Được coi như người thân trong gia đình nên Đại tá Trần Hồng và tôi lưu lại một ngày đêm tại quê nhà An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) của Đại tướng. Nhờ vậy, tôi có cơ hội trò chuyện khá lâu với ông Võ Đại Hàm, sinh năm 1943, là cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông (cụ nội của ông Võ Đại Hàm là anh ruột của bố Đại tướng Võ Nguyên Giáp). 

Cái bắt tay chắc nịch cùng dáng người cao gầy, lưng có phần còng xuống với nước da ngăm đen của ông cho người đối diện cảm giác đây đúng là một lão nông chăm chỉ, cần mẫn. Chính nhờ bàn tay chăm sóc của ông mà ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm yên bình bên dòng Kiến Giang cây cối luôn xanh mát, sân vườn sạch sẽ. Mỗi hiện vật được lưu giữ tại đây, ông Hàm đều nâng niu, trân trọng giữ gìn. Ông bảo, dù bận đến mấy thì thói quen dậy sớm mỗi sáng, nhanh chóng từ nhà riêng chỉ cách một khoảng sân sang thắp hương cho Đại tướng rồi cẩn thận sắp xếp, lau dọn kỹ càng ban thờ không bao giờ ông quên.

leftcenterrightdel

Ông Võ Đại Hàm (bên phải) tiếp đoàn khách đến từ Lào. Ảnh: PHÚ SƠN

Theo lời kể của ông Hàm, thời kỳ chiến tranh, ngôi nhà bị tàn phá, hư hỏng nặng nề và đến năm 1978 được khôi phục trên nền đất cũ của tổ tiên. Ông cũng chính thức trông nom từ ngày đó. Theo thời gian, ngôi nhà cũng bị xuống cấp. Ông Hàm cho biết: “Sau này, nguyện vọng đầu tư phục dựng ngôi nhà được lãnh đạo huyện Lệ Thủy nhiều lần xin ý kiến nhưng Đại tướng đều chưa đồng ý. Phải đến tháng 8-1999, Đại tướng về thăm quê. Biết tin, nhiều tầng lớp nhân dân đã đến trụ sở ủy ban tỉnh chúc mừng sinh nhật và bày tỏ mong muốn được cùng Đại tướng về thăm quê. Nhân cớ đó, lãnh đạo huyện Lệ Thủy tiếp tục đặt vấn đề với Đại tướng về việc tôn tạo, trùng tu ngôi nhà. Lần này, Đại tướng nhất trí và ủy quyền cho cô Võ Hồng Anh thay mặt gia đình trao đổi với huyện về công việc liên quan”.

Sau một thời gian chuẩn bị, bản thiết kế ngôi nhà kiểu 3 gian, 2 chái, 5 lồng theo nguyên bản truyền thống xưa được hình thành. Đoàn cán bộ huyện Lệ Thủy ra tận Hà Nội để xin ý kiến Đại tướng. Đầu năm 2001, ngôi nhà chính làm bằng gỗ trường chua, gỗ gụ 3 gian 2 chái lợp ngói và nhà ngang (làm bếp, khu vực để đồ dùng sinh hoạt gia đình...) lợp tranh được dựng trên nền đất cũ. Ở nhà chính, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên. Phía trên cùng có ảnh cụ Võ Quang Nghiêm và Nguyễn Thị Kiên-thân sinh của Đại tướng. Hiện nay, phía ngoài cùng là bàn thờ đặt tượng và di ảnh của Đại tướng. Gian bên phải là nơi kê chiếc sập gụ, gian bên trái đặt bộ tràng kỷ làm nơi cho du khách ngồi viết sổ lưu niệm... Tháng 10-2020 xảy ra trận đại hồng thủy. Nước dòng Kiến Giang dâng cao, ngập ngang nhà. Do được dự báo trước tình hình mưa lũ nên tôi đã cẩn thận gói ghém đồ đạc, chất lên chỗ cao hoặc gửi ở nơi an toàn. Lũ rút hết, căn nhà ngập trong bùn nước, tôi cùng vợ con ra sức quét dọn, lau chùi. Chính quyền và Quân đội cũng cử lực lượng đến giúp đỡ ngày đêm nên căn nhà nhanh chóng sạch sẽ. Phần hư hỏng cũng được một doanh nghiệp hảo tâm sửa chữa. Trong vòng hai tháng, ngôi nhà đã trở lại nguyên trạng”-ông Võ Đại Hàm kể.

Hiện nay, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Lệ Thủy là điểm tham quan thu hút khách thập phương khi đến Quảng Bình. Mùa du lịch, mỗi ngày có hàng trăm lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Và những ai từng một lần đến đây sẽ không quên “hướng dẫn viên đặc biệt” là ông Võ Đại Hàm. Tuổi tác mỗi ngày một cao, nhưng khi có khách đến tham quan, ông Hàm lại quên mệt để tiếp đón, trò chuyện vui vẻ. Dù chưa học qua bất cứ lớp nghiệp vụ nào nhưng vì ngôi nhà và các hiện vật ở đây đã quá quen thuộc, gắn bó với ông nên mọi thứ qua lời giới thiệu của ông rất rõ ràng, chuyên nghiệp. Đặc biệt, những câu chuyện mà ông kể đều cho thấy sự hiểu biết và tấm lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với Đại tướng. Trò chuyện với tôi, ông Hàm cho hay, bản thân không nhớ đã tiếp bao nhiêu người, bao nhiêu đoàn đến tham quan, nhưng dù đó là ai, ông cũng đều sẵn sàng chào đón và phục vụ khi sức khỏe còn cho phép.

SƠN HÀ