Dẫn chúng tôi đi tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình-nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng và nhiều sự kiện quan trọng khác, đồng chí Phan Thị Nguyệt, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa-người con của quê hương Kim Bình rưng rưng nước mắt khi nhớ về bố mình và những câu chuyện chị được bố kể lại. Chị Nguyệt xúc động chia sẻ: “Ngày ấy, bố tôi và nhiều người dân trong xã vinh dự được tham gia chuẩn bị cơ sở vật chất xây dựng khu đại hội ở khu vực đồi Nà Loáng (trung tâm của thôn Phú An, xã Vinh Quang). Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho đại hội, các cán bộ Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), bộ đội và nhân dân các dân tộc nơi đây cùng tham gia khai thác, vận chuyển gỗ, tre, nứa, vận chuyển lương thực; làm đường, làm nhà ở, làm hầm, hào trú ẩn... Công việc xây dựng được tiến hành hết sức khẩn trương nhưng luôn bảo đảm bí mật. Chỉ trong vòng 4 tháng, gần 30 ngôi nhà bằng gỗ, tre, nứa, lá đã được xây dựng trên khu đồi Nà Loáng với kiến trúc giản tiện và trang nhã”.

leftcenterrightdel
 Các cháu thiếu nhi tặng hoa Bác Hồ trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.

Cùng tham gia đoàn, đồng chí Hoàng Thu Nga, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Chiêm Hóa cho biết thêm: Để bảo vệ vùng căn cứ địa nói chung, đặc biệt là bảo đảm cho sự thành công của đại hội, ngay từ tháng 1-1951, Trung ương đã cử một trung đoàn bảo vệ lên vùng căn cứ địa. Trung đoàn cử một tiểu đoàn, khoảng 600 chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu vực tổ chức đại hội. Những ngày đầu mới đến thôn Phú An, tiểu đoàn được bố trí ở tại các gia đình trong thôn. Bà con thôn bản với tinh thần nhường cơm sẻ áo đã hết lòng giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tiểu đoàn vừa làm nhiệm vụ chuẩn bị chọn địa điểm bố trí trận địa bảo vệ vừa tham gia cùng cán bộ và nhân dân địa phương xây dựng địa điểm diễn ra đại hội.

Từ giữa tháng 1-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đã về ở và làm việc tại thôn Phú An. Để bảo đảm bí mật an toàn, ban ngày, Bác ra khu đại hội làm việc, tối lại về nghỉ tại nhà cụ Nguyễn Xương Thành. Những lúc công việc quá bận rộn, Bác nghỉ lại căn lán nhỏ ở rừng Nà Loáng. Nhà cụ Nguyễn Xương Thành nằm ở thung lũng dưới chân núi Khau Tao-một thung lũng rậm rạp, có nhiều cây cổ thụ, cách trung tâm đại hội khoảng 1km. Nơi đây chỉ có gia đình cụ Nguyễn Xương Thành sinh sống. Gia đình cụ Thành cũng như các gia đình người Tày khác sống tại thôn Phú An vốn có truyền thống yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cùng với lòng hiếu khách, gia đình đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhường một gian nhà để Bác ở và làm việc.

Trong suốt thời gian diễn ra đại hội, các chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các trận địa luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu khi có kẻ thù. Do làm tốt công tác bảo vệ, bảo đảm bí mật nên khu vực đại hội tuyệt đối an toàn, các trận địa bảo vệ không phải nổ súng. Công tác bảo vệ, kiểm tra, ý thức chấp hành kỷ luật được mọi người từ chiến sĩ bảo vệ đến lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước tuân thủ nghiêm ngặt.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ban trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Ảnh tư liệu

Thuyết minh viên Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình còn kể lại câu chuyện chiến sĩ Lý Phúc Nha kiểm tra giấy ra vào của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hôm ấy, khi thấy một cụ già dáng người cao, đội nón cũ, quần xắn đến đầu gối, chân đi dép cao su, vai mang túi vải đi về phía mình, Lý Phúc Nha đã thực hiện đúng chức trách của chiến sĩ bảo vệ. Khi biết đó là Bác Hồ, Lý Phúc Nha có phần lo lắng, nhưng Bác đã ân cần động viên, khen ngợi chứ không hề trách phạt. Hôm sau, hết giờ thể dục sáng, Bác gọi Nha và cán bộ chỉ huy lên gặp. Bác tự tay rót nước mời mọi người và lấy trong cuốn sách ra một tấm ảnh của Bác, cầm bút ghi mấy dòng chữ phía sau, trao cho Lý Phúc Nha và nói:

- Chú Nha mới vào bộ đội chưa biết Bác. Hôm qua thấy Bác không có giấy nên không cho vào nơi quy định, như vậy là đúng và đáng khen. Bác thưởng chú Nha chiếc ảnh của Bác. Còn đại đội trưởng và chính trị viên trao nhiệm vụ cho chiến sĩ chưa rõ, lại chưa giới thiệu cho chiến sĩ biết Bác, làm trở ngại đến công việc, Bác phê bình.

Trong những ngày tháng ở nơi này, Bác Hồ luôn mặc bộ quần áo xanh chàm của đồng bào dân tộc miền núi, cùng chia sẻ ngọt bùi, đồng cam cộng khổ với nhân dân. Dù bận nhiều công việc nhưng Bác rất coi trọng việc rèn luyện sức khỏe của bản thân cũng như của mọi người như tập quyền, đánh bóng chuyền cùng với anh em... Đặc biệt, Người có phương pháp làm việc rất khoa học, giờ nào việc nấy, đồ vật được để rất ngăn nắp, gọn gàng.

Những ngày diễn ra đại hội đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên người dân được đón một cái Tết ấm cúng với Bác Hồ và các đại biểu. Bác Hồ và các đại biểu còn chơi thể thao và giao lưu văn nghệ với đồng bào, nên kỷ niệm của người dân không chỉ là sự kiện trọng đại của đất nước mà còn là sự gần gũi, giản dị của Bác. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp từ ngày 11 đến 19-2-1951. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 29 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và 7 Ủy viên Bộ Chính trị. 

Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Giữ vững niềm tin son sắt với Đảng, người dân Kim Bình hôm nay đang dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp và sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền xã, Kim Bình được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng trung du miền núi. Năm 2015, Kim Bình là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc ở Kim Bình đang nỗ lực vượt khó để hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

MẠNH KIÊN