Tự nguyện dấn thân và hy sinh cho cách mạng

Gần 40 năm cuộc đời, đồng chí Lương Khánh Thiện (1903-1941), nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội... đã cống hiến cả tuổi xuân cuộc đời cho Đảng, cho cách mạng. Sinh ra và lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp chiếm đóng, tận mắt chứng kiến cuộc sống khổ cực “một cổ hai tròng” của nhân dân, người thanh niên Lương Khánh Thiện sớm hình thành nhân cách, nghị lực và lý tưởng cách mạng cao đẹp. Ông tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên và công nhân. Tháng 4-1929, ông được kết nạp vào chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng, trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng ta. Cùng các đồng chí của mình, ông tích cực hoạt động để phát triển phong trào cách mạng ở Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh... đồng thời thúc đẩy sự chuyển biến của tổ chức cộng sản để đi tới ngày thành lập đảng cách mạng của giai cấp công nhân.

Tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng, đồng chí Lương Khánh Thiện sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, mà trước hết là hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình. Do hậu quả từ những năm tháng bị đòn roi tra tấn của kẻ thù mà người vợ đầu, cũng là người bạn chiến đấu của ông, mất sớm. Con gái lớn cũng qua đời khi còn nhỏ, con trai thứ mới chào đời được vài tháng đã mồ côi mẹ, phải gửi cho người quen chăm sóc. Với người vợ thứ hai, ông có thêm cô con gái. Nhưng do bận công tác biền biệt, vợ chồng, con cái cũng không mấy khi được gặp nhau. Là người lãnh đạo, dẫn dắt, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng, đồng chí Lương Khánh Thiện phải di chuyển nhiều nơi. Để tránh sự theo dõi của kẻ thù và đánh lừa những “cặp mắt cú vọ” của bọn mật thám, ông thường xuyên phải hóa trang, lúc thành ông lang bán thuốc, lúc là ông già bán củi hay người thợ sửa điện... nên có lần trong hình dạng ấy ghé về thăm nhà, con trai ông (lúc này 4 tuổi) không nhận ra bố đã òa khóc nức nở.

Ngày 18-1-1941, ông bị bọn mật thám Pháp theo dõi rồi bắt giam tại Hải Phòng, sau đó đưa về giam tại Hỏa Lò (Hà Nội). Bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, phải chịu đựng nhiều thủ đoạn, cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, ông vẫn một mực kiên trung, giữ vững khí tiết của người cách mạng. Không khuất phục được ông, ngày 1-9-1941, địch đưa ông ra trường bắn để hành hình. 

Bài học của người đảng viên cộng sản lớp đầu tiên

Đồng chí Lê Văn Lương (1912-1995), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, khoa bảng tại xã Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông vào Đảng khi đang học ở Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội). Với tên mới là Lê Văn Lương, đồng chí vào Sài Gòn vô sản hóa cùng đồng chí Ngô Gia Tự-Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ bấy giờ.

Khi tiếp cận các tài liệu cũng như gặp gỡ, trò chuyện với bà Nguyễn Thị Minh Hậu (tên khi hoạt động cách mạng là Nguyễn Thị Bích Thuận)-người bạn đời, cũng là người đồng chí thân thiết của đồng chí Lê Văn Lương, chúng tôi được biết: Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, theo chủ trương của Đảng, đồng chí Ngô Gia Tự trực tiếp tổ chức và đứng giảng ở các lớp huấn luyện đảng viên. Được nghe đồng chí Ngô Gia Tự nói về việc Pháp xâm lược nước ta, áp bức, bóc lột đồng bào ta; về nhiệm vụ của Đảng và việc đồng thời xây dựng Đảng phải xây dựng các hội quần chúng, đồng chí Lê Văn Lương như “bắt được luồng gió mới”. Ông kể với vợ: “Ở lớp học của anh Ngô Gia Tự, lần đầu tiên mình được học lý luận và đường lối cách mạng. Điều đó làm cho mình thích thú, thích thú đến mừng rỡ, như người từ trong bóng tối lâu ngày bỗng tìm được ánh sáng. Vang mãi lời anh Ngô Gia Tự căn dặn: “Các đồng chí cần nhớ: Làm cách mạng thì phải có hy sinh. Chúng ta phải vững vàng, kiên định, không bao giờ lùi bước...”.

Như nhiều vị tiền bối cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương cũng từng bị kẻ thù kết án tử hình. Nhưng do không đủ chứng cứ, chúng phải giảm án xuống chung thân và đày đồng chí ra Côn Đảo. Bị giam cầm trong nhà lao đế quốc, chịu đủ mọi cực hình tra tấn, nhưng đồng chí vẫn tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ nhà tù, cùng các đảng viên lãnh đạo đấu tranh chống kẻ thù. Dưới đòn roi tra tấn khắc nghiệt, tàn bạo, người đảng viên kiên trung ấy vẫn không nao núng tinh thần và tiếp tục bằng mọi biện pháp có thể, truyền lý tưởng cho những người bạn tù. Sau này, trên các lĩnh vực, cương vị công tác, đồng chí Lê Văn Lương luôn tâm niệm và khắc sâu những điều được trao truyền từ “lớp học Ngô Gia Tự” năm nào để giữ vững ngọn lửa và khí tiết cách mạng, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

leftcenterrightdel
  Khúc hát ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Ảnh: TUẤN HUY

“Nhóm thanh niên sông Bồ” đến với Đảng

Đây là câu chuyện do đồng chí Hoàng Anh (1912-2016), nguyên Phó thủ tướng Chính phủ kể cho chúng tôi nghe lúc sinh thời. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nên ông chỉ được học hết bậc tiểu học. Chứng kiến cảnh bất công diễn ra hằng ngày trong xã hội đã nhen nhóm trong tâm trí cậu học trò nghèo Hoàng Anh tinh thần yêu nước, căm thù quân xâm lược. Từ đầu năm 1933, Hoàng Anh cùng với “Nhóm thanh niên sông Bồ” đã tích cực, hăng hái tham gia nhiều hoạt động yêu nước, lãnh đạo nông dân đấu tranh chống hãng dầu tràm F.I.A của Pháp muốn độc chiếm vùng đồi núi Phò Ninh để trồng cây tràm; đấu tranh chống cường hào chiếm ruộng đất công; chống việc cấp điền thổ không công bằng; tham gia hoạt động cứu đói trong tỉnh; chống các hủ tục, mê tín dị đoan, góp phần bảo vệ tình đoàn kết của bà con trong họ tộc...

“Nhóm thanh niên sông Bồ” ban đầu chỉ có 4, 5 người bạn thân thiết, dần dà đã có hàng chục thanh niên tình nguyện tham gia. “Lúc này, chúng tôi chưa có ý thức đứng ra thành lập tổ chức cách mạng, nhưng cũng biết muốn cứu nước phải có nhiều người đồng chí, đồng tâm. Bằng nhiều hình thức mở rộng giao du với thanh niên các nơi như đá bóng, đánh đàn, tập võ... chúng tôi đã tập hợp được khá nhiều thanh niên ở các huyện khác có cùng chí hướng, thiết tha được tham gia cứu nước”-đồng chí Hoàng Anh cho biết.

“Nhóm thanh niên sông Bồ” còn gặp các nhân sĩ, trí thức, nghe họ nói chuyện thời thế, rồi tìm đọc một số sách báo tiếng Pháp. Từ đây, họ biết được phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân Pháp lúc bấy giờ đang sôi sục. Đồng chí Hoàng Anh kể: “Chúng tôi được anh Hải Triều, Phan Khôi giới thiệu mấy tờ báo tiếng Pháp nói về nước Nga Xô viết. Thế là bắt đầu biết đến đất nước của Cách mạng Tháng Mười. Cuối năm 1936, chúng tôi mua được mấy tờ “Lao động” (Le Travail), “Tập hợp” (Rassemblement) và Báo “Nhành Lúa”. Đọc kỹ những tờ báo nói trên, đọc những khẩu hiệu “Ban hành quyền tự do dân chủ”, “tự do ngôn luận”, “tự do hội họp”, “đại xá chính trị phạm”... chúng tôi thấy nhiều điều mới lạ đang xảy ra trong nước ta mà chúng tôi không hay biết. Phong trào đấu tranh cách mạng đang sôi sục trên thế giới và nhiều địa phương trong cả nước. Chúng tôi nghĩ, người chủ trì những tờ báo tiến bộ nói trên phải là người cách mạng và tài giỏi mới viết, dám viết như thế. Gặp được họ, chúng tôi có thể gặp được Đảng!”.

Để đi tìm lời giải cho câu hỏi: “Đảng đang hoạt động mạnh mẽ ở đâu?” và với quyết tâm đi tìm Đảng, Hoàng Anh cùng các đồng chí của mình càng hoạt động tích cực hơn. Và khi lần đầu tiên được nghe những người từng bị bắt, bị tù vì hoạt động cứu nước, cứu dân giải thích, trình bày về công tác cách mạng, họ như muốn nuốt từng lời và tin tưởng là mình đã tìm được những người dìu dắt trên con đường cách mạng. “Chúng tôi đã phấn khởi hứa với các anh, khi về địa phương sẽ cố gắng làm theo những lời các anh chỉ bảo. Niềm tin theo Đảng, theo cách mạng đã rực cháy trong tôi từ những ngày ấy cho đến tận bây giờ, khi đã ngoài bách niên”-nguyên Phó thủ tướng Hoàng Anh khẳng định.

SONG THANH