Tháng 9-1989, đoàn học viên chúng tôi gồm 16 người được cử sang học tập, nghiên cứu tại Trường Đảng cao cấp Moscow (Liên Xô), trong đó có Ngô Tùng Chinh. Đến trường, đang sắp xếp, ổn định chỗ ở, tôi thấy anh Chinh lấy từ trong va li ra một bức tranh thêu đã nhuốm màu thời gian, phía góc tranh có ghi tên Ngô Văn Kỳ. Anh bảo đây là kỷ vật của những ngày tháng “gian lao mà anh dũng” trong cuộc đời anh.

Anh Ngô Tùng Chinh sinh năm 1953 ở Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, là con út trong gia đình có 8 anh chị em nên anh thường được gọi là Út Chinh. Ngoài tên chính thức Ngô Tùng Chinh, anh còn có 3 bí danh khác (Bé Đi, Út Giang, Ngô Văn Kỳ). Năm 12 tuổi, Bé Đi đã tham gia hoạt động giao liên, vận chuyển vũ khí, kíp nổ cho chiến sĩ biệt động thành đánh địch. Từ năm 1967 đến 1969, anh nhận giữ kho vũ khí của lực lượng biệt động thành và vận chuyển 20 đợt gồm vũ khí, chất nổ, dây cháy chậm, lựu đạn... trót lọt qua những trạm gác của địch. Cũng trong thời gian đó, anh trực tiếp cùng với các chiến sĩ biệt động đánh vào các vị trí quan trọng của quân Mỹ, ngụy gây tiếng vang lớn. Anh còn vận động, xây dựng 5 cơ sở cách mạng làm nơi hội họp, làm giấy tờ giả, cất giấu vũ khí, che giấu cán bộ, bồi dưỡng các em 11-12 tuổi làm nhiệm vụ giao liên, vận chuyển vũ khí...

Năm 1969, khi đang vận chuyển chất nổ vào nội đô Sài Gòn thì anh bị địch bắt, giam tại khám Chí Hòa. Ở đây, với bí danh Ngô Văn Kỳ, anh bị địch tra tấn, đánh đập vô cùng dã man, để lại nhiều thương tích cho đến ngày nay. Tuy nhiên, chúng không khai thác được thông tin gì từ anh. Đặc biệt, khi ra tòa, bị địch thẩm vấn, tuy nhỏ tuổi nhưng anh vẫn thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù. Anh bị kết án 10 năm tù khổ sai, 5 năm lưu đày biệt xứ. Những ngày ở tù, anh chịu khó học văn hóa, học vẽ, học thêu, bồi dưỡng kiến thức chính trị qua các bác, các chú, các anh, chị... Ngày 15-3-1971, Chi bộ khám Chí Hòa đã kết nạp anh vào Đảng.

leftcenterrightdel
 Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Tùng Chinh (ở giữa) trò chuyện với đồng đội. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đầu năm 1971, địch cho thành lập Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt (còn gọi là Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt). Thực chất đây là nơi thu gom, giam giữ thiếu nhi từ 17 tuổi trở xuống trong khắp các nhà tù miền Nam, nhằm “bóp chết” các chiến sĩ cách mạng tương lai từ trong “trứng nước”. Ở đây, Ngô Văn Kỳ đã cùng các anh chị em bàn về phương án đấu tranh, tìm ra những nhân tố cốt cán, cùng với những đảng viên-lãnh đạo chủ chốt xây dựng phong trào, đứng lên đấu tranh, làm chủ nhà lao. Sau Hiệp định Paris năm 1973, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đóng cửa. Thoát khỏi nhà lao, anh Kỳ tiếp tục hoạt động cách mạng.

Sau ngày miền Nam giải phóng, anh Ngô Tùng Chinh công tác ở Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, rồi chuyển công tác, đảm nhận nhiều vị trí, chức vụ khác nhau. Năm 1991, trước biến động chính trị ở Liên Xô, Ngô Tùng Chinh về nước, được sắp xếp làm ở các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Năm 2000, anh chuyển sang công tác ở Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương. Trước khi về hưu, anh là Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam của Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương.

leftcenterrightdel

Ông Ngô Tùng Chinh phát biểu trong ngày gặp mặt bạn học. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 2009, anh Ngô Tùng Chinh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Về hưu, song vốn là người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh nhận 3ha đất ngập nước, sình lầy, hẻo lánh, cách xa trung tâm, lại thuộc xã nghèo nhất của huyện Thủ Đức, để cải tạo, xây dựng thành khu vui chơi giải trí mang tên Khu du lịch sinh thái Song Long, ở số 10, đường D1 thuộc phường Long Phước, quận 9, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Định hướng hoạt động của Khu du lịch sinh thái Song Long là phục vụ công nhân, người lao động, gia đình, con em họ ở Khu công nghệ cao Thủ Đức.

Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian gần đây, Khu du lịch sinh thái Song Long trở thành một trong những địa điểm lý tưởng của khách du lịch tại TP Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Từ nguồn thu dịch vụ, du lịch, anh Ngô Tùng Chinh đã trích một phần đóng góp làm đường giao thông dân sinh; làm từ thiện... Là Chủ tịch Quỹ Ấm áp nghĩa tình đồng đội, anh Ngô Tùng Chinh còn tích cực vận động, kết nối để tri ân, chăm sóc, thăm hỏi, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình đồng chí, đồng đội...

VŨ NGỌC LÂN