Khi tôi liên hệ với Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng để tìm hiểu về những tấm gương điển hình của ngành điều tra hình sự Quân đội trong thời kỳ đất nước đổi mới thì được lãnh đạo, chỉ huy Cục giới thiệu về Đại tá Lê Văn Lam, nguyên Giám thị Trại giam quân sự khu vực miền Bắc, hiện đã nghỉ hưu tại tổ 1, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tôi điện thoại liên hệ với Đại tá Lê Văn Lam để gặp anh trò chuyện. Anh nhận lời và bảo: “Chúng ta gặp nhau ở Trại giam quân sự khu vực miền Bắc nhé, ở đó nhà báo “thực mục sở thị” luôn những kết quả mà tập thể Trại làm được. Tôi nghỉ hưu từ năm 2021, gần hai năm rồi nên cũng muốn trở lại đơn vị thăm anh em”.        

Vậy là tôi theo xe đoàn công tác của Cục Điều tra hình sự đến Trại giam quân sự khu vực miền Bắc. Đi theo Đường Hồ Chí Minh, rồi đi tiếp những con đường đồi núi quanh co mới tới Trại. Đại tá Lê Văn Lam cũng tự lái xe đến đơn vị chờ sẵn. Nghe tôi kể về hành trình đi đường, anh Lam bảo: “Bây giờ đi lại thuận tiện nhiều rồi, trước đây vùng này heo hút, hoang sơ lắm, cán bộ về nhận công tác đều rất ngại. Nay kinh tế, xã hội ở địa phương phát triển, doanh trại đơn vị được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống của cán bộ giám thị, quản giáo, nhân viên được cải thiện. Nhiều cán bộ, nhân viên đã xây dựng gia đình với người địa phương, gắn bó với vùng đất này...”.

leftcenterrightdel
 Đại tá Lê Văn Lam (bên trái) trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: THÁI OANH

Theo hồi tưởng của Đại tá Lê Văn Lam, tôi hình dung về quá trình công tác của anh gắn với những giai đoạn xây dựng và phát triển của Trại giam quân sự khu vực miền Bắc.

Tháng 8-1988, anh Lam tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị. Ra trường, anh được phân công công tác tại Ban Điều tra hình sự, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Lúc này, Sư đoàn vừa trở lại đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn phức tạp, Sư đoàn 10 nhận lệnh của trên đã cử nhiều đoàn công tác đến các thôn, bản làm công tác dân vận, xây dựng địa bàn. Là sĩ quan trẻ, Lê Văn Lam nhiệt tình công tác, tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc. Hơn 15 năm gắn bó với đơn vị, công tác ở Tây Nguyên, phần thưởng với anh là tấm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thành tích điều tra, phá án. Tháng 7-2004, Trung tá Lê Văn Lam được Bộ Quốc phòng điều động về công tác tại Trại giam T974 (nay là Trại giam quân sự khu vực miền Bắc), thuộc Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng và được bổ nhiệm Phó giám thị về Chính trị Trại giam T974.

“Tôi sinh năm 1963, quê ở xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Phấn khởi là được Bộ điều động về công tác ở đơn vị gần nhà, thế nhưng vừa đặt ba lô ở Trại, tôi đã thấy nản, bởi khung cảnh hoang sơ, cỏ tranh, cỏ dại mọc lút đầu người. Doanh trại toàn nhà cấp 4 cũ kỹ, xuống cấp. Tôi ở căn phòng ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thì bao nhiêu xô, chậu đều phải đem ra hứng nước! Nhưng vất vả nhất là về mặt tâm lý. Về gần nhà mà có khi 5-6 tháng chưa được đi tranh thủ, khiến vợ con cũng thắc mắc, có khi còn dỗi, bảo: “Cứ biền biệt ở Tây Nguyên còn hơn!”, Đại tá Lê Văn Lam tâm sự.

“Phải bắt đầu từ tổ chức lãnh đạo, cải thiện đời sống của cán bộ, nhân viên, làm cho mọi người yêu mến đơn vị, yên tâm công tác, đó là suy nghĩ đầu tiên của tôi” - anh Lam tiếp tục câu chuyện - “Năm 2005, tôi được bổ nhiệm Chính trị viên và Chi ủy bầu làm Bí thư Chi bộ của Trại. Tôi bàn với đồng chí giám thị và tập thể chi bộ xác định nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Trước hết là huy động các nguồn lực tại chỗ, đẩy mạnh lao động, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống bộ đội.

Phát huy lợi thế đất rộng, Trại liên hệ với địa phương tham gia trồng cây nguyên liệu như mía, dứa; trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ, một mặt cải tạo môi trường, mặt khác tạo ra giá trị kinh tế lâu dài. Tôi cùng Ban chỉ huy Trại đề nghị trên quy hoạch lại tổng thể doanh trại, đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp doanh trại; xây dựng hàng rào và các công trình phụ trợ nhằm bảo đảm an toàn. Đến năm 2006, diện mạo của Trại giam T974 đã thay đổi hẳn, khu giam giữ phạm nhân đã được củng cố; hình thành khu tăng gia sản xuất, chăn nuôi tập trung, từng bước bảo đảm lương thực, thực phẩm, không phải mua ngoài chợ”.

Thời gian này, doanh trại chưa bảo đảm chính quy vì có con đường dân sinh đi qua đơn vị. Nhận thấy điều đó, Ban chỉ huy Trại giam T974 báo cáo, xin ý kiến Cục Điều tra hình sự để liên hệ với địa phương mở con đường đi vòng bên ngoài doanh trại, nhằm bảo đảm an toàn đơn vị và giúp nhân dân đi lại thuận tiện hơn.

leftcenterrightdel

Đại tá Lê Văn Lam. Ảnh: THÁI OANH 

“Được trên đồng ý, nhưng việc thực hiện gặp nhiều khó khăn” - anh Lam kể - “Đầu năm 2009, sau khi cơ quan chức năng phê duyệt dự án đầu tư làm đường, tôi đến liên hệ với lãnh đạo xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), nhưng xã không giải quyết vì không có thẩm quyền chuyển đổi đất đồi rừng sang làm đường giao thông. Tôi lại lên tỉnh để làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa. Rồi đến làm việc với cơ quan chức năng của huyện Vĩnh Lộc. Được sự phê duyệt của tỉnh và huyện, tôi trở lại làm việc với xã, các đồng chí ở xã vẫn chưa đồng ý với lý do “mất đất của dân”.

Vậy là tôi cùng với anh em đơn vị đến từng nhà dân vận động, thuyết phục các đồng chí lãnh đạo xã. Cuối cùng, chính quyền và nhân dân chấp thuận. Sau khi hoàn thành các thủ tục và đền bù giải phóng mặt bằng, năm 2012, Trại tổ chức khởi công xây dựng và hoàn thành con đường đổ bê tông dài 1,3km, rộng 7m. Từ đó, nhân dân đi lại thuận tiện và không còn phải đi qua đơn vị nữa. Từ việc vận động cán bộ, nhân dân để làm đường, chúng tôi còn đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác dân vận, xây dựng vành đai an toàn với các địa phương xung quanh”.

Từ năm 2014, Trại giam T974 được nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng mới nhà chỉ huy, nhà ở cơ quan và đổi tên thành Trại giam quân sự khu vực miền Bắc. Đại tá Lê Văn Lam được bổ nhiệm Giám thị. Là người chỉ huy đứng đầu đơn vị, anh đã suy nghĩ, cùng tập thể Ban chỉ huy Trại tìm các biện pháp tiếp tục xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và tạo sự phát triển đột phá trong thực hiện nhiệm vụ. Anh thống nhất trong chỉ huy thành lập các tổ lao động, cải tạo phạm nhân, như: Mộc, cơ khí, xây dựng, thủ công, may, trồng trọt, chăn nuôi...

Chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, anh liên hệ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đưa chuyên gia về hướng dẫn; nhờ thợ lành nghề ở các hợp tác xã thủ công, doanh nghiệp trên địa bàn về hướng dẫn nghề may, cơ khí, mộc, thủ công mỹ nghệ... Từ đó, phạm nhân không chỉ lao động cải tạo đơn thuần mà còn được học thêm nghề để khi hết hạn tù trở về địa phương dễ tìm việc kiếm sống, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Qua việc lao động cải tạo, đơn vị có nguồn thu, mua sắm bổ sung cơ sở vật chất; đời sống cán bộ, nhân viên cải thiện. Trại còn trích một phần sản phẩm phục vụ phạm nhân, làm cho phạm nhân thấy được thành quả lao động, yên tâm cải tạo tốt, phấn đấu để những đợt xét duyệt được giảm án tù giam...

leftcenterrightdel
Đại tá Lê Văn Lam. Ảnh: THÁI OANH 

Từ một trại giam hoang vu, cơ sở vật chất xuống cấp, đến nay, Trại giam quân sự khu vực miền Bắc có cơ sở hạ tầng đồng bộ; khuôn viên vườn hoa, cây cảnh đẹp như công viên. Khi đời sống cán bộ, nhân viên ổn định và ngày càng cải thiện, Đại tá Lê Văn Lam bàn bạc và thống nhất trong chỉ huy quan tâm thực hiện chính sách hậu phương Quân đội, công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn. 5 năm (2015-2020), Trại giam quân sự khu vực miền Bắc đã góp công, kinh phí xây dựng 7 ngôi nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách ở các xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lộc); Thành Long, Thành Tiến (huyện Thạch Thành); xây dựng Trạm quân-dân y kết hợp ở xã Thành Long...

Những năm gần đây, cán bộ giám thị, quản giáo khi được phân công về Trại công tác không còn e ngại mà rất phấn khởi, yên tâm làm nhiệm vụ. Thượng tá Nguyễn Ngọc Hà, Giám thị Trại giam quân sự khu vực miền Bắc nhận xét: “Những thành quả mà Đại tá Lê Văn Lam để lại cho đơn vị là rất đáng trân trọng, chúng tôi thuộc lớp cán bộ sau, phải nỗ lực để phát huy và phát triển tốt hơn. Tấm gương của Giám thị Lê Văn Lam không chỉ để cán bộ giám thị, quản giáo chúng tôi noi theo mà còn góp phần cảm hóa phạm nhân, nhất là những phạm nhân có án giam giữ thời gian dài, án nghiêm trọng và phức tạp...”.

Giữ các cương vị chủ chốt của đơn vị, từ năm 2010 đến năm 2020, Đại tá Lê Văn Lam có 4 năm được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng 3 bằng khen. Về nghỉ hưu tại địa phương, anh luôn giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật Nhà nước và được nhân dân khu phố yêu mến, tin tưởng.

XUÂN GIANG