Cứu người không thể chần chừ

Đó là thái độ quyết liệt của Phó cục trưởng Phạm Văn Tỵ khi trực tiếp chỉ huy cuộc giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt trong sự cố sập hầm tại công trình Thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo (Lâm Đồng) tháng 12-2014.

Hồi đó, đang dẫn đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ ở các kho chiến lược khu vực miền Trung thì ông nhận được thông tin về sự việc. Ngay lập tức ông hành quân lên Lâm Đồng, vào đến hiện trường là khoảng 2 giờ sáng 18-12-2014. Lúc này, Bộ đội Công binh Lữ đoàn 25, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân khu 7 và cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng... cũng được huy động đến. Trước đó, Ủy ban đã điều Trung tâm Cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam vào hiện trường và đang tiến hành mở con đường phía bên phải hầm. Tuy qua hơn 10 tiếng thi công nhưng tiến triển chưa được là bao.

“Kiểm tra nắm lại tình hình, đồng thời khảo sát địa hình thực tế, tôi nghĩ ngay đến tình huống nếu con đường bên phải đang mở mà bị tắc thì sẽ làm thế nào trong khi việc giải cứu 12 công nhân được tính bằng giây. Sau hội ý, chúng tôi tính đến phương án sử dụng lực lượng công binh mở một đường khác từ phía bên trái hầm. Nếu bên nào gặp khó khăn thì bên kia vẫn thuận lợi, cơ động được. Vì vậy, khi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vào đến nơi, báo cáo về công tác giải cứu, chúng tôi đề xuất ngay phương án trên và đồng chí Phó thủ tướng đã nhất trí...”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ kể.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ trò chuyện với phóng viên. Ảnh: TUẤN TÚ 

Lúc này, lực lượng công binh tăng cường của Lữ đoàn 293 và Tiểu đoàn 93 thuộc Binh chủng Công binh cũng đã có mặt tại công trường tham gia công tác cứu hộ. Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh (sau là Thiếu tướng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn; hy sinh năm 2020) trực tiếp chỉ huy Bộ đội Công binh mở đường bên trái hầm. Vậy là từ 5 giờ chiều hôm ấy, Bộ đội Công binh bắt đầu mở đường bên trái. Quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn do chất đất ở đây nhiều sỏi và đá cuội, đường lại hẹp. Cuối cùng, kinh nghiệm đào hầm trong cát của Bộ đội Công binh từng thực hiện ở Quảng Bình, Quảng Trị được vận dụng. Đào đến đâu ta đưa đất ra và tiến hành chống gia cố trên đó. Suốt một đêm không nghỉ, tiến độ công việc được bảo đảm rất tốt.

Tuy nhiên, đến trưa hôm ấy, các nhà khoa học của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan khác có mặt, thảo luận. Họ cho rằng, nếu tiếp tục thi công như vậy có khả năng sập đường bên phải, gây nguy hiểm cho lực lượng giải cứu. Trước luồng ý kiến đó, tổng chỉ huy Phạm Văn Tỵ đã tổ chức họp khẩn. Sau khi nghe các ý kiến, đồng chí nói: “Bây giờ, việc giải cứu 12 người không thể chần chừ được. Việc tìm kiếm cứu nạn phải thực hiện quyết liệt bằng cả tâm lực và trí lực. Dù có thể gặp hiểm nguy chúng ta cũng phải tìm cách khắc phục và thực hiện cho bằng được...”.

Đến bây giờ, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ vẫn không quên được giây phút xúc động diễn ra hồi 15 giờ 30 phút ngày 19-12-2014. Từ đường bên trái hầm, sau khi đào khoảng 20m, Bộ đội Công binh đã tiếp cận được vị trí và giải cứu thành công các công nhân khi mực nước trong hầm đã dâng cao đến cổ họ. Chỉ chậm vài phút nữa thôi thì chắc khó có thể cứu được họ...”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ kể.

Như vậy, trong vòng chưa đến 24 giờ, Bộ đội Công binh dưới sự chỉ huy của Đại tá Nguyễn Hữu Hùng đã thực hiện giải cứu thành công tất cả 12 công nhân bị sập hầm. Kết quả đó khẳng định vị thế, trách nhiệm và năng lực cứu nạn của Quân đội ta là Quân đội của dân, do dân và vì dân.

Nhiệm vụ chưa có tiền lệ

Cách đây 3 tháng, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ được Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy đoàn công tác gồm 76 thành viên sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ sau thảm họa động đất. Trước đó, Việt Nam chưa từng đưa lực lượng ra nước ngoài tìm kiếm cứu nạn mặc dù trong các hợp tác song phương, đa phương chúng ta có tham gia hoạt động diễn tập hỗ trợ thảm họa hay cử lực lượng đi gìn giữ hòa bình quốc tế.

Ông kể: “Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn quốc tế. Ngay từ đầu, công tác tổ chức đã được tính toán chặt chẽ, bao gồm các phương tiện, thiết bị và nhân lực phù hợp... để việc tìm kiếm đạt hiệu quả tốt. Tại cuộc họp do Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, tôi báo cáo đề xuất phương án tổ chức lực lượng gồm các bộ phận: Chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng (thực hiện nhiệm vụ đánh hơi tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát); công binh cứu sập của Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh (có kinh nghiệm, nghiệp vụ, phương tiện gọn nhẹ, có thể dò tìm bằng hình ảnh và radar xuyên tường); quân y (chăm sóc sức khỏe cho đoàn và người dân nước bạn) cùng khối chỉ huy”.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ và lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 2-2023. Ảnh: PHẠM VĂN HIẾU

Theo lời kể của Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, ngay sau khi đặt chân đến nước bạn, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm việc với các cơ quan điều phối Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Đoàn được giao tìm kiếm trong phạm vi khoảng 3km2. Đoàn đã tổ chức một đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn, tổ công binh dò tìm bằng âm thanh, hình ảnh và radar xuyên tường. Sau khi xác định được vị trí, ta cắm cờ đánh dấu và bàn giao cho các lực lượng giải cứu tại hiện trường sử dụng những trang thiết bị hạng nặng như máy ủi đưa nạn nhân ra ngoài. Bên cạnh đó, đoàn cũng chủ động triển khai một bệnh viện dã chiến quy mô nhỏ để thu dung, điều trị cho nạn nhân, đồng thời điều trị các thành viên quốc tế khi tham gia cứu hộ, cứu nạn gặp phải thương tích.

10 ngày làm nhiệm vụ tại đây đã để lại rất nhiều kỷ niệm khó quên với Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ và các thành viên trong đoàn, như: Thường xuyên làm việc dưới điều kiện nhiệt độ từ -5oC đến -10oC; vị trí làm việc của đoàn cũng hết sức nguy hiểm khi các chung cư, nhà cao tầng với hàng triệu mét khối đất, đá vẫn có thể tiếp tục đổ sập, hay những dư chấn động đất cũng rất dễ gây ra tình trạng mất an toàn... Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là giai đoạn đầu đoàn đặt chân tới Hatay, tỉnh rất gần với Syria-nơi đang xảy ra xung đột vũ trang. Bạn bố trí cho ta trú quân tại sân vận động Hatay.

Đêm đầu tiên, trang thiết bị của đoàn chưa về kịp nên các thành viên chỉ có thể “màn trời, chiếu bê tông” ngồi xung quanh bếp lửa sưởi ấm. Một đêm hầu như không ngủ nhưng ngay khi trời sáng, tất cả đều sẵn sàng lên đường tới các khu vực tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp. Ngày đầu tiên, đoàn đã phát hiện 4 vị trí, qua đó góp phần đưa 9 thi thể nạn nhân ra ngoài. “Với mỗi vị trí được xác định, chúng tôi sử dụng hai chó nghiệp vụ. Sau khi con thứ nhất đánh hơi phát hiện vị trí, chúng tôi đưa con thứ hai vào khẳng định, đồng thời đưa máy quét xác định. Hình ảnh thu được nếu không còn sự sống, trên màn hình hiện lên màu xanh, nếu có dấu hiệu của sự sống sẽ là màu đỏ. Khi thấy người thân được đưa ra ngoài sau 7 ngày chờ đợi, một gia đình nạn nhân có mặt tại hiện trường đã ôm lấy đoàn Việt Nam bày tỏ sự xúc động và cảm ơn. Trước tình cảnh ấy, chúng tôi cũng không kìm được nước mắt”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ và lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 2-2023. Ảnh: PHẠM VĂN HIẾU

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ không giấu nổi xúc động xen lẫn tự hào khi đoàn Quân đội ta nhận được sự tin tưởng của bạn bè quốc tế. Ông nhớ, khoảng ngày thứ tư của chuyến công tác, trên đường cơ động đến hiện trường, đoàn bị người dân chặn lại. Qua phiên dịch được biết, đây là gia đình có 2 người lớn và 2 trẻ em đang bị vùi lấp trong đống đổ nát, thấy xe có cờ Việt Nam nên nhờ giúp đỡ. “Tôi liền cho người báo về trung tâm điều phối việc đoàn sẽ đến muộn rồi tổ chức phương tiện tìm kiếm. Qua hơn một giờ, ta đã phát hiện, đánh dấu vị trí và bàn giao cho bạn. Sau này, được biết tại vị trí chúng tôi xác định, bạn đưa được 3 nạn nhân xấu số ra ngoài. Chính những ánh mắt và hành động đặt tay phải lên ngực trái cúi chào, bày tỏ sự trân trọng của người dân đã giúp chúng tôi quên đi mọi khó khăn, mệt mỏi, quyết tâm hoàn thành mục tiêu duy nhất là cứu người”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ kể. 

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về con người và phương tiện kỹ thuật, đoàn Quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tác nghiệp tại nước bạn, khi các đoàn: Bahrain, Mexico yêu cầu trợ giúp, đoàn sẵn sàng chia đôi lực lượng phối hợp với bạn tìm thêm nhiều vị trí có các nạn nhân. Điều này một lần nữa khẳng định chất lượng đào tạo, diễn tập, phối hợp của các lực lượng trong nước để vận dụng vào thực tế trong một nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ. Kết thúc đợt công tác, theo tổng hợp từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, ta giúp bạn phát hiện 18 điểm, bàn giao cho lực lượng giải cứu đưa được 38 thi thể nạn nhân ra ngoài. Đồng thời, các thành viên trong đoàn đã tự nguyện quyên góp 4.000USD để hỗ trợ người dân mua lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, đoàn bàn giao tặng bạn hơn 30 tấn trang bị y tế, thuốc men, máy nổ, lều bạt, lương khô, mì ăn liền... Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và lãnh đạo tỉnh Hatay rất cảm kích trước sự giúp đỡ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bạn khẳng định, đất nước và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ quên nghĩa cử cao đẹp của Quân đội ta và sớm phân phối số hàng hóa trên đến các cơ sở y tế để thu dung, cấp cứu nạn nhân và người dân đang phải hứng chịu thảm họa.

BÍCH TRANG