Cái tên gọi Ba Lô là của ta đặt khi đi trinh sát địa hình để lên phương án tác chiến đánh địch. Cao điểm này có một đại đội địch chiếm đóng, xây dựng tương đối vững chắc, kiên cố với hai lớp hàng rào dây thép gai, ngoài ra, chúng còn cài nhiều loại mìn chống bộ binh. Trung đoàn 6, Quân khu Trị Thiên (nay là Trung đoàn 6, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế) được giao nhiệm vụ bám địch lập phương án đánh chiếm cao điểm, nhằm xóa con mắt quan sát này của địch.

leftcenterrightdel
Tác giả (ngoài cùng, bên trái) và cựu chiến binh Trung đoàn 6 tặng quà các đối tượng chính sách xã Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị) năm 2020.  Ảnh: ĐÀO ANH 

Ngày ấy, tôi là chiến sĩ thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6. Cách ngày diễn ra trận đánh nửa tháng, tôi và đồng chí Trần Quang Tuấn thuộc mũi 1 được cử đi làm công tác hậu cần cho đơn vị. Trên đường đi, không may tôi bị thương, được Tuấn cõng đưa vào trạm phẫu tiền phương. Gần nửa tháng sau, tôi ra viện về đơn vị thì trận đánh đã xong. Tôi được biết đồng chí Hoàng Văn Giám, người thay vị trí của tôi đã anh dũng hy sinh.

Đồng chí Phan Xuân Linh, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 2 kể lại: “4 giờ 15 phút rạng sáng 28-8-1974, được lệnh cấp trên, cối 82mm và ĐKZ của ta đồng loạt khai hỏa, cấp tập bắn vào cao điểm. Cối 82mm đều bắn trúng các mục tiêu. ĐKZ đã phá hủy được lớp hàng rào, các lô cốt, ụ súng đầu cầu của địch tạo thuận lợi cho quân ta xung phong. Theo kế hoạch hiệp đồng, mũi 1 chủ công do Đại đội trưởng Bùi Công Tiễn chỉ huy, chiến sĩ Trần Quang Tuấn (quê ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) đi đầu, tiếp đó là Trung đội trưởng Trung đội 1 Hoàng Minh Khoa (quê ở Kim Thành, Hải Dương) cùng các đồng đội đi phía sau.

Mũi 2 do Chính trị viên Nguyễn Đức Huân chỉ huy và các đồng chí Hoàng Văn Giám (quê ở Vũ Thư, Thái Bình), Tiểu đội phó Nguyễn Văn Cuối (quê ở Thái Bình). Tiếp đó là Trung đội trưởng Trung đội 2 Nguyễn Ngọc Chút (quê ở Bá Thước, Thanh Hóa) cùng các đồng đội tiếp theo sau. Mũi 3 do tôi và Đại đội phó Vũ Đức Pha chỉ huy, có các đồng chí Đinh Gia Tiến (quê ở Long Biên, Hà Nội), Trung đội trưởng Trung đội 3 Trần Ngọc Mai (quê ở Diễn Châu, Nghệ An)... Địch bị ta đánh bất ngờ bằng hỏa lực mạnh nên một số hoảng sợ rút xuống hầm trú ẩn, một số chụm nhau lại kháng cự quyết liệt. Trận đánh này ta chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo, nắm chắc tình hình hoạt động, địa hình, địa vật, bố trí hỏa lực của địch để tiêu diệt ngay từ đầu. Ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ một đại đội của địch”.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Phan Xuân Linh, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 2 (bên phải) và tác giả thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: ĐÀO ANH

Để có được chiến thắng này, 6 đồng đội của đơn vị tôi là các anh Huân, Khoa, Tuấn, Giám, Nghĩa, Cuối đã anh dũng hy sinh và nhiều đồng chí bị thương. Thấm thoắt gần nửa thế kỷ trôi qua, mỗi lần gặp nhau, chúng tôi luôn nhắc nhớ, tự hào về các anh và nguyện một lòng gìn giữ những ký ức oanh liệt của một thời bom đạn.

ĐÀO ANH TRANG