Tại một chuyên đề nghiên cứu về lực lượng Tự vệ đỏ trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh, ông Nguyễn Hữu Bình, cán bộ của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cho rằng: Từ cuối năm 1925, những người yêu nước ở Nghệ Tĩnh đã tiếp thu đường lối cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc qua sách báo và hội viên Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam (Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội). Sau sự kiện thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), đến tháng 3-1930, ở Nghệ Tĩnh đã thành lập Tỉnh bộ Vinh-Bến Thủy và Tỉnh bộ Nghệ An.

Trong thời gian ngắn, hệ thống tổ chức đảng được hình thành từ tỉnh đến nhiều huyện, xã, thôn. Cùng với đó là việc thành lập các hội quần chúng như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Sinh hội đỏ, Hội Phụ nữ giải phóng và các tổ chức khác dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 18-3-1930, Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ đóng tại Vinh phát truyền đơn kêu gọi các giới gia nhập các tổ chức quần chúng của Đảng để đấu tranh đòi quyền lợi. Một trong những lực lượng được Đảng tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ là Tự vệ đỏ. Tuy chưa có một cơ cấu tổ chức thành hệ thống từ trên xuống dưới nhưng ở hầu hết tổng, làng, xã, thôn đều thành lập Tự vệ đỏ dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của Xã bộ nông (hình thức chính quyền cách mạng lúc ấy), được tổ chức thành tiểu tổ, tự trang bị vũ khí thô sơ. Đội viên Tự vệ đỏ là những người được tuyển chọn từ các tổ chức đảng và quần chúng, có sức khỏe, tinh thần dũng cảm, không quản ngại khó khăn, hy sinh tính mạng để làm chỗ dựa cho phong trào quần chúng đấu tranh; canh gác, bảo vệ cơ sở Đảng và chống mật thám, Việt gian tay sai...

leftcenterrightdel

Những chiến sĩ Tự vệ đỏ làng Yên Phúc năm 1930-1931. Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Năm 1994, tôi được gặp và nghe cụ Đặng Bá Phi, sinh năm 1904, ở xóm 1, xã Phúc Sơn (làng Yên Phúc trước đây), huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, là một trong những đảng viên đầu tiên của xã Phúc Sơn, kể chuyện về sự ra đời của Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc những năm 1930-1931. “Trong cuộc họp Chi bộ Yên Phúc vào tháng 9-1930, chúng tôi đã bàn bạc việc bảo vệ phong trào cách mạng, hỗ trợ quần chúng đấu tranh với chính quyền thực dân Pháp và tay sai, chi bộ chủ trương lãnh đạo thành lập Đội Tự vệ đỏ. Chi bộ giao cho ông Nguyễn Văn Uy là Đội trưởng (năm 1957, ông Nguyễn Văn Uy được Bác Hồ tặng chiếc áo lụa vì có công với cách mạng); ông Nguyễn Ngọc Từ là Đội phó. Trong đội lại chọn ra những người khỏe mạnh, giỏi võ, có tinh thần, ý chí chiến đấu cao, dũng cảm để làm cốt cán. Các đội viên Tự vệ đỏ hằng ngày ngoài việc thay nhau canh gác, đi vận động nhân dân còn tổ chức luyện tập quân sự, luyện võ, tự rèn vũ khí...”-cụ Phi cho biết.

Cũng trong chuyến công tác này, tôi được gặp cụ Nguyễn Lâm Yên, sinh năm 1906, ở thôn Cồn Vàng, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nguyên là Đội trưởng Đội Tự vệ đỏ tổng Bích Hào (nay gồm các xã: Thanh Mai, Thanh Xuân, Thanh Giang, Thanh Tùng, Thanh Lâm thuộc huyện Thanh Chương) năm 1930-1931. Cụ cho tôi biết là đã viết về những ngày hoạt động cách mạng sôi nổi của mình. Những trang hồi ký ấy đã gửi tặng Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh lưu giữ.

Cụ Yên kể: “Năm 1929, tôi được các đồng chí Tôn Gia Chung, Tôn Thị Quế giác ngộ, dẫn dắt vào con đường đấu tranh cách mạng. Tháng 9-1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng đồng chí Phan Thái Ất về Thanh Chương hoạt động, xây dựng cơ sở, thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên của huyện. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 20-3-1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương được thành lập. Từ một chi bộ Đảng chung, sau đó, Thanh Chương phát triển thêm 7 chi bộ với số lượng 55 đảng viên. Các tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ nữ giải phóng đều phát triển nhanh chóng ở địa phương. Là thanh niên nhanh nhẹn, khỏe mạnh, lại có lòng căm thù bọn địa chủ, cường hào gian ác, được giác ngộ cách mạng nên tôi được chọn vào Đội Tự vệ đỏ của tổng Bích Hào. Ngày 1-9-1930, tôi tham gia cùng với hàng nghìn nông dân của tổng Bích Hào dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và sự yểm trợ của Đội Tự vệ đỏ, rầm rộ kéo lên huyện đường Thanh Chương đấu tranh đòi giảm sưu thuế, đòi thả tù chính trị...

Cuộc biểu tình giành thắng lợi, chính quyền Xô viết được thành lập trong các địa phương của tổng. Hoạt động cách mạng tích cực, tháng 3-1931, tôi được cử làm Bí thư chi bộ kiêm Đội trưởng Đội Tự vệ đỏ của tổng Bích Hào. Đội Tự vệ đỏ lúc này phát triển lên tới 200 đội viên, anh em tích cực luyện tập quân sự, bảo vệ tổ chức đảng, hỗ trợ quần chúng đấu tranh. Tôi nhớ như in những ngày chỉ huy anh em tự vệ luyện tập trong rú Môn, rú Am. Trang bị của đội viên Tự vệ đỏ chỉ là vũ khí thô sơ, giáo mác, nhưng đã dũng cảm chống địch về càn quét ở khu vực xã Thanh Xuân ngày nay; cướp kho thóc của 3 tên địa chủ khét tiếng là Nguyễn Lâm Tín, Hồ Thịnh và Hồ Việng. Đội tự vệ còn tự chế tạo vũ khí, như làm mìn chai để đánh đồn Cồn Đèn của địch... Trước sự lớn mạnh của cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp và chính quyền tay sai tìm mọi cách đàn áp phong trào, bắt bớ cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng. Tháng 10-1931, tôi bị địch bắt, giam cầm 8 năm ở các nhà tù thực dân. Năm 1939, ra tù, tôi tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng”...

leftcenterrightdel

Sinh viên Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh tham quan khu trưng bày bộ sưu tập trống tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, tháng 5-2023. Ảnh: TRANG NHUNG 

Trao đổi những câu chuyện, ký ức của những đội viên Tự vệ đỏ với đồng chí Trần Thị Hồng Nhung, Phó giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, chị cho biết, các đội viên tự vệ mà tôi đã gặp gần 30 năm trước, nay đều đã từ trần. Suốt hàng chục năm qua, Bảo tàng luôn quan tâm, sưu tầm tư liệu, hiện vật, gặp gỡ các nhân chứng, con cháu của họ để tìm hiểu, khai thác và lưu giữ tư liệu. Từ khi thành lập các tổ chức đảng ở Nghệ An và Hà Tĩnh (năm 1930), tính đến tháng 6-1931, trên địa bàn hai tỉnh đã thành lập được 411 đội Tự vệ đỏ với 9.178 đội viên, trong đó có 322 đội viên tự vệ cảm tử và hàng trăm nữ tự vệ.

Hiện nay, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đang lưu giữ gần 200 tài liệu, hiện vật tiêu biểu của lực lượng Tự vệ đỏ trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bao gồm: Ảnh chân dung các đội viên tự vệ tiêu biểu; ảnh di tích ghi dấu những sự kiện tiêu biểu cùng nhiều hiện vật mà lực lượng Tự vệ đỏ đã sử dụng trong cao trào cách mạng 1930-1931. Cụ thể là, Bảo tàng lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập cờ của tự vệ Nghi Xuân, Đô Lương, Hương Khê, Can Lộc trong cuộc đấu tranh ngày 1-5-1930; bộ sưu tập trống mà lực lượng Tự vệ đỏ ở Đô Lương, Con Cuông, Hưng Nguyên, Thanh Chương... sử dụng làm hiệu lệnh tập trung đội viên luyện tập quân sự, đi canh gác, bảo vệ an ninh thôn xóm; cổ vũ quần chúng nhân dân đi biểu tình.

Đặc biệt là bộ sưu tập vũ khí mà các đội tự vệ tự chế tạo để luyện tập và chống lại kẻ thù như: Gậy gộc, giáo, mác, nỏ, búa, kìm, quả đấm, dao găm, mã tấu, kiếm, lưỡi lê, chĩa ba răng, cào, cuốc, mìn chai, dùi ngạnh, thước tay, thanh thép... Bảo tàng phối hợp với các địa phương xây dựng hồ sơ, bảo vệ, trưng bày, khai thác nhiều di tích liên quan đến hoạt động của lực lượng Tự vệ đỏ như: Đình Trung ở thành phố Vinh, nơi tự vệ tập trung bảo vệ công-nông tham gia cuộc đấu tranh ngày 1-5-1930; cột đèn Ngã ba Bến Thủy, nơi tự vệ Trần Cảnh Bình treo cờ Đảng cổ vũ cuộc biểu tình ngày 1-5-1930; ga Yên Xuân ở Hưng Nguyên, nơi tự vệ cắt đứt đường dây điện thoại và bắt giữ trưởng ga ngày 12-9-1930; đình Long Ân ở Diễn Châu, nơi tự vệ tập trung đi bảo vệ cuộc đấu tranh ngày 7-11-1930; cây đa Chính Vỵ ở Nghi Lộc, nơi tự vệ trừng trị tên Tri huyện Tôn Thất Hoàn và 11 tên lính ngày 2-1-1931; dốc Động Đá ở Anh Sơn, nơi tự vệ giết tên đồn trưởng Pháp Perie ngày 28-8-1931; cánh đồng Bùi Xá ở Đức Thọ, nơi tự vệ trừ khử tên tay sai gian ác Đỗ Văn Thiện ngày 14-4-1931...

Qua những câu chuyện và ký ức về các đội viên Tự vệ đỏ giúp chúng tôi thêm hiểu, tự hào hơn về một giai đoạn cách mạng hào hùng, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nghệ-Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ”!”.   

DƯƠNG NAM HÒA