Với đội quân hơn 100.000 người đang làm nhiệm vụ, DPKO-Cơ quan Phụ trách các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ngày càng phát triển và được quốc tế nhìn nhận là một lực lượng gìn giữ hòa bình chủ yếu hiện nay.

Sứ mạng do Hội đồng bảo an quyết định

Hiện nay, Liên hợp quốc (LHQ) có 192 quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên nhóm khu vực hay bản thân Cơ quan thư ký của LHQ (Secretariat) đều có thể đề nghị lên Hội đồng bảo an (5 nước thành viên của LHQ) để được nhận lãnh sứ mạng gìn giữ hòa bình. Nghị quyết sau khi được phác thảo được đưa ra Hội đồng bảo an để xem xét và biểu quyết thông qua. Nhưng nghị quyết đầu tiên này mới chỉ là ghi nhận sự chấp thuận về nguyên tắc đối với sứ mạng gìn giữ hòa bình, nó yêu cầu Tổng thư ký LHQ đưa ra kế hoạch chi tiết cùng với bản ước tính chi phí ban đầu cho hoạt động này. Và phải được 5 quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng bảo an (Anh, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp) có quyền quyết định thì sứ mạng gìn giữ hòa bình sẽ được quyết định.

Binh lính Nga đảm trách nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ tại khu vực Áp-kha-di-a....

Nếu như nghị quyết được thông qua và thời gian cho phép, Tổng thư ký LHQ sẽ giải quyết một hoặc nhiều sứ mạng, sau đó các báo cáo được đưa đến Hội đồng bảo an với những lựa chọn và tiến cử thích hợp. Bước tiếp tục là bỏ phiếu thông qua nghị quyết thứ hai, phê chuẩn toàn bộ hay một phần kế hoạch và chính thức cho phép sứ mạng triển khai.

Lực lượng quân sự của DPKO

LHQ không có tổ chức lực lượng vũ trang riêng. Để thực thi một sứ mạng gìn giữ hòa bình, lực lượng vũ trang phải do các quốc gia là thành viên đóng góp. Vì vậy, sau khi nghị quyết được HĐBA thông qua, Cơ quan thư ký của LHQ sẽ tiếp xúc với những quốc gia-đối tượng đóng góp lực lượng quân sự gồm quân đội, cảnh sát và trang thiết bị tiềm tàng. Trách nhiệm của DPKO là thảo luận với các quốc gia đóng góp quân đội để đánh giá những gì họ có thể cung cấp. Các quốc gia góp quân phải cung cấp thông tin toàn diện về chất lượng quân đội của họ. Mỗi nước có trách nhiệm huấn luyện và chuẩn bị nhân lực của mình, phải có đủ năng lực cũng như tính kỷ luật cao để hoàn thành sứ mạng tại các điểm nóng xung đột. Ban tham mưu phải có kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa và tình hình chính trị của quốc gia liên quan đến sứ mạng. Nhóm các quốc gia phát triển phải có trách nhiệm chính trong các sứ mạng hoạt động gìn giữ hòa bình. Còn nhóm các quốc gia đang phát triển nòng cốt thường cung cấp phần lớn lực lượng binh sĩ “mũ nồi xanh”.

Sứ mạng gìn giữ hòa bình thật sự lần đầu tiên của DPKO là vào năm 1948 ở Pa-le-xtin. Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc vào đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, các sứ mạng của “Mũ nồi xanh” ngày càng gia tăng và hiện nay đã có mặt trên khắp thế giới, tại các điểm nóng như Đông Ti-mo, Hai-i-ti, Cô-xô-vô... nhưng chủ yếu là ở châu Phi và Trung Đông. Một số lực lượng khu vực, nhất là NATO và Liên hiệp châu Phi, cũng đóng vai trò giữ gìn hòa bình, đôi khi làm nhiệm vụ bên cạnh LHQ như ở Áp-ga-ni-xtan hay Đa-phua (Xu-đăng), Xô-ma-li; lực lượng Mỹ kiểm soát an ninh ở bán đảo Xi-nai của Ai Cập sau khi quốc gia này ký hiệp ước hòa bình với I-xra-en, trong khi lực lượng Nga làm nhiệm vụ ở các điểm nóng của Liên Xô cũ như ở Gru-di-a... Ngân sách cho sứ mạng hòa bình LHQ phải chi, năm 2005-2006 là hơn 5 tỷ đô-la/1 chiến dịch, chiếm 0,5% chi phí quân sự toàn cầu, do đó nó còn rẻ hơn chi phí trong các cuộc chiến tranh rất nhiều!

... và tại Nam Ô-xê-ti-a.

Những thành công và hạn chế

Một số hoạt động-chiến dịch trong sứ mạng của DPKO do lực lượng “Mũ nồi xanh” đảm nhiệm kéo dài nhiều thập niên và trong số 13 sứ mạng được triển khai trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh đến nay có 5 sứ mạng vẫn còn đang hoạt động. Tuy nhiên, cũng có những sứ mạng sẽ kết thúc sau khi được đánh giá là thành công. Một số sứ mạng gìn giữ hòa bình của DPKO của LHQ được coi là thành công: Tại Mô-dăm-bích từ 1992-1994 và Cam-pu-chia từ 1993-2000. Riêng ở Ha-i-ti sứ mạng của LHQ được triển khai hai lần: lần thứ nhất từ năm 1993 đến 2000 và sau đó tiến hành lại từ năm 2004. Cũng có những sứ mạng bị hủy bỏ vì tình thế xung đột phức tạp mà LHQ không thể kiểm soát nổi, như ở Ru-an-đa thập niên 1990...

Những sứ mạng gìn giữ hòa bình thành công của DPKO còn ít và hạn chế, bên cạnh đó lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ hoạt động ở một số khu vực còn bị tai tiếng là “lạm dụng tình dục” hoặc có những hành động xấu như đổi súng lấy vàng ở Công-gô đang bị tố cáo, điều tra... Tuy nhiên, cho đến nay, với lực lượng hơn 100.000 người đang có mặt làm nhiệm vụ trên khắp thế giới, thì lực lượng DPKO của LHQ vẫn được nhìn nhận là lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ sứ mạng gìn giữ hòa bình hiện nay.

HẢI PHƯƠNG