Mở đầu câu chuyện, ông Định chia sẻ: “Tôi sinh năm 1955, ở xã Ỷ La, thị xã Tuyên Quang. Tháng 8-1973, tôi lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 89 huấn luyện tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tháng 2-1974, tôi được bổ sung vào Trung đoàn 25 thuộc Mặt trận Tây Nguyên (B3) trực tiếp chiến đấu. 3 tháng sau, tôi cùng đơn vị tham gia trận đánh ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Khi đó, Trung đội 3, Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 25 của tôi nhận lệnh áp sát hàng rào cứ điểm chờ hiệu lệnh tấn công. Khi có lệnh nổ súng, quân ta từ các hướng xông lên phía trước. Lô cốt đầu cầu cứ điểm của địch nhả đạn như mưa. Tôi vác khẩu B40 trên vai, ngắm thẳng mục tiêu, siết cò. Ngay phát đạn đầu tiên, tôi đã bắn tiêu diệt được lô cốt này. Sau đó, tôi còn “xóa sổ” nhiều cụm hỏa lực mạnh của địch. Quân ta đồng loạt xung phong tấn công tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn cứ điểm, bắt sống nhiều tù binh địch. Ngay sau trận đánh này, tôi được cấp trên tặng danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng”.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Trần Văn Định (bên phải) cùng đồng đội.  

Đầu tháng 4-1975, Trung đoàn 25 trong đội hình Sư đoàn 3 được tăng cường cho Quân đoàn 2 tiến công sân bay Thành Sơn (Phan Rang, Ninh Thuận). Thời tiết những ngày ấy trời nắng như giội lửa, ông Định cùng đồng đội nằm trên cát nóng, cộng với quân địch phát hiện quân ta bao vây bên ngoài hàng rào nên dùng hỏa lực bắn phá ác liệt. Tiểu đoàn 2 nằm ém quân ngoài hàng rào sân bay được hơn một ngày thì hết nước dự trữ.

Ông Định kể: “Anh em phải đào cát tìm nước, nhổ các bụi cây nhai rễ cho đỡ khát. Mọi người miệng đắng, môi rộp, bỏng rát, mắt như muốn nổ con ngươi, hơi thở khó nhọc. Một buổi tối trung tuần tháng 4-1975, tôi và đồng chí Bùi Văn Thơm được lệnh đi tìm nước cho đơn vị. Chúng tôi phải bò dưới làn đạn pháo để quay lại hướng Bác Ái. Rất may, chúng tôi tìm được dòng suối cạn, thay nhau đào bới đến chảy máu tay lấy được 3 bao con rùa (dụng cụ lấy nước của quân địch), hai bi đông và một áo mưa bọc nước đưa về đơn vị”.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Trần Văn Định (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội.   

Hôm đó, trên đường về, ông Định và ông Thơm gặp một số đồng đội của Tiểu đoàn 1 cáng thương binh về tuyến sau. Mọi người đều trong tình trạng “khát cháy”, kiệt sức. Hai ông đã tặng toàn bộ nước để cứu thương binh và anh em khiêng cáng rồi quay lại chỗ cũ lấy nước đến 3 giờ sáng hôm sau mới đưa được nước về đến đơn vị. Tất cả anh em trong đơn vị được tiếp nước như hồi sinh... Sáng hôm ấy, toàn đơn vị được lệnh đánh vào sân bay Thành Sơn và giành thắng lợi. Sau trận đánh này, ông Định tiếp tục được cấp trên tặng danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng.

Đó là hai kỷ niệm khó quên trong những ngày chiến đấu gian khổ của ông Trần Văn Định. Trung tá Vũ Khắc Minh, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, người chỉ huy trực tiếp của ông Định qua nhiều trận chiến, đã tự hào nói về đồng đội của mình: “Đồng chí Trần Văn Định trông bề ngoài rất hiền, ít nói, nhưng trong chiến đấu lại gan dạ, dũng cảm, không sợ hy sinh, gian khổ, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Bài và ảnh: TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG