Tuổi trẻ là để cống hiến!

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở đường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, vợ chồng GS Nguyễn Văn Nguyên-Nguyễn Thị Minh Việt bồi hồi nhớ lại kỷ niệm những ngày mới quen nhau. Năm 1968, khi cô sinh viên Minh Việt bước vào năm học thứ ba ở Trường Đại học Y Hà Nội thì gặp thầy Nguyên trong thời gian trường sơ tán tại xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Thời gian ấy, thầy Nguyên mới tốt nghiệp và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường.

Ngay từ lần đầu gặp mặt, thầy Nguyên đã cảm mến cô sinh viên hiền lành, thùy mị. Minh Việt khi ấy mới ngoài 20 tuổi, chưa yêu chàng trai nào, thế nên khi thầy Nguyên lấy “cớ” họp đồng hương Phú Thọ để được gặp mặt, cô vẫn ngây thơ chẳng hiểu gì. Thấy bạn bè hay gán ghép, trêu đùa nên mỗi lần đi qua khu lán của các thầy, Minh Việt thường ngại ngùng, bước rất nhanh. Lâu dần, Minh Việt cũng để ý đến thầy Nguyên hơn qua những lần thầy trò cùng nhau lao động, xây dựng khu sơ tán hay những giờ giảng của thầy. Khi hai người “tình trong như đã...” thì xảy ra chuyện phức tạp chẳng ngờ...

Năm 1969, khi trường từ nơi sơ tán trở về Hà Nội, thầy Nguyên đến thăm mẹ và anh chị em của Minh Việt. Ban đầu, thầy rất được lòng mọi người trong gia đình Minh Việt bởi bản tính hiền lành, chu đáo. Nhưng khi biết hai người yêu nhau thì mẹ Minh Việt phản đối gay gắt. Bởi cụ cho rằng, giữa hai người là tình thầy trò, khi thành vợ chồng sẽ có lúc xung đột, bất đồng, lúc đó sẽ không giữ được đạo thầy-trò nữa. Một phần cụ cũng tin vào tướng số, cụ cho rằng hai người không hợp tuổi, con gái lấy thầy Nguyên sẽ khổ. Cụ còn viết thư cho thủ trưởng của thầy Nguyên tới mức hai người phải dừng lại, tưởng không thành.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà Minh Việt chia sẻ: “Chúng tôi đã quyết định chia tay nhau bởi nghĩ sẽ không vượt qua được sự ngăn cản của gia đình, nhất là mẹ tôi. Cụ là một người rất nghiêm khắc và phong kiến. 11 anh chị em tôi, không ai dám cãi lời mẹ. Nhưng rồi có lẽ do ràng buộc của số phận mà chúng tôi lại đến với nhau. Khi tôi đã thành vợ của anh Nguyên, mẹ lại là người vun vén và hỗ trợ rất nhiều cho chúng tôi trong những giai đoạn khó khăn nhất”.

Sau khi chia tay nhau được mấy năm, là cán bộ giảng dạy ở Trường Trung cấp Quân y 1 (nay là Trường Cao đẳng Hậu cần 1, Tổng cục Hậu cần), dù đã bước vào tuổi 27 nhưng Minh Việt vẫn chẳng đến với ai, phần vì không nghĩ đến chuyện yêu đương, phần vì muốn có điều kiện chăm sóc mẹ già.

leftcenterrightdel
 

Vợ chồng Giáo sư Nguyễn Văn Nguyên tại nhà riêng. Ảnh: THỦY TIÊN

Bỗng một ngày năm 1972, vừa xuống lớp về thì Minh Việt được cô bạn đồng nghiệp báo tin có khách đến thăm. Cô ngờ vực không tin bởi không hề cho ai biết địa chỉ nơi mình làm việc. Rồi cô sững người khi nhìn thấy thầy Nguyên. Thầy Nguyên nói mình đã nhập ngũ, muốn lên gặp Minh Việt để chào từ biệt trước khi đi B. Minh Việt đón nhận tin ấy với vẻ điềm tĩnh vốn có nhưng trong lòng thì thấy thương thầy Nguyên lắm. Cô nghĩ: “Chắc hẳn sẽ chẳng còn ai đến với anh nữa”, rồi nói: “Khi chiến trường cần thì phải đi. Tuổi trẻ chính là để cống hiến. Em sẽ chờ anh trở về!”.

Cùng đóng góp cho xã hội

Ông Nguyên đã giữ lời hẹn ước với bà Việt để quyết tâm lên đường, nhưng rồi do tổ chức quyết định mà ông ở lại hậu phương công tác. Sau đó, hai người đã phải trải qua thời gian dài thuyết phục gia đình hai bên để có thể đến với nhau. Năm 1974, ông Nguyên được điều về Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) công tác. Năm 1975, ông bà kết hôn. Đám cưới được tổ chức rất đơn giản, chỉ gồm bánh kẹo, trà nước, nhưng được các chị gái của bà Việt đứng ra tổ chức rất chu đáo.

Bà nói sau đám cưới là quãng thời gian vô cùng khó khăn. Nhà không có, hai ông bà cứ chở chăn gối đi ở nhờ các chị của bà mỗi người vài tuần. Hằng ngày, bà vẫn làm việc ở Sơn Tây, ông thì ở trường tại Hà Đông. Hầu như cuối tuần họ mới gặp nhau, lại luôn sống trong cảnh phải ở nhờ. Thế nhưng, họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời và tập trung hết mình cho công việc chuyên môn.

GS Nguyễn Văn Nguyên kể rằng, từ ngày thành gia thất, bà trở thành người hậu thuẫn rất quan trọng trong sự nghiệp của ông. Cưới xong, năm 1976, ông được cử đi nghiên cứu sinh ở Cộng hòa dân chủ Đức, bà viết thư khuyên ông phải cần mẫn và hết lòng với công việc học tập, không phải lo lắng gì cho bà ở nhà. Năm 1980, bảo vệ xong luận án tiến sĩ, ông trở lại Đại học Quân y công tác, bà luôn khuyên ông phải chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác nghiên cứu.

Do chồng bận công tác, bà Việt gánh vác hoàn toàn công việc gia đình. Bà thường nói với mọi người rằng: Muốn giữ cho xã hội một người thông minh nên luôn ủng hộ ông, dù có chịu bao nhiêu vất vả. “Những năm bao cấp, có lúc một mình tôi nuôi 100 con gà to, 200 con gà úm, với 2 con lợn và 2 đứa con. Ông Nguyên chỉ có việc sáng đi tối về và dành tâm huyết cho các hoạt động khoa học”, bà Minh Việt nói vui. Sau này, các đề tài nghiên cứu về thuốc trừ sâu, chất độc thần kinh hay về hậu quả lâu dài của chất độc da cam/dioxin đến sức khỏe con người tại các sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định)... của ông và các đồng sự đều được đánh giá xuất sắc và có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. GS Nguyên bảo rằng, những thành công ấy ông có được là nhờ người vợ tảo tần, đảm đang, lo lắng mọi việc hậu phương và động viên, thông cảm cho công việc của chồng. “Làm nghiên cứu đôi khi chẳng thể chủ động được thời gian, có lúc phải làm việc ban đêm, rồi phải ở lại cơ quan hàng tuần, lại có những chuyến công tác hàng tháng. Phải cáng đáng mọi việc trong nhà nhưng chưa khi nào bà ấy kêu than hay cằn nhằn!”-GS Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ.

leftcenterrightdel

Gia đình hạnh phúc của Giáo sư Nguyễn Văn Nguyên. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Năm 1991, đang là Trưởng phòng Xét nghiệm hóa sinh, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, để chồng yên tâm công tác, bà Minh Việt xin về hưu sớm khi mới 46 tuổi để chăm sóc gia đình. Và rồi, khi các con trưởng thành, cơ duyên khiến bà quay trở lại làm việc. Bà được mời làm chuyên gia dinh dưỡng của Công ty TNHH P. Dussmann Việt Nam, hợp tác với Bệnh viện Chợ Rẫy về dịch vụ ăn uống, bữa ăn định chuẩn cho bệnh nhân, ăn theo bệnh lý. Đặc biệt, với vai trò là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng y sinh học miền núi và dân tộc, mà ông Nguyên là cố vấn, bà đã ký được dự án hợp tác với Đại học Illinois (Hoa Kỳ) cung cấp sản phẩm đậu tương dinh dưỡng bữa ăn trưa học đường cho 2.000 học sinh của 6 trường tiểu học thuộc tỉnh Hòa Bình trong một năm. Tiếp theo, bà lại xin được dự án của một trường đại học ở Singapore phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch với hai đợt mổ được hơn 100 cháu cho kết quả tốt đẹp... Bà Minh Việt cho biết, vì về hưu khi còn sức khỏe, bà muốn cùng ông đóng góp thật nhiều cho xã hội bằng những hoạt động thiện nguyện của mình.

Hiện nay, hai người con gái của ông bà là chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh, thạc sĩ kinh tế đào tạo ở Australia và chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa ở Nhật Bản, đều làm việc, sinh sống ở nước ngoài, có gia đình riêng hạnh phúc và thành đạt. Với GS Nguyễn Văn Nguyên, niềm hạnh phúc lớn lao của ông là luôn có người vợ tào khang Nguyễn Thị Minh Việt đồng hành trong cuộc đời!

THU THỦY