: “Ngày ấy ở Lai Châu, tôi luôn nói với cán bộ của mình rằng, biên cương vững chính bởi lòng dân. Chúng ta phải xây dựng biên giới lòng dân thật vững chắc. Đó là một đường biên không nhìn thấy được nhưng nó có ý nghĩa vô cùng lớn lao”.
Từ những trải nghiệm trong chiến đấu, trên giảng đường đến thực tế cơ sở đã tôi luyện cho vị tướng biên phòng Phạm Hữu Bồng bản lĩnh của một người đứng mũi chịu sào. Chính vì vậy, khi giữ cương vị là người đứng đầu BĐBP, ông đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng, phát triển lực lượng. Và như chia sẻ của ông, đáng nhớ nhất chính là lần ông được đại diện cho Bộ tư lệnh BĐBP trình bày quan điểm tại hội nghị của Bộ Chính trị, khi thông qua Nghị quyết số 11 về xây dựng BĐBP trong tình hình mới. “Bài phát biểu đó được Đảng ủy, chỉ huy Bộ tư lệnh BĐBP chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở đúc kết từ lý luận và thực tiễn. Chúng tôi báo cáo lên trên những vấn đề lâu nay chưa được đề cập thấu đáo, làm rõ những nguyên nhân, tồn tại về việc chuyển đi chuyển lại nhiều lần. Rất mừng là hội nghị đã lắng nghe, đồng tình và đưa vào nghị quyết, thống nhất việc tổ chức lực lượng biên phòng như hiện nay”-Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng nói.
Gắn bó với BĐBP trong hầu hết cuộc đời quân ngũ, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng trực tiếp chứng kiến cả 5 lần chuyển đổi của lực lượng nên đến giờ, tuy đã bước qua tuổi bát thập, ông vẫn đau đáu với đơn vị. Hằng ngày, ông vẫn ngồi bên bàn làm việc, miệt mài nghiên cứu và viết những điều tâm huyết trong việc xây dựng lực lượng của thế hệ đi trước.
SONG THANH