Cha của bà Hồ Thị Kim Thanh là Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Truyền, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ, phụ trách vành đai diệt Mỹ Chu Lai; mẹ là nữ cán bộ cách mạng Trần Thị Đoa. “Ba tôi sinh năm 1920, hy sinh năm 1967. Mẹ tôi sinh năm 1921, hy sinh năm 1968. Cả hai ông bà đều mất năm 47 tuổi”-bà Kim Thanh cho biết.

Đồng chí Hồ Truyền tên khai sinh là Hồ Dậu, quê ở xã Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam). Tham gia cách mạng từ năm 1935, đến năm 1939, ông được kết nạp Đảng. Tháng 8-1945, ông là Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã An Hòa (Tam Kỳ, Quảng Nam). Thời kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Chi bộ xã An Hòa, Phó văn phòng Huyện ủy Tam Kỳ, cán bộ Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức huyện Tam Kỳ. Năm 1953, ông được cử ra miền Bắc. Đến năm 1955, Trung ương Đảng điều ông trở lại miền Nam hoạt động bí mật, có thời gian, ông giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Cuối năm 1956, Hồ Truyền bị bắt. Chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ông về giam giữ tại Đà Nẵng.

Suốt 8 tháng ròng rã bị tra tấn dã man, ông Hồ Truyền chỉ một mực khai là người đi buôn bò. Địch không khai thác được gì, buộc phải thả ông ra. Hồ Truyền bí mật bắt liên lạc với cơ sở cũ, tham gia hoạt động tại huyện Tam Kỳ (Quảng Nam). Cuối năm 1959, ông được bầu vào Tỉnh ủy Quảng Nam và được điều động lên huyện Tiên Phước giữ chức Bí thư Huyện ủy. Trên cương vị công tác mới, ông đã cùng tập thể đảng bộ lãnh đạo nhân dân Tiên Phước một lòng theo cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Huyện ủy Hồ Truyền, Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Phước đã chiến đấu kiên cường, mở rộng và giữ vùng giải phóng: Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Phương Đông, Dương Yên... là những địa bàn trọng điểm, làm bàn đạp để bảo vệ hoạt động của Tỉnh ủy Quảng Nam.

leftcenterrightdel

Bà Hồ Thị Kim Thanh (ngoài cùng, bên trái) và hai em chụp ảnh cùng ba năm 1963. Ảnh do gia đình cung cấp 

Nhắc đến đây, bà Thanh xúc động chỉ vào tấm ảnh mấy cha con chụp hồi năm 1963, tại căn cứ nơi Huyện ủy Tam Kỳ đứng chân. Khi ấy, ông Truyền đang làm Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, vừa được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, phụ trách công tác dân vận. Tấm ảnh không chỉ có niềm vui gặp mặt mà còn là dấu ấn về một gia đình  bị địch bắt bớ, khủng bố làm cho tan nát. Bà kể: “Lúc đó, mẹ tôi bị địch bắt bỏ tù, tôi cũng là cơ sở của Huyện ủy Tam Kỳ. Địch bắt nhốt chị em tôi trong khu trù mật. Nhận định sớm hay muộn rồi chúng cũng tìm cách sát hại mấy chị em, vì ba mẹ tôi đều tham gia hoạt động cách mạng nên tôi đã báo cáo cấp trên và Huyện ủy bố trí đội công tác đưa chúng tôi lên núi”. Mấy ngày sau, Huyện ủy Tam Kỳ cử Đội công tác xã Tam Hiệp đưa 3 chị em lên căn cứ. Tuy nhiên, gần một tháng sau, cha con họ mới có cơ hội gặp nhau và chụp bức ảnh kỷ niệm mà bà Thanh lưu giữ cẩn thận đến bây giờ.

Tháng 4-1965, ông Truyền giữ chức Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam. Tháng 5-1965, quân Mỹ đổ quân xây dựng căn cứ Chu Lai (nay thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành). Ông được bổ nhiệm là Chính ủy Mặt trận Chu Lai, có nhiệm vụ lãnh đạo quân và dân Nam Tam Kỳ xây dựng vành đai diệt Mỹ. Đặc biệt, ông đã lãnh đạo huyện Nam Tam Kỳ phối hợp với Tỉnh đội Quảng Nam lập phương án đánh chốt điểm Núi Thành vào ngày 26-5-1965, diệt gọn một đại đội lính Mỹ, mở đầu cho Phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” trên chiến trường miền Nam.

leftcenterrightdel

 Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Thị Kim Thanh giới thiệu kỷ vật của ba mẹ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tiếng tăm về người cộng sản nằm vùng, bám đất, bám làng, bám dân để chiến đấu trên vùng đất Núi Thành, Chu Lai, Quảng Nam đã khiến địch “mất ăn mất ngủ”. Chúng treo giải thưởng lớn cho những ai phát hiện hoặc giết được Hồ Truyền. Với tài nghệ, bản lĩnh của mình, ông đã nhiều phen qua mắt kẻ thù một cách ngoạn mục. Ngày 20-5-1967, Bí thư Hồ Truyền về hoạt động tại xã Tam Hiệp (nay thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cùng với đội công tác của xã. Ông đang ở dưới hầm bí mật của một gia đình cơ sở cách mạng thì bị địch phát hiện và tổ chức bao vây. Trong tình huống hiểm nghèo, Hồ Truyền đã tung nắp hầm, sử dụng súng ngắn, lựu đạn chiến đấu với quân địch giữa ban ngày và dũng cảm hy sinh.

Trong suốt 32 năm tham gia hoạt động cách mạng, ông Hồ Truyền đã tổ chức chỉ huy đánh 30 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên địch; xây dựng 650 cơ sở, trong đó cơ sở vành đai Chu Lai là chủ yếu. Lãnh đạo, tổ chức đấu tranh chính trị, xây dựng, phát triển các đội công tác và lực lượng du kích ở các xã thuộc huyện Nam Tam Kỳ và huyện Tiên Phước. Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của nguyên Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ, năm 2010, Đảng, Nhà nước đã truy tặng ông Hồ Truyền danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

NGUYỄN AN NHIÊN