Bén duyên với “voi sắt”

Đến Binh chủng TTG, tôi được Đại tá Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu, Cục Kỹ thuật Binh chủng TTG thông tin về Thượng tá, Thạc sĩ Hà Quốc Huy, cán bộ nghiên cứu khoa học tiêu biểu của phòng. Cuối tháng 6-2024, Hà Quốc Huy hoàn thành Lớp đào tạo Chủ nhiệm hậu cần-kỹ thuật trung (lữ) đoàn, Hệ 3, Học viện Kỹ thuật Quân sự với kết quả loại giỏi. Đồng chí Huy là chủ nhiệm đề tài và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ, đã giành nhiều giải thưởng cao...

Sau nhiều lần trao đổi qua điện thoại, tôi có dịp gặp Thượng tá Hà Quốc Huy trò chuyện. Qua đó được biết anh sinh ra trong gia đình thuần nông, ở xã Kim Trung, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bố mẹ đều làm ruộng, ngay từ nhỏ, anh đã nuôi quyết tâm học giỏi để vượt ra khỏi lũy tre làng. Cũng nhờ mục tiêu đó, những năm học phổ thông, anh đều đạt học sinh giỏi, nhất là các môn khoa học tự nhiên. Mùa hè năm 2001, Huy tốt nghiệp Trường Trung học phổ thông Bắc Duyên Hà. Được hướng nghiệp quân sự và yêu mến, cảm phục Bộ đội Cụ Hồ nên anh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự rồi trúng tuyển với số điểm cao, được gọi nhập học khóa 37 (niên khóa 2001-2007), ngành vũ khí.

Với tinh thần cần cù, chịu khó, ham học, suốt quá trình học tập, học viên Hà Quốc Huy luôn giành kết quả cao ở các môn cơ sở chuyên ngành như: Cơ lý thuyết, sức bền vật liệu, nguyên lý máy, chi tiết máy... Trong Cuộc thi Olympic Cơ học sinh viên toàn quốc lần thứ 16 (năm 2004), anh đã giành giải Nhì môn Nguyên lý máy. Tháng 8-2007, Hà Quốc Huy tốt nghiệp loại giỏi và là một trong gần 30% học viên cùng khóa tốt nghiệp ra trường được Bộ Quốc phòng phong quân hàm trung úy. “Sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, tôi được cấp trên điều động, bổ nhiệm là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 13, Trường Trung cấp Kỹ thuật TTG. Ở đây hai năm, tôi học hỏi, tích lũy được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm sửa chữa vũ khí trên xe TTG của đội ngũ cán bộ, thợ sửa chữa. Cũng thời gian này, tôi đã “thai nghén” nhiều ý tưởng về đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để sau này hiện thực hóa...”, Thượng tá Hà Quốc Huy hồi tưởng lại những năm tháng mới ra trường.

leftcenterrightdel
Thạc sĩ Hà Quốc Huy (thứ sáu, từ phải sang) nhận giải Nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24 (tháng 6-2024). Ảnh do nhân vật cung cấp 

Sau hơn hai năm ở đơn vị cơ sở, Hà Quốc Huy được cấp trên tạo điều kiện đi ôn thi cao học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Với ý chí ham học, cầu tiến bộ, tháng 11-2010, Thượng úy Hà Quốc Huy chính thức là học viên cao học khóa 22, Hệ 5, Học viện Kỹ thuật Quân sự. “Tháng 7-2012, tôi nhận bằng Thạc sĩ ngành vũ khí và được điều động, bổ nhiệm là giáo viên Khoa Kỹ thuật cơ sở, Trường Sĩ quan TTG, Binh chủng TTG. Với lợi thế say mê các môn cơ sở chuyên ngành nên tôi khá thuận lợi trong giảng dạy và đã hướng dẫn hàng trăm học viên làm khóa luận tốt nghiệp đạt kết quả cao...”, Thượng tá Hà Quốc Huy chia sẻ.

Say mê nghiên cứu, sáng tạo

Tháng 11-2013, Đại úy Hà Quốc Huy được cấp trên điều động giữ chức Trợ lý Phòng Nghiên cứu, Cục Kỹ thuật Binh chủng TTG. Về cơ quan nghiên cứu, như cá gặp nước, anh đã cho “ra lò” nhiều đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị, ứng dụng thực tiễn, được hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao. Điển hình, từ tháng 3-2019 đến tháng 3-2021, Thạc sĩ Hà Quốc Huy là Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng: “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống tự động đo và lưu trữ các tham số vận hành của xe tăng”. Đề tài này đã được Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng đánh giá, nghiệm thu (tháng 3-2021), sản phẩm đưa vào ứng dụng quản lý các tham số khai thác, vận hành với quy mô số lượng xe tăng lớn và giành giải Nhất Cuộc thi “Đề tài, sáng kiến trong tổ chức Công đoàn Quân đội” lần thứ IV, giai đoạn 2016-2021; giải Ba Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc” lần thứ 17, năm 2022-2023.

Cùng với đề tài cấp Bộ Quốc phòng, Hà Quốc Huy còn là chủ nhiệm nhiều đề tài cấp cơ sở, trong đó có đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị bảo dưỡng, làm sạch nòng pháo trên xe tăng T-90S/SK”. Với giá trị ứng dụng, hiệu quả cao, đề tài đã được tặng giải Nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24 (tháng 6-2024). Chủ nhiệm đề tài Hà Quốc Huy chia sẻ: “Đây là đề tài mới, liên quan đến hệ thống trang bị kỹ thuật hiện đại-xe tăng T-90S/SK. Xuất phát từ thực tế nòng pháo 125mm trên xe tăng T-90S/SK phải bảo quản, bảo dưỡng định kỳ, trong khi đó vật tư, trang thiết bị bảo đảm số lượng có hạn, giá thành cao. Trước thực trạng trên, tôi đã đề xuất ý tưởng với cấp trên về đề tài nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị bảo dưỡng, làm sạch nòng pháo. Hiện nay, trên xe công trình sửa chữa cơ động biên chế hai thiết bị bảo quản, bảo dưỡng nòng pháo 125mm. Trong khi đó, nhu cầu bảo quản, bảo dưỡng, làm sạch nòng pháo 125mm trên xe tăng T-90S/SK ở đơn vị với số lượng gấp nhiều lần nên rất khó khăn trong công tác bảo quản, bảo dưỡng định kỳ.

leftcenterrightdel

Thạc sĩ Hà Quốc Huy (ngoài cùng, bên trái) nhận giải Nhất Cuộc thi “Đề tài, sáng kiến trong tổ chức Công đoàn Quân đội" lần thứ IV, giai đoạn 2016-2021. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Đề tài được chúng tôi nghiên cứu từ tháng 1-2023. Khó khăn ban đầu là vấn đề thiết kế, bởi vì không có bản vẽ, những chi tiết không thể tháo rời nên không biết hình dáng, cấu tạo, kích thước; việc tìm cơ sở xí nghiệp, nhà máy, kho xưởng để gia công, chế tạo như “mò kim đáy bể”. Có những lúc gần như chúng tôi đã bế tắc khi thực hiện đề tài, bởi không lường trước được những khó khăn. Điển hình như gia công, chế tạo chi tiết khó là chổi quét hình quả dứa, chúng tôi đi gõ cửa không ít nhà máy trong và ngoài Quân đội nhưng họ đều từ chối, vì nhiều lý do khác nhau. Những tưởng nhóm đề tài rơi vào ngõ cụt nhưng bằng tổng lực các mối quan hệ, chúng tôi đã hợp tác với Công ty TNHH Cơ khí chính xác Samko Việt Nam. Để gia công, chế tạo thành công chổi quét hình quả dứa, chúng tôi phải làm đi làm lại 3-4 lần mới bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật so với sản phẩm nguyên bản để đưa vào thử nghiệm...”.

Đến tháng 10-2023, sau khi cơ bản hoàn thiện các sản phẩm, nhóm đề tài tiến hành thử nghiệm bảo dưỡng, làm sạch nòng pháo trên xe tăng T-90S/SK ở đơn vị. Thử nghiệm cho thấy, các tính năng, thông số, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm đề tài tương đương, nhưng trọng lượng nhỏ hơn gần 30%, giá thành giảm khoảng 60-70% so với sản phẩm nguyên bản. Sau hai lần thử nghiệm thành công, cuối tháng 12-2023, đề tài đã được Hội đồng khoa học Binh chủng TTG đánh giá chất lượng tốt, đáp ứng với yêu cầu đề ra, tính năng kỹ thuật, hiệu quả tương đương với sản phẩm nguyên bản và cho phép sử dụng thiết bị trong bảo quản, bảo dưỡng nòng pháo xe tăng T-90S/SK.

leftcenterrightdel
Thạc sĩ Hà Quốc Huy (thứ nhất, từ trái sang) hướng dẫn nhân viên vận hành sản phẩm đề tài, sáng kiến “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị bảo dưỡng, làm sạch nòng pháo trên xe tăng T-90S/SK”. Ảnh: THÁI NGỌC

Khi được hỏi về “cây đề tài, sáng kiến” vừa nhận Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24, Đại tá Đỗ Văn Diệp, Chủ nhiệm Kỹ thuật Binh chủng TTG cho hay: “Thượng tá, Thạc sĩ Hà Quốc Huy là cán bộ được đào tạo cơ bản, có sở trường về các môn cơ sở chuyên ngành. Đồng chí Huy là cán bộ luôn say mê nghiên cứu sáng tạo, chủ động đề xuất nhiều ý tưởng trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và tham gia biên soạn tài liệu, giáo trình huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành TTG. Các đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật do đồng chí Huy chủ trì hay tham gia nghiên cứu đều bảo đảm tiến độ, chất lượng tốt; phối hợp nhịp nhàng với các đối tác trong và ngoài Quân đội để gia công, chế tạo và hiệp đồng với các đơn vị để triển khai thử nghiệm. Sản phẩm được hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn”.

NGUYỄN KIÊN THÁI