Bấy giờ, chị Minh Hiền, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Dũng mới cho hay: “Dưới thời Trần, có một ngư phủ tên là Nghĩa Xuyên, ngày ngày chèo thuyền ra sông đánh cá. Chuyện sẽ chỉ dừng lại như vậy với người ngư dân chân chất làm ăn kiếm sống trên sông nước, nhưng giặc Nguyên Mông kéo tới xâm lược nước ta lần thứ hai (năm 1285), Nghĩa Xuyên đã lập nhiều công lớn. Trong cuộc chiến với giặc Nguyên Mông, dòng Lục Đầu Giang (đoạn từ ngã ba Nhãn tới vị trí sông Thái Bình hình thành sau khi tiếp nhận nguồn nước của sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống và sông Kinh Thầy) chỉ dài chừng 10km trở thành chiến trường ác liệt giữa quan quân nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy và đạo quân thủy của giặc Nguyên Mông.
Tiến sĩ văn học Trần Đức Hoàn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Yên Dũng hào hứng giới thiệu: “Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã chọn Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương) làm nơi sẽ diễn ra trận quyết chiến chiến lược. Để thực hiện được chủ trương đó, ông đã cho quân tiến đánh ở những chiến địa khác nhằm tiêu hao lực lượng địch, đồng thời tiến hành đốt phá quân nhu cùng lương thực tiếp viện từ phía Bắc. Với kế sách này, quân và dân ta dồn giặc vào thế hoang mang, chúng đành rút quân về Vạn Kiếp để tìm đường tẩu thoát. Nhưng cánh quân thủy của Thoát Hoan và Lý Hằng không thể ngờ khi đến Vạn Kiếp lại rơi vào cái bẫy của quân ta. Thời cơ đã đến, Trần Hưng Đạo dẫn quân tổng tiến công vây đánh quân thù tan tác tại chiến địa Vạn Kiếp (tháng 5-1285). Hàng trăm chiến thuyền của quân Nguyên Mông bị đánh tơi bời, chìm nghỉm dưới lòng sông. Tướng Lý Hằng tử trận, còn Thoát Hoan được tùy tùng giấu vào ống đồng, rồi bỏ thuyền lên bờ theo đường bộ chạy lên Lạng Sơn tẩu thoát về nước.
|
|
Lễ hội truyền thống đền Cổ Phao. Ảnh: HẠNH LIÊN
|
Hồi đó, ông Nghĩa Xuyên đã đứng ra lập một đội quân bao gồm những ngư dân sông nước và người dân địa phương, để tham gia cùng đại quân của Trần Hưng Đạo đánh chặn giặc Nguyên Mông. Ông Nghĩa Xuyên đã dẫn đội dân binh thủy của mình theo Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đuổi giặc Nguyên Mông. Khi quân Nguyên Mông kéo đến, hai bên giao chiến quyết liệt, đội quân của Nghĩa Xuyên vừa thạo tay kiếm lại bơi lội giỏi, có tài lặn nước đục thuyền, khiến nhiều thuyền giặc bị nhấn chìm trong nước”.
Nghe đến đây tôi bỗng nhớ câu chuyện đã được học trong sách giáo khoa phổ thông. Câu chuyện kể về chàng Yết Kiêu, tên thật là Phạm Hữu Thế, người tỉnh Đông (nay là Hải Dương). Từ thuở nhỏ chàng đã có tài bơi lặn, giỏi đến mức sau này người đời đã gọi là “nhập thủy như phúc bình địa hỷ”, có nghĩa là “đi dưới nước ung dung tự tại như trên đất bằng”. Khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, chàng trai ấy đã sung quân theo Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đi đánh giặc. Nhờ vào tài bơi lặn, chàng đã lập nhiều chiến công, đặc biệt là những lần lặn dưới sông, khéo léo luồn dưới gầm để đục thủng đáy những thuyền chiến của địch. Mỗi lần đục lỗ xong thì chàng bít giẻ lại và buộc dây nối với nhau; sau khi đã đục xong số lỗ đã định, đợi khi trời sáng thì kéo dây nút giẻ ra. Nước sông cứ thế ùa vào khiến thuyền chiến của giặc bị ngập nước mà chìm. Chàng đã góp phần đánh chìm hàng chục thuyền chiến của giặc. Người anh hùng Phạm Hữu Thế được Vua Trần ban danh hiệu “Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân”. Ông mất năm 1303, hưởng thọ 61 tuổi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những chiến sĩ đặc công nước (người nhái) của ta đã nhiều phen bí mật áp sát tàu chiến Mỹ để đặt mìn phá hủy. Những liên hệ đó cho thấy, nhân dân ta không chỉ yêu nước, hăng hái tham gia đánh giặc mà còn biết sử dụng khả năng dân dã của mình để góp phần vào những chiến công vang dội.
Tiến sĩ văn học Trần Đức Hoàn thông tin thêm: “Trong một lần giao chiến với giặc, ông Nghĩa Xuyên bị trúng tên và bị thương nặng. Do không muốn bị giặc Nguyên Mông bắt được nên ông đã gieo mình xuống sông, chỗ ấy nay là ngã ba Nhỡn. Để ghi nhớ công lao của ông, triều đình đã cho lập đền thờ ông ngay tại nơi ông tuẫn tiết, chỗ ấy có một gò đất nổi ở giữa đoạn sông Lục Nam hòa với sông Thương. Đến thời Lê, vào thế kỷ 17, người dân địa phương đã di chuyển ngôi đền lên vị trí hiện nay để tránh bị ngập nước. Cũng từ đó ngôi đền được gọi theo tên làng là đền Cổ Phao”.
Để ghi nhớ công lao của tướng dân binh Nghĩa Xuyên nên ở ngay cổng đền, người dân địa phương đã đắp nổi đôi câu đối: “Nhạc độc chung linh bình sơn Thánh/ Trần triều kiếm tích hiển minh Thần”, nghĩa là: “Núi cao hun đúc nên sự linh thiêng, huyền diệu của bậc sơn Thánh/ Vết kiếm triều Trần lừng lẫy chiến công oanh liệt của bậc Thần minh”.
Chúng tôi cùng lên thăm đền. Theo như giới thiệu của chị Minh Hiền, khu đền chính gồm hai tòa theo bố cục kiến trúc truyền thống (chữ Nhị), gồm tòa tiền tế 3 gian nối tòa hậu cung 3 gian. Bên trong gồm: Hàng thứ nhất bài trí tượng thờ Nghĩa Xuyên tiền quân đại tướng và Bằng Sơn Cảm Ứng Tôn Thần (vị Sơn Thần trong truyền thuyết được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng). Hàng tiếp theo bài trí tượng thờ Tam phủ công đồng, gồm Thiên phủ, Thủy phủ và Địa phủ. Trong đền còn lưu giữ được nhiều tư liệu quý có giá trị lịch sử, văn hóa như: Khám thờ, kiệu bát cống thời Lê, bộ bát bửu, bát hương cổ, sắc phong thời Nguyễn năm 1897 sắc cho Nghĩa Xuyên tiền quân đại tướng, sắc cho Bằng Sơn Cảm Ứng Tôn Thần và nhiều đồ thờ tự có giá trị khác.
|
|
Đền Cổ Phao bên bờ sông Thương. Ảnh: TRỌNG VĂN |
Ông Trần Đức Hoàn cho hay: “Huyện Yên Dũng đã xác định đền Cổ Phao là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và là nơi hằng năm tổ chức lễ hội của địa phương. Lễ hội được tổ chức từ ngày 9 đến 11-2 và ngày 10, 11-8 (âm lịch). Trong lễ hội, ngoài phần nghi lễ còn có nhiều trò chơi dân gian”. Được biết, trong lễ hội, người trên thuyền từ các nơi về dự đều lên bờ làm lễ nhập tịch và tế lễ tại đền Cổ Phao, lễ xong thì lại xuống thuyền xuôi sông Thương để đến đền Kiếp Bạc. Đó như là một lễ nghi bày tỏ sự tri ân với các bậc tiền nhân đã làm nên những chiến công oanh liệt trên dòng Lục Đầu Giang.
Lễ hội đền Cổ Phao còn tái hiện việc luyện tập thủy quân thời Trần. Trong lễ hội có thi bơi trải, bơi ếch, ngụp lặn, bơi thi lấy cờ...
Từ cổng đền, chúng tôi phóng tầm mắt nhìn ra sông Thương, bắt gặp một vùng sông nước mênh mang với những chiếc thuyền chài đang thong thả buông lưới. Nhìn chếch lên phía Bắc khoảng 1km là ngã ba Phượng Nhãn (Phượng Nhỡn) nổi danh. Lại phóng tầm mắt khoảng 1,5km về phía Nam là dòng Lục Đầu Giang lịch sử, thấy còn đó bến Vạn Kiếp đã chôn vùi hàng vạn xác quân Nguyên Mông. Quang cảnh nơi đây quả là một “kỳ quan lịch sử” mà thiên nhiên đã ban tặng cho ngôi đền Cổ Phao nói riêng cũng như vùng đất Bắc Giang nói chung.
Ghi chép của ĐOÀN THIỆN VY