Nguyễn Thế Thanh sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là nông dân ở quê hương vải thiều, xã Phượng Hoàng (nay là xã An Phượng), huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Thế Thanh đã tỏ rõ tinh thần ham học, nuôi dưỡng ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên. “Gia đình tôi thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, sau tôi còn hai em đang học phổ thông. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2002, tôi đăng ký và trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp (TTG). Tháng 10-2002, lần đầu tôi biết “Sinh nhật đồng đội” trong Quân đội khi vừa tròn 20 tuổi...”.

5 năm miệt mài học tập, rèn luyện với những thành tích đáng tự hào, sau khi tốt nghiệp (tháng 10-2007), Nguyễn Thế Thanh được cấp trên điều động, bổ nhiệm giữ chức Trung đội trưởng Trung đội Xe tăng 2, Đại đội Xe tăng 1, Tiểu đoàn TTG 34, Bộ CHQS TP Hải Phòng. Với phương pháp chỉ huy sâu sát, lời nói đi đôi với việc làm, sĩ quan trẻ Nguyễn Thế Thanh là tấm gương sáng cho đồng đội học tập và noi theo. Ở đơn vị cơ sở, là người trực tiếp huấn luyện, chỉ huy bộ đội, anh Thanh luôn trăn trở suy nghĩ, quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến thiết thực, hiệu quả. “Để khắc phục tình trạng giảng “chay”, học “chay”, tôi đã cho tự thiết kế, làm nhiều mô hình, học cụ trực quan sinh động để giúp anh em dễ học, dễ thực hành; đồng thời hạn chế rủi ro, giảm công sức và tiết kiệm kinh phí cho đơn vị. Tính từ năm 2009 đến 2015, tôi cùng đồng đội đã tập trung nghiên cứu, áp dụng 7 sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm kỹ thuật tại đơn vị, gồm: Giá súc rửa bình điện xe tăng PT-76 (năm 2009); thiết bị nâng hạ bánh xe BTR-60PB (năm 2011); sơ đồ hệ thống đánh lửa xe BTR-152 (năm 2012); mô hình bãi vật cản K91 (năm 2013); sơ đồ hệ thống điện xe BTR-152 (năm 2014); hệ thống bia hiệu chỉnh súng 14,5mm-2 nòng trên xe BTR-152 và thiết bị mõ quay bằng điện điều khiển từ xa (năm 2015)”.

Khi được hỏi “đứa con” nào tâm huyết nhất, anh Thanh cười vui: “Đứa nào tôi cũng quý, vì mình mất nhiều thời gian “thai nghén”. Nhưng tôi tâm đắc nhất là sáng kiến “Thiết bị nâng hạ bánh xe BTR-60PB”, vì được đầu tư công phu, mất nhiều thời gian nghiên cứu, cũng là sáng kiến thành công nhất, được Hội đồng nghiệm thu sáng kiến cấp trên đánh giá cao...”.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Thế Thanh giới thiệu, hướng dẫn bộ đội sử dụng sáng kiến “Thiết bị nâng hạ bánh xe BTR-60PB”, năm 2011. Ảnh: HẢI THÀNH

Trước đây, xe công trình bảo dưỡng, sửa chữa của đơn vị chưa trang bị hệ thống cẩu, thành viên kíp xe phải dùng tay, bằng sức người để vận chuyển bánh xe dự phòng nặng 120kg từ dưới đất lên cố định vào tháp pháo cao 2,5m. Để vận chuyển bánh xe cố định lên tháp pháo cần tới 5-6 người khỏe mạnh nhưng tiềm ẩn nguy hiểm, dễ mất an toàn cho người và trang bị. “Năm 2010, trong quá trình báo động luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, lúc đó tôi là Phó đại đội trưởng Đại đội Thiết giáp 3, Tiểu đoàn TTG 34 chỉ huy bộ đội khiêng bánh xe BTR-60PB để cố định trên nóc xe. Do phân bố vị trí người không đều, bánh xe quá nặng, có một đồng chí không giữ được và trượt tay ra, bánh xe lao xuống. Trong tình huống nguy cấp ấy, tôi chỉ kịp đẩy mạnh đồng chí bên cạnh mình ra và lách người sang bên trái, bánh xe chèn qua chân, làm giập ngón chân út của tôi. Sau sự việc này, tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để việc nâng hạ bánh xe dự phòng lên xuống xe được nhanh chóng, thuận tiện, giảm sự vất vả và bảo đảm an toàn cho bộ đội...”, anh Thanh kể lại sự cố mất an toàn.

Khoảng tháng 2-2011, trong lần đi làm công tác dân vận, Nguyễn Thế Thanh thấy một đội thợ đang thi công một ngôi nhà 3 tầng, họ dùng một chiếc máy tời có hệ thống ròng rọc, dây cáp để đưa vật liệu từ dưới mặt đất lên tầng 3 hết sức nhẹ nhàng. “Ý tưởng về “Thiết bị nâng hạ bánh xe BTR-60PB” trong tôi bắt đầu hình thành ngay từ lúc đó. Sau nhiều ngày đêm “thai nghén” ý tưởng, đo đạc, tính toán, vẽ đi vẽ lại sơ đồ hoạt động, tôi và đồng đội đã bắt tay vào thực hành chế tạo thiết bị. Quả thật để từ ý tưởng đi vào sản xuất thành sản phẩm là quá trình rất khó khăn, kinh nghiệm chế tạo thiết bị của chúng tôi chưa nhiều, kinh phí sản xuất gần như phải tự túc, từ việc tìm vật liệu sao cho vừa tiết kiệm lại bảo đảm được hệ số an toàn cao...”, anh Thanh nhớ lại. 

leftcenterrightdel

 Trung tá Nguyễn Thế Thanh kể chuyện những lần cho "ra lò" sáng kiến. Ảnh: THÁI KIÊN

Sáng kiến “Thiết bị nâng hạ bánh xe BTR-60PB” hoàn thành, khi đem ra thử nghiệm thực tế, do tính toán lực kéo chưa phù hợp, nên khi quay tay quay, kéo bánh xe lên, bánh xe chỉ lên được một nửa quãng đường là dây cáp bị trượt và lực quay tay rất nặng. Không nản chí, anh Thanh lại miệt mài nghiên cứu, sử dụng cặp bánh răng có tỷ số truyền lớn hơn, thay thế trục sắt dẫn động dây cáp bằng hệ thống puly trên đầu trục đứng của thiết bị. Lần thử nghiệm sau, thiết bị đưa được bánh xe lên giá đỡ nhẹ nhàng. Nhưng cùng lúc đó cũng xuất hiện thêm những khó khăn mới, việc cố định giá đỡ vào thành xe chưa chắc chắn, nên khi đưa bánh xe vào thì giá đỡ bị rung lắc, dễ mất an toàn cho thiết bị và đồng chí quay tay kéo bánh xe lên. “Sau mấy lần thử nghiệm thất bại, không ít người trong đơn vị khuyên tôi nên bỏ ý tưởng đó đi. Lúc đó, tôi cũng có phần nản chí. Mấy lần tranh thủ về nhà, thấy tôi thơ thẩn, suốt ngày cứ hí hoáy đo đo, vẽ vẽ, không quan tâm hỏi han vợ con và giúp đỡ công việc nhà, vợ tôi đâm ra nghi ngờ. Đến khi biết được sự trăn trở và lo lắng của chồng, cô ấy mới yên lòng và ra sức ủng hộ, động viên tôi tiếp tục hoàn thành sáng kiến...”, anh Thanh tâm sự. 

Thấy thành quả khả quan, lại nhận được lời khích lệ, động viên của gia đình và đồng đội, anh Thanh như được tiếp thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu tìm cách khắc phục các hạn chế của lần thử nghiệm trước đó. Sau nhiều lần tính toán, cải tiến, thử nghiệm, thiết bị đã hoạt động ổn định, chắc chắn, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Từ đây, tác giả đã giải quyết bài toán năng suất, từ việc phải cần 5-6 người khiêng bánh xe mất hơn 10 phút mới đưa được lên tháp pháo, nay chỉ cần 2 người trong vòng 3 phút mà lại rất an toàn cho người và trang bị. Sáng kiến này được chọn là một trong 20 sáng kiến tiêu biểu của thành phố cảng năm 2011 và được Chủ tịch UBND TP Hải Phòng tặng bằng khen.

leftcenterrightdel
 Trung tá Nguyễn Thế Thanh (ngoài cùng, bên phải) nhận khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2023 của quận Hải An, TP Hải Phòng. Ảnh: THỤY LÂM

Thành công từ sáng kiến được áp dụng tạo thêm động lực để Nguyễn Thế Thanh tiếp tục cho “ra lò” nhiều sản phẩm mới như: Thiết bị hỗ trợ tháo lắp cụm máy chi tiết xe BTR-152 (năm 2016); hệ thống phanh khí nén trên xe thiết giáp và ô tô; thiết bị đánh gỉ phía trong bình khí nén (năm 2017); hệ thống phun sương tự động làm mát chuồng trại bằng năng lượng mặt trời, kết hợp điều khiển từ xa (năm 2018); giá gá lắp 3 chiều động cơ diesel lên xe BTR-152 (năm 2019); thiết bị hỗ trợ lắp xích xe tăng (năm 2020); thiết bị tạo khói dùng trong huấn luyện, diễn tập (năm 2023)...

 Đánh giá về “cây sáng kiến” của đơn vị, Trung tá Nguyễn Thành Kông, Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban CHQS quận Hải An cho biết: “Ở Bộ CHQS TP Hải Phòng nói riêng, Quân khu 3 nói chung, nhắc tới Trung tá Nguyễn Thế Thanh, ai nấy đều cảm phục tinh thần làm việc nhiệt tình, say mê, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dấn thân, không ngại khó, ngại khổ, luôn là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị học tập và noi theo. Đồng chí Thanh là người sống chân thật, thẳng thắn, có uy tín cao trong đơn vị, được đồng chí, đồng đội và nhân dân tin yêu, quý mến. Trung tá Nguyễn Thế Thanh 7 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua cơ sở, trong đó có 3 năm liên tục (2009-2011), Chiến sĩ thi đua cấp toàn quân (năm 2012) và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng nhiều bằng khen.

GIANG THÁI NGỌC