Được Bác Hồ ký “Lời đề tựa”

Tham quan Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, chúng tôi được hướng dẫn viên trẻ Đoàn Cẩm Tú với giọng xứ Nghệ trầm ấm giới thiệu: “Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tọa lạc trong khu vực Nhà lao Vinh trước đây; hiện lưu giữ, trưng bày và giới thiệu toàn bộ tiến trình của Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931. Trong khuôn viên Bảo tàng rộng hơn 15.000m2 còn có hai công trình văn hóa rất linh thiêng là: Đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Vinh và nhà tưởng niệm gần 2.000 liệt sĩ trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh...”.

Năm 1960, để ghi nhớ công lao của các chiến sĩ đã hy sinh trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và tôn vinh giá trị di sản văn hóa, cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã quyết định xây dựng Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Sau 3 năm xây dựng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhân kỷ niệm 33 năm Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (12-9-1930 / 12-9-1963), Bảo tàng chính thức khánh thành, mở cửa đón khách tham quan, nghiên cứu và giáo dục truyền thống...

leftcenterrightdel
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký "Lời đề tựa” tặng Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, ngày 3-2-1964. Ảnh tư liệu

Cán bộ, nhân viên Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh rất tự hào vì được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký “Lời đề tựa”. Bà Trần Thị Hồng Nhung, Phó giám đốc Bảo tàng kể: “Lúc 14 giờ ngày 3-2-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng ký “Lời đề tựa” tặng Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Điều đó đã nói lên tầm vóc lịch sử vĩ đại của phong trào và vai trò quan trọng của Bảo tàng với “sứ mệnh lịch sử” trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị của Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Hiện nay, Bảo tàng lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập hiện vật: Bức ảnh Bác Hồ đang ký “Lời đề tựa”, bản thảo có bút tích của Bác, hai bản thử chữ ký, bút lông, viên mực Tàu, lọ đựng mực, đĩa đựng mực. Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh là một trong hai bảo tàng vinh dự được Bác Hồ ký “Lời đề tựa”, trước đó là Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), Bác ký ngày 5-1-1959. Cùng với đó, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đang lưu giữ và trưng bày hơn 16.000 tài liệu, hiện vật các loại, trong đó có hơn 3.500 hiện vật gốc, 4.000 phim ảnh tư liệu có giá trị, gần 6.000 bộ hồ sơ cá nhân của các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh bị tù đày; hơn 2.500 trang tài liệu tiếng Pháp, hơn 100 hồi ký của các cán bộ lão thành cách mạng và một số lượng di sản văn hóa phi vật thể như thơ ca, hò vè trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh, phim ảnh, nhạc phẩm về Xô viết Nghệ Tĩnh, băng ghi âm lời phát biểu của các nhân chứng...”.

leftcenterrightdel

"Lời đề tựa" của Bác Hồ. Ảnh chụp lại 

Xứng danh Nghệ Tĩnh “đỏ”

Trong dòng chảy lịch sử-văn hóa Việt Nam, xứ Nghệ mang dấu ấn nổi trội bởi khí chất của con người và vùng đất nơi đây. Nói đến Nghệ Tĩnh là người ta nghĩ ngay đến những con người can trường, tiên phong trong các cuộc cách mạng. Khi nói về Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ”.

Vừa dẫn chúng tôi tham quan các hiện vật, hướng dẫn viên Đoàn Cẩm Tú vừa giới thiệu những “làng đỏ” tiêu biểu trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đó là các làng thuộc tỉnh Nghệ An như: Ngọc Điền, Tiến Linh, Chi Nê (Hưng Nguyên); Thanh Hà, Võ Liệt (Thanh Chương); Phúc Thọ (Nghi Lộc); Ngọc Sơn (Đô Lương); Liên Thành (Yên Thành); Bến Thủy (TP Vinh); các làng thuộc tỉnh Hà Tĩnh như: Phù Việt (nay đã sáp nhập thành xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà); Hồng Lộc, Phù Lưu, Tân Lộc (Lộc Hà); Vĩnh Lộc (nay đã sáp nhập thành xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc); Sơn Châu (Hương Sơn); Phú Phong (Hương Khê); Gia Lách (Nghi Xuân); Kim Nặc (Cẩm Xuyên)...

leftcenterrightdel

 Hướng dẫn viên Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh giới thiệu hiện vật bảo tàng cho khách tham quan. Ảnh: THÁI KIÊN

Cùng với những “làng đỏ” còn có nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cộng sản như: Lê Mao, Lê Viết Thuật, Trần Hữu Thiều, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Đình Liễn, Võ Quế, Phạm Thị Dung, Phan Gần, Nguyễn Khiên Sức, Nguyễn Thị Nghĩa... trở thành biểu tượng bất tử của lòng dũng cảm và chí khí can trường của người dân xứ Nghệ.

Ở Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh còn lưu giữ nhiều hồ sơ của các cán bộ lão thành, đảng viên những năm đầu mới thành lập Đảng ta, trong đó có hồ sơ tù của đồng chí Võ Trọng Ân (1899-1997), nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính (nay là UBND) tỉnh Nghệ An. Người chiến sĩ cách mạng trung kiên Võ Trọng Ân quê ở làng Phù Xá, tổng Phù Long (nay là xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên) tỉnh Nghệ An. Năm 1927, đồng chí bị bắt và giam tại Nhà lao Vinh với tội danh đưa nhiều thanh niên xuất dương mà không được phép của chính quyền bảo hộ Pháp. Năm 1931, đồng chí một lần nữa sa vào tay giặc, bị kết án tù giam 3 năm và 2 năm bị quản thúc. Sau khi ra tù, năm 1940, đồng chí Võ Trọng Ân lại bị địch bắt và giam tại Nhà lao Vinh, sau đó bị khép án tù chung thân, đày vào ngục Kon Tum. Nhân sự kiện Nhật đảo chính Pháp, ngày 9-3-1945, các đảng viên cộng sản đồng loạt đấu tranh đòi giảm án, thả tự do cho tù nhân chính trị. Trong số những phạm nhân chính trị được tha có đồng chí Võ Trọng Ân...

leftcenterrightdel

Ban giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tặng quà các cháu học sinh tham gia chương trình trải nghiệm, năm 2023. Ảnh do Bảo tàng  Xô viết Nghệ Tĩnh cung cấp

Để giúp chúng tôi hiểu rõ hơn, sâu hơn về tư chất, khí phách của người con xứ Nghệ từng tham gia Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Phó giám đốc Trần Thị Hồng Nhung kết nối với gia đình các nhân chứng. Vì vậy, chúng tôi được trò chuyện với con trai cố lão thành cách mạng Võ Trọng Ân là Thiếu tướng Võ Trọng Thanh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. “Ông bà nội tôi có 3 người con (bố tôi, chú Võ Trọng Linh và cô Võ Thị Mận) đều được kết nạp Đảng trong những năm 1930-1931. Bố mẹ tôi sinh được 8 người con (3 trai, 5 gái), với tên gọi: Cần, Kiệm, Liêm, Thanh, Hòa, Bình, Minh, Thảo. Lúc sinh thời, bố tôi hay kể cho con cháu về kỷ niệm đặc biệt được gặp Bác Hồ. Đó là ngày 8-12-1961, bố tôi khi ấy là Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An cùng đồng chí Võ Thúc Đồng là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An trực tiếp ra sân bay Vinh đón Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ hai. Năm 1963, bố tôi được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu tại quê nhà. Sinh thời, bố tôi là người có lối sống giản dị, ham học, ham làm; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; làm việc nghiêm túc, thẳng thắn, quyết liệt, nói đi đôi với làm. Với thành tích xuất sắc trong hoạt động cách mạng, bố tôi được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác...”.

Trước khi chia tay, bà Lê Thu Hiền, Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cho hay, từ ngày 5 đến 12-9-2023, tại đây sẽ diễn ra chuỗi hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12-9-1930 / 12-9-2023). Bảo tàng tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tại nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nơi đây; giới thiệu chuyên đề “Nghệ Tĩnh “đỏ” trong trái tim Người”; Cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; tọa đàm giao lưu giữa các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng với các gia đình liệt sĩ tiêu biểu trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

NGUYỄN KIÊN THÁI